“Chị ơi, em Mai nè, chị còn nhớ em không”, dòng chữ nhảy nhót trên messenger của facebook ngày cuối tuần khiến tim Quỳnh như chao đi một nhịp. Cô ngắm mãi gương mặt thiếu phụ chừng 35 tuổi rạng rỡ trên facebook, phảng phất bóng dáng của cô bé tết tóc đuôi xam hàng xóm năm nào. “Mai ơi, chị sao quên được em chứ, em có khỏe không”, Quỳnh trả lời, tự dưng nước mắt từ đâu thi nhau rơi xuống.
Là Mai đó, cô em hàng xóm thuở Quỳnh đôi mươi, chiều chiều ngồi sau chiếc xe đạp mifa màu xanh ngọc đi học chung lớp Anh văn buổi tối. Nhà của cô và Mai nằm ven con sông Nhuệ, nước ngày đó còn xanh trong, hai bên bờ cây mù u nở vàng mỗi độ cuối thu, những rặng tre ngà vặn vẹo trong gió mùa đông bắc và những cây bàng lá đỏ trầm tư thả từng chiếc lá khô xuống bến nước đầu làng.
Nhà Mai đông anh em, nhà Quỳnh neo người, mỗi bận có việc làng, bố mẹ Mai cùng 6 anh chị em đầu đội lễ lớn, tay xách lễ nhỏ lướt qua nhà Quỳnh. Quỳnh ngồi trong sân, nghe tiếng bước chân quen thuộc qua nhà, nhìn trộm anh trai Mai nghiêm nghị đi cạnh ông bố. Qua ngõ, anh trai Mai giả đò cúi xuống cài lại dây giày nhưng mục đích chính là nhìn Quỳnh vừa ra cửa. Ngày ấy, chẳng có điện thoại, hai người hẹn nhau bằng ám hiệu, anh giơ 3 ngón tay lên vấy vẫy, là anh nói với Quỳnh: Anh yêu em. Giơ 7 ngón tay nghĩa là hẹn gặp nhau lúc 7 giờ tối còn lắc đầu nghĩa là hôm nay chẳng gặp nhau được rồi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Quỳnh không biết mặt cha, chính xác thì cô không có cha, cha cô là người đàn ông nào đó ở xóm trên, xóm dưới hay xóm giữa, mẹ cô chẳng bao giờ hé răng. Khi còn nhỏ có dăm người đàn bà trong làng cũng kiếm cớ sang chơi cốt nhìn mặt xem Quỳnh có giống chồng mình không nhưng tất cả đều không tìm kiếm được gì vì cô giống mẹ như đúc.
Mẹ Quỳnh là công nhân dệt trong xưởng lụa làng Vạn Phúc, chuyên dệt the chữ Thọ, nổi tiếng khắp vùng. Ông bà ngoại chỉ có mình mẹ Quỳnh nhưng khi bà vác bụng lùm lùm, chẳng nói tên cha đứa bé thì ông bà đã nổi trận lôi đình, đuổi bà ra khỏi nhà, thề không ngó ngàng.
Sảy cha còn chú, trong đại gia đình bên ngoại, có em trai của ông ngoại vốn dân “Tây học”, đi thoát ly khỏi làng từ lâu, năm ấy tới tuổi nghỉ hưu được nhà nước trả tiền chế độ một cục đã mang tiền về làng mua một miếng đất. Cuối dẻo đất ấy, ông xây một căn nhà lớn cho mình và vợ con, một căn nhà cấp 4 nhỏ cho mẹ Quỳnh về ở.
Quỳnh lớn lên trong căn nhà dưới gốc duối già, mùa hè thường cho quả vàng rực. Mẹ dặn ăn quả duối dễ bị ngộ độc vì rắn cũng thích ăn thứ quả này, khi ăn nó để lại độc trên quả, thế nhưng vị ngọt tuổi thơ của Quỳnh là trái duối vàng ươm, cô bé Mai hàng xóm và anh của cô, một cậu trai làng hơn cô 5 tuổi.
3 người họ lặng lẽ lớn lên bên nhau, khi Quỳnh 16 tuổi, mẹ cô bị cảm rồi ra đi chẳng nói một lời. Ông bà ngoại cắn răng lau nước mắt, lục tìm trong chiếc hòm gỗ mẹ cô vẫn khóa kín, chỉ thấy ảnh một người đàn ông phong lưu, áo trắng, dép nhựa tiền phong, đầu đội mũ nồi lệch. Phía sau tấm ảnh, ghi một ngày vu vơ. Người đàn ông trong ảnh, năm đó đang giữ một chức vụ quan trọng ở huyện, ông có một gia đình trong ấm, ngoài êm, hai cậu con trai và một cô con gái trạc tuổi Quỳnh.
100 ngày mẹ, cha cô lén lút tới thăm Quỳnh giữa đêm thanh vắng, đưa cho ông bà ngoại cô một cọc tiền, một chiếc xe đạp mifa màu xanh ngọc, xin ông bà đưa cháu về nuôi. Sau lần ấy, không khi nào cha cô về thăm nữa, thi thoảng đọc báo, cô thấy hình cha, mỗi ngày một thăng tiến hơn nhưng cũng xa xôi hơn.
Chiếc xe đạp mifa xanh đã giúp Quỳnh thân thiết hơn với gia đình Mai nhưng cũng chỉ dừng lại là bạn học lớp tiếng Anh. Cái ngày mẹ của Mai phát hiện anh trai Mai chở Quỳnh đi chợ hoa đêm giao thừa bằng chiếc xe mifa xanh cũng là lúc Quỳnh không còn được chở Mai thêm một lần nào nữa. “Gia đình cháu không chê gì Quỳnh nhưng các cháu không phù hợp”, chỉ một lời ấy thôi, Quỳnh và người ấy đã cách nhau cả một dòng sông không có đò cũng chẳng có cầu vượt qua.
Một năm trước khi vào học trường Y, có những buổi chiều Quỳnh ngồi bên gốc duối dại hàng giờ đồng hồ. Phía bên kia bức tường, cô biết, có một người con trai cũng lặng lẽ ngồi nhìn về ô cửa nhà cô. Quả duối ngọt, vàng ươm sao đời người lại cay đắng như thế???
…Thời gian như cát trôi qua kẽ tay, mười mấy năm nay kể từ khi ông bà ngoại khuất bóng, Quỳnh không về làng. Cô vùi đầu vào những nghiên cứu khoa học, những chuyến công tác dài ngày, những ca trực triền miên, cô không muốn nhớ tới bờ tường đầy rêu và những quả duối trái mùa lăn lóc. Người ấy cũng như cô, mấy chục năm qua sống ở nước ngoài không một lần về nước.
Mai cũng ra nước ngoài, nghe nói phụ giúp cho công việc của anh. Ấy là Quỳnh vô tình nghe được tin ấy trong lần về thăm gia đình chú cách đây hơn một năm. Cô nghe thế, bỗng nhiên như nghe thấy cả tiếng gió thổi qua miền ký ức, thấy chiếc xe đạp xanh chỏng chơ với bó hoa lay ơn trắng nát nhừ và ánh mắt tuyệt vọng của người con trai cùng lớn lên bên dòng sông bạt ngàn trái mù u…
“Nhờ có facebook mà em tìm được chị, anh em…” im lặng… “chị còn nhớ anh em không, hôm trước có bạn học từ Việt Nam ghé sang, biết tin chị vẫn chưa lập gia đình, anh ấy đã khóc, chị ơi, gia đình em có lỗi với chị rất nhiều”…
…Chiều ấy, khi nắng đã nhạt nhưng vẫn còn rực rỡ, ai ngang qua phòng trực bệnh viện M có thể sẽ thấy một bác sỹ thanh mảnh, dịu dàng ngồi đan tay đón gió với hàng mi ướt long lanh.