Bi kịch dũng tướng Đỗ Thanh Nhơn, một trong “tam hùng” thành Gia Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tương truyền, vì những công trạng và uy thế lẫy lừng, tính khí ngang tàng mà vị tướng tài Đỗ Thanh Nhơn trở thành cái gai trong mắt vị chúa trẻ và cuối cùng phải nhận cái chết thảm
Mộ dũng tướng Đỗ Thanh Nhơn ở Bình Dương.
Mộ dũng tướng Đỗ Thanh Nhơn ở Bình Dương.

Đỗ Thanh Nhơn (? - 1781) là một danh tướng có nhiều công lao dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Cùng với Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, ông được người đương thời xưng tụng là “Gia Ðịnh tam hùng”. Song có lẽ cũng vì những công trạng và uy thế lẫy lừng, tính khí ngang tàng mà ông thành cái gai trong mắt vị chúa trẻ và cuối cùng phải nhận cái chết thảm.

Thủ lĩnh quân Đông Sơn

Đỗ Thanh Nhơn (hay Đỗ Thanh Nhân, Đỗ Thành Nhơn) là người gốc huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, sau dời vào trấn Phiên An, tức Gia Định sau này. Một số tài liệu ghi chép, Đỗ Thanh Nhơn là người võ nghệ cao cường, thông làu binh pháp, có tài cầm binh đánh trận.

Đỗ Thanh Nhơn cho rằng chỉ có chúa Nguyễn là chính danh nên ngay từ đầu ông đã muốn phò giúp. Ông đặt tên đạo quân của mình là Đông Sơn để tỏ rõ lập trường đối địch với quân Tây Sơn.

Theo đó, sau khi phất cờ khởi nghĩa năm 1771, lực lượng quân Tây Sơn ngày càng lớn mạnh, đánh chiếm nhiều nơi thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn. Năm 1775, bị quân Tây Sơn rượt đuổi, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Trấn Biên, rồi ra lệnh triệu tướng Tống Phước Hiệp đến phò trợ nhưng quân cứu viện không đến kịp.

Nhân cơ hội này, Đỗ Thanh Nhơn cùng một số thuộc hạ họp binh ở Ba Giồng được hơn 3000 người, xưng là “Đông Sơn thượng tướng quân”, rồi đi cứu giá. Từ Ba Giồng, Đỗ Thanh Nhơn đưa quân đánh úp quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy, thắng luôn mấy trận. Nguyễn Lữ không địch nổi đành lấy thóc trong kho chở hơn hai trăm thuyền chạy về Quy Nhơn.

Đỗ Thanh Nhơn lấy lại được Gia Định (lần thứ nhất) bèn đón chúa Nguyễn Phúc Thuần trở lại. Do lập được đại công, Đỗ Thanh Nhơn được chúa Nguyễn cho giữ chức chưởng dinh, phong tước Phương quận công. Tướng sĩ quân Đông Sơn đều được ban thưởng theo thứ bậc.

Khi về dưới trướng chúa Nguyễn, Đỗ Thanh Nhơn đã kết oán với một viên tướng dưới quyền tướng Tống Phước Hiệp là Lý Tài. Lý Tài gốc người Hoa, chỉ huy đạo Hòa Nghĩa quân, trước kiatừng kiếm sống bằng nghề buôn bán rồi sau có thời gian tham gia phong trào Tây Sơn. Lúc theo quân Tây Sơn, Lý Tài do nhiều phen bại trận nên tỏ ra bất mãn, sau đầu hàng và về với chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn Phúc Thuần muốn thu dùng Lý Tài, nhưng Đỗ Thanh Nhơn vì muốn tranh giành địa vị nên nói: Lý Tài chẳng qua cũng chỉ là loài chó, loài heo, có dùng cũng vô ích mà thôi. Bởi lời này, Lý Tài kết oán với Đỗ Thanh Nhơn. Đến khi tướng Tống Phước Hiệp mất, Lý Tài lo Đỗ Thanh Nhơn làm hại mình, bèn đem thuộc hạ chiếm giữ núi Châu Thới chống lại Thanh Nhơn.

Một lần Lý Tài đem quân đánh úp quân Đông Sơn. Đỗ Thanh Nhơn chống cự không nổi, phải đắp lũy từ sông Bến Nghé đến Bến Than để cố thủ. Tháng 11 năm Bính Thân (1776) do sức ép của Lý Tài, chúa Nguyễn Phúc Thuần làm lễ nhường ngôi cho cháu ruột mình là Nguyễn Phúc Dương (Tân Chính vương). Lý Tài được Nguyễn Phúc Dương phong là Bảo giá đại tướng quân.

Năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ đem quân đánh chiếm Gia Định lần thứ hai. Tân Chính vương sai Lý Tài đem Nghĩa Hòa quân ra Hóc Môn (thuộc Gia Định) cự chiến, cầm chân đượcquân Tây Sơn. Bấy giờ, vừa lúc Trương Phước Thận từ Cần Vọt đem quân đến cứu. Lý Tài xa thấy bóng cờ, ngờ là quân Đông Sơn đến đánh úp mình, tự rút quân về. Quân Tây Sơn thừa thế đuổi theo, quân Lý Tài hoảng loạn chạy về Ba Giồng (Tam Phụ) thì bị quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn đón đường giết chết toàn bộ.

Cũng trong năm 1777, quân Tây Sơn nhiều lần đánh bại quân Nguyễn. Bị truy lùng gắt gao, lần lượt Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương cùng một số quan lại bị bắt giết. Đầu năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Ánh, cháu Nguyễn Phúc Thuần, lúc này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Kể từ đó, Đỗ Thanh Nhơn được kề cận để phò tá Nguyễn Ánh.

Bị chúa sát hại

Cũng trong năm 1778, Đỗ Thanh Nhơn cùng Lê Văn Quân giết Tư Khấu Oai ở sông Bến Nghé, rồi cùng Hồ Văn Lân đi Chân Lạp. Ở đây, ông giết Nặc Vinh, tôn Nặc Ấn lên ngôi vua Chân Lạp. Hồ Văn Lân sau đó ở lại bảo hộ, còn ông thì kéo quân về lại Gia Định. Mùa xuân năm Canh Tý (1780), Nguyễn Ánh chính thức xưng đế, Đỗ Thanh Nhơn được phong làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công.

Mùa hạ, tháng 4 năm 1780, Nguyễn Ánh sai Đỗ Thanh Nhơn đánh phủ Trà Vinh. Người gốc Chân Lạp đến ở Trà Vinh đã lâu thành dân nội thuộc, hằng năm cung nộp phú thuế. Nhân lúc loạn Tây Sơn, thủ lĩnh là Ốc nha Suất mưu làm phản. Vua sai đem quân đi đánh. Ốc nha Suất giữ vững lũy chống lại. Nơi ấy rừng sâu rậm rạp um tùm, Suất dựa địa thế hiểm trở để chống, lấy nỏ khoẻ làm món sở trường, quan quân đánh không được.

Vua bèn sai Thanh Nhơn đốc chiến. Quân Nguyễn dùng vòng sắt móc liền các chiến thuyền với nhau, bắc sàn ở trên, kèm dựng cây chuối để đỡ tên đạn, nhân nước thủy triều lên cho thuyền đến sát lũy để đánh. Giặc mất thế hiểm vỡ chạy. Thanh Nhơn đem quân tinh nhuệ đuổi đánh, chặt phá cây rừng, mở thông đường lối, lại đặt phục binh trong rừng, bốn bề nổ súng. Suất cùng đường bị quan binh bắt được. Thanh Nhơn chiêu dụ dân chúng trở về làm ăn.

Mùa thu, tháng 7, Đỗ Thanh Nhơn cho các quân đóng binh thuyền, lấy thứ gỗ nam kiền kiền để đóng thuyền trường đà bánh lái dài, trên gác sàn chiến đấu, hai bên dựng phên tre che thủy binh ở dưới để cho chuyên sức mà chèo, còn trên thì bày bộ binh để xung trận mà đánh. Do đó đi đường biển thuận lợi mà nghề thủy quân sở trường càng tinh thêm.

Là tướng tài lại có nhiều công lao, thế nhưng khi vừa được phong làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công, thì đúng một năm sau (tháng giêng năm Tân Sửu (1781), Đỗ Thanh Nhơn bị Nguyễn Ánh giả bệnh gọi đến chầu rồi ngầm sai võ sĩ giết chết. Lúc biết mình không sống được, ông ngửa mặt lên trời kêu lớn: “Tôi chết không nhắm mắt nhưng hậu thế sẽ không chê cười tôi”. Xoay quanh cái chết của ông các tài liệu sau đó ghi chép có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều.

Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” cho rằng, Đỗ Thanh Nhơn tự phụ là người có tài, làm chuyện ngang ngược và lộng hành, ỷ công lao phò tá mà sinh kiêu căng. Thậm chí cho rằng ông âm mưu đầu hàng Tây Sơn nhưng không thành. “Bấy giờ có quan Chưởng cơ là Tống Phúc Thiêm mật tâu với vua xin trừ bỏ hắn là tên giặc ở cạnh vua. Vua cho là phải bèn giả vờ bị bệnh, rồi sai triệu Đỗ Thanh Nhơn vào bàn việc. Nhân đó sai võ sĩ bắt và giết đi”, sách viết.

Cũng có cách nhìn nhận khác, như sách “Việt sử tân biên” cho rằng: “Trong khi Đỗ Thanh Nhơn lập nhiều công lớn, thì chúa Nguyễn Ánh đã nghe lời dèm pha đem giết đi...Rồi sử sách (Gia Định thông giám) của triều Nguyễn đã cố bào chữa cho họ Nguyễn về cái chết này: họ bảo Đỗ Thanh Nhơn đã quá cậy công, đã có ý thông đồng với Tây Sơn để làm phản, không tuân theo nghi lễ của triều đình, tự chuyên mọi việc v.v...

Sử của người Âu Châu cho rằng cái tội của họ Đỗ chỉ là do làm được nhiều công lớn, uy thế lừng lẫy hầu làm lu mờ cả địa vị ông chúa trẻ tuổi (lúc này Nguyễn Ánh mới 18 tuổi)…”

Hai tướng tâm phúc của Đỗ Thanh Nhơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng, sau khi an táng chủ tướng xong, cùng rút binh về Ba Giồng, chống Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh cho người đi khuyết dụ, nhưng hai vị tướng này không tin nữa. Về sau nhờ cho người trà trộn vào trong quân, bắt sống được Võ Nhàn và Đỗ Bảng đem chém, binh Đông Sơn sau đó tan rã.

Hay tin Đỗ Thanh Nhơn bị giết, Nguyễn Nhạc nói: Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đáng sợ nữa, rồi cùng em là Nguyễn Huệ cử đại binh vào đánh Gia Định. Quân Tây Sơn vào cửa Cần Giờ, đại thắng trận thủy chiến trên sông Ngã Bảy, khiến Nguyễn Ánh phải bỏ thành Sài Gòn chạy về Ba Giồng rồi lánh sang Phú Quốc…

Tác giả Nguyễn Liên Phong trong "Nam Kỳ Phong Tục Nhân Vật Diễn Ca” (1909), có thơ vịnh Đỗ Thanh Nhơn như sau: “Cờ nghĩa Đông Sơn nổi tợ phao. Tấm kình Nam hải sóng đang xao. Thời may gặp chúa trang trần thánh. Vận rủi xui tôi thói Mãng Tào. Mấy thứ công lao trôi bích thủy. Ba hùng danh tướng nhẹ hồng mao.Suối vàng như gặp Châu hùng võ. Hồn luống ăn năn biết tại sao”.

Đọc thêm