Bí mật bên trong khách sạn ma ám kỳ quái nhất nước Mỹ

(PLVN) - Nằm bên dãy núi Rocky của công viên Estes Park, bang Colorado, nước Mỹ, khách sạn Stanley nổi tiếng là một khu nghỉ mát rộng 650 m2, nhưng lại gắn liền với những hiện tượng siêu nhiên kỳ quái không thể giải thích được. 
Bí mật bên trong khách sạn ma ám kỳ quái nhất nước Mỹ

Lịch sử về khách sạn ma ám

Khách sạn có 140 phòng, mỗi phòng đều ẩn chứa một bí mật, mỗi bức tường trong hành lang đều có một câu chuyện đằng sau nó. Nhưng cũng chính vì những điều ký quái bí ẩn này mà hàng năm, có hàng nghìn người sẵn sàng chi tiền để được lưu trú tại Stanley, khám phá xem liệu thực sự khách sạn có bị “ma ám” như lời đồn hay không.

Stanley là một khách sạn có lịch sử lâu đời. Nơi đây có lịch sử rất kỳ dị, bắt đầu với câu chuyện về ông Freelan O. Stanley, người chủ đầu tiên, cũng là người đặt tên cho khách sạn. Năm 1903, ông Freelan O. Stanley đã cùng gia đình chuyển đến thị trấn Estes Park với hy vọng không khí trong lành và ánh sáng mặt trời của dãy núi Rocky sẽ giúp bệnh lao của ông khá hơn. Stanley - người đồng sáng lập Công ty Vận tải Stanley nổi tiếng và người vợ Flora rất yêu cảnh cảnh núi non của Estes Park. Stanley nghĩ rằng, thị trấn này có thể trở thành một nơi vô cùng phát triển và ông quyết định xây dựng một khách sạn sang trọng.

Stanley là một khách sạn có lịch sử lâu đời và rất sang trọng
 Stanley là một khách sạn có lịch sử lâu đời và rất sang trọng

Sau đó, gia đình Stanley đã quyết định chọn nơi này để xây dựng một khách sạn lớn. Năm 1907, người ta xây dựng tòa nhà chính của khách sạn Stanley - một trong 11 cấu trúc trong khu phức hợp ban đầu - bằng cách sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương (hầu hết loại gỗ xẻ từ trận cháy rừng ở Bear Lake năm 1900). Họ trang bị cho  khách sạn những công nghệ mới nhất, bao gồm đèn điện, nước máy, điện thoại và ô tô. Họ thậm chí còn xây dựng một trạm thuỷ điện riêng cung cấp điện cho khách sạn. Năm 1909 khách sạn bắt đầu mở cửa đón những vị khách đầu tiên. Thế nhưng, Stanley lại trở nên nổi tiếng khi người ta vẫn thường đồn đại đây là khách sạn bị ma ám “rất nặng”.

Du khách khi tới Stanley nghỉ ngơi, nhiều người cho biết thường có cảm giác lạnh gáy, đôi khi là tiếng cửa đóng, mở tự động mà không có người đứng ngoài. Đèn điện trong phòng thỉnh thoảng bật, tắt một cách khó hiểu là điều... bình thường.

Những câu chuyện đáng sợ

Theo New York Post, có nhiều nguồn tin từng khẳng định rằng, sau khi vợ chồng ông Stanley qua đời vào năm 1926, người ta đồn rằng hồn ma hai người vẫn thường xuyên xuất hiện trong khách sạn. Ông Stanley thỉnh thoảng xuất hiện tại quán bar và thường "ghé thăm" khách trong căn phòng số 401. Theo trang web chính thức của Khách sạn Stanley, Sảnh Hòa nhạc và Phòng Khiêu vũ cũng bị ám. Bạn có thể nghe thấy âm thanh bà Flora Stanley gõ lên các phím piano vẫn vang vọng khắp các hành lang, ngoài ra người ta còn ghi nhận ở đây thỉnh thoảng lại có một tiếng nói nhẹ thoáng qua như hơi thở bên tai kêu lên “Đi ra ngoài”.

 Bên cạnh câu chuyện nhuốm màu kỳ bí về vợ chồng Stanley, còn có nhiều hiện tượng ma quái khác đã được ghi nhận suốt những thập niên qua. Câu chuyện thực tế về khách sạn Stanley thậm chí còn đáng sợ hơn trong phim ảnh. Theo đó, một câu chuyện phổ biến là chủ sở hữu trước của vùng đất đó, Bá tước thứ 4 của Dunraven, đã ám căn phòng số 407. Thỉnh thoảng bóng ma của ông được nhìn thấy đứng trong góc phòng, mùi thuốc lá từ chiếc tẩu của ông váng vất trong không khí. 

Trong khi đó, hồn ma những đứa trẻ ám căn phòng 418. Tiếng cười đùa và tiếng bước chân chạy ầm ĩ đôi khi vẫn vang vọng trong căn phòng này và trong hành lang khách sạn. Nhiều khách trọ vẫn than phiền về tiếng trẻ con ồn ào thỉnh thoảng vẫn rộ lên lúc nửa đêm rồi lại đột ngột im bặt. Kỳ dị nhất là khi nhân viên lên kiểm tra, mặc dù không có ai đăng ký và ở trong phòng, trên giường vẫn có những vết lõm hằn rõ xuống đệm.

Bên trong một căn phòng được cho là ma ám tại khách sạn Stanley
 Bên trong một căn phòng được cho là ma ám tại khách sạn Stanley

Tuy nhiên trong số 142 phòng ở Stanley, có một căn phòng khó đặt và bị "ma ám" nặng nhất là phòng 217. Theo tờ báo địa phương Estes Park Trail Gazette, vào một đêm nọ năm 1911, khi giông bão phá hỏng hệ thống điện của khách sạn, cô hầu phòng Elizabeth Wilson đã đi vào phòng 217 để thắp các đèn bằng khí axetilen. Nhưng cô không biết rằng căn phòng đã đầy khí ga bị rò rỉ, và ngay khi cô bước vào, ngọn nến trên tay cô đã làm căn phòng nổ tung. 

Đã có rất nhiều báo cáo trái ngược nhau về sự kiện đêm đó và sự thật về những gì đã xảy ra cũng chính là một bí ẩn hấp dẫn. Kể từ đó, tương truyền phòng 217 giống như nhà của cô hầu gái Wilson. Sau khi chết, hồn ma cô vẫn ở trong phòng này để lau dọn. Khách tới nghỉ trong căn phòng này thường có cảm giác kỳ bí vào ban đêm, nhiều người còn kể lại rằng họ bị đánh thức giữa đêm và có cảm giác như bị bị thọc hai bên sườn nếu như rời đi mà để phòng trong tình trạng lộn xộn, bừa bãi. 

Một du khách khi trải nghiệm tại đây cho biết: “Tôi đã ở đó hai lần. Một lần điện thoại reo lên vào lúc nửa đêm, một lần nữa, cửa sổ đột ngột đóng sập lại vào giữa đêm! Trong phòng tắm cũng có những thứ kỳ quặc như vậy. Đó là những tiếng ồn lạ thường.

Một du khách khác chia sẻ: “Tôi đã tới Stanley nhiều lần. Vào một buổi chiều im lặng, tôi nghe tiếng nói của trẻ em từ bên ngoài. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và đi vòng quanh nhưng không có ai ở đó. Tôi đã luôn tự hỏi về tiếng trẻ em”.

Không chỉ vậy chính Stephen King, vua của thể loại tiểu thuyết kinh dị, đã trải qua một đêm trong phòng 217 vào năm 1974. Do tình cờ bị mắc kẹt trong cơn bão tuyết, ông và vợ là những vị khách duy nhất của khách sạn. Đêm đó ông đã có cơn ác mộng lạ lùng nhất trong đời, con trai ông hoảng loạn gào thét, cố chạy qua các hội trường để trốn khỏi sự truy đuổi của một cây rìu cứu hỏa. Sau đó, ý tưởng về tiểu thuyết kinh dị kinh điến nhất nước Mỹ “Ngôi nhà ma ám” (The Shining) đã được hình thành trong đầu ông. King đã sử dụng khách sạn Stanley làm bối cảnh của cuốn tiểu thuyết.

Những lời đoán đoán về các hồn ma tại khách sạn Stanley
 Những lời đoán đoán về các hồn ma tại khách sạn Stanley

Thậm chí khách sạn này còn nổi tiếng với bức ảnh "hồn ma". Theo đó một du khách có tên Henry Yau khi tới khách sạn Stanley đã chụp được bức ảnh, trong đó có hai hồn ma đứng trên cầu thang trong hình hài một người phụ nữ và một đứa trẻ bên cạnh. Bức ảnh nhanh chóng gây sốt và thu hút nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội. Một số người cho rằng đây đích thực là hình ảnh hồn ma trong hiện tượng không thể lý giải.

Stanley trở thành một khách sạn nghỉ dưỡng từng truyền cảm hứng cho đạo diễn Stanley Kubrick thực hiện bộ phim kinh dị "The Shining". Phim được sản xuất từ những năm 1980, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Stephen King năm 1977. King từng nghỉ lại một đêm trong căn phòng này cùng với vợ vào mùa đông năm 1974 và trải qua cơn ác mộng trong đó con trai ông bị một chiếc rìu cứu hỏa rượt đuổi dọc hành lang. Khi ấy, King đang cố gắng cai nghiện rượu. Trải nghiệm đáng sợ đã giúp ông viết nên tiểu thuyết "The Shining". Nội dung truyện xoay quanh một nhà văn nghiện rượu suốt mùa đông ở trong khách sạn và bị quỷ ám đến điên loạn, truy sát cả vợ con.

Đọc thêm