Trong những năm cầm quyền của mình (29 năm), Stalin đã xây dựng xung quanh mình một vòng bảo vệ, mà chọc thủng nó để tiếp cận với ông là gần như không thể. Nhưng sau khi cái chết của "sơn dân Kremli", thì các nhà sử học trên cơ sở dữ liệu lịch sử đã thấy rằng, người ta đã âm mưu giết Stalin không chỉ một lần.
Những vụ mưu sát không thành
Hai lần trong số đó là do các nhân viên cơ quan mật vụ Nhật Bản thực hiện (tại Matseste vào năm 1939, và lần thứ hai họ định đặt mìn dưới lễ đài trước lăng Lênin). Trung úy Danilov và lính đào ngũ Savely Dmitriev cũng định ám sát Stalin vào ngày 6/11/1942, khi bắn vào chiếc xe của Chính phủ, vì cho rằng trong đó có Stalin. Ngoài ra, còn có vụ mưu sát Stalin vào tháng 10/1943 tại hội nghị Tehran.
Nhưng về âm mưu ám sát ông vào tháng 3/1947, thì chưa thấy ở đâu nói tới. Đúng vậy, bởi người ta không chỉ muốn giết Stalin, mà còn có thể sắp đặt vấn đề có vẻ như nhà lãnh đạo sẽ sống thêm 6 năm nữa để lãnh đạo một đất nước vô cùng rộng lớn. Đáng chú ý là hầu như không ai để ý đến điều đó, ngoại trừ những kẻ chủ mưu - những người gần gũi xung quanh ông. Điều này có thể được xét đoán cả qua những hồ sơ trong kho lưu trữ mật, cũng như qua những trang báo và những bức ảnh trong những năm đó.
Stalin và con gái |
Năm 1947, cả nước đã sẵn sàng chào mừng kỷ niệm 30 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại. Sự thật thì ông chủ điện Kremli đã không chuẩn bị tạo ra những kỳ công trong lao động, mà lại cho rằng, nhiệm vụ chính của mình là làm sạch “con tàu” nhà nước khỏi những vật cản để loại bỏ những kẻ ăn không ngồi rồi và những chiến hữu lười biếng. Lúc này, Stalin đã có một danh sách dài những người thuộc diện phải thanh lọc theo từng giai đoạn.
Cú đánh chính là nhằm vào những người không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua, nhưng lại nghiễm nhiên chia sẻ niềm vui chiến thắng và có mưu đồ giành quyền lãnh đạo. Trước hết, nó liên quan Beria và Malenkov.
Stalin hiểu rằng, đây là bộ đôi chính trị đang mơ tưởng phải chèo lái con thuyền đất nước như thế nào. Có lẽ ông muốn lễ kỷ niệm 30 năm chế độ Xôviết là nơi gặp gỡ với các nhân vật đã được đổi mới, và dĩ nhiên, ông sẽ không khó khăn làm điều đó. Nhưng theo một giả thuyết thì Beria và Malenkov đã ra tay trước ông.
Lavrenty Beria biết rằng, đang bắt đầu quá trình tẩy sạch. Trong số những người gần gũi với Stalin, có nhiều người từng làm việc cho Beria. Ông ta đã làm tất cả mọi thứ để "dọn dẹp" không gian xung quanh nhà lãnh đạo, khi điều động đến cho Stalin một số lượng lớn các tín hữu của mình. Cũng vào thời điểm này, theo đề xuất của Beria, Viktor Abakumov - một người trung thành của ông ta - đã trở thành người đứng đầu Bộ Nội vụ.
Ngay sau đó, Beria bắt đầu một trò chơi ranh mãnh với người đứng đầu lực lượng bảo vệ của Stalin –tướng Vlasik - dẫn đến việc bắt giữ cấp dưới của ông là chỉ huy trưởng “biệt thự Bliznyi” Fedoseyev. Mấy ngày sau, Vlasik bị buộc tội âm mưu sát hại Stalin, thế là ông bị thất sủng. Từ đó, xung quanh Stalin xuất hiện hàng loạt những người mà bản thân vị lãnh tụ hoàn toàn không quen biết, và do đó, không thể dựa vào họ được. Vì vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi vào tháng 3/1947, tình trạng này đã đóng một vai trò định mệnh - Stalin đột nhiên trở bệnh nặng, mà từ đó, ông không bao giờ có thể hồi phục được.
Stalin sử dụng sulgin để chữa chứng đau bụng. Sau khi dùng chế phẩm rủi ro đó, đã nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe, mà kết quả là vị lãnh tụ đã qua đời. Diễn biến của căn bệnh này được xác định qua các dữ liệu lưu trữ. Mặc dù Stalin chỉ ăn những gì được kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng người ta vẫn có thể đầu độc ông.
Không còn nghi ngờ: Chuyện này là do bàn tay sắp đặt của Beria, bởi vì khi đó, trực thuộc Bộ An ninh nhà nước (theo chỉ đạo trực tiếp của ông ta), có một phòng thí nghiệm đặc biệt do Georgyi Mayranovskiy - một chuyên gia nổi tiếng về chất độc- phụ trách. Đó là một phòng thí nghiệm hiện đại để tạo ra và thử nghiệm các loại chất độc dùng để giết người bí mật.
Cái chết đau đớn từ từ do các cộng sự gây ra cho Stalin kéo dài trong ba tháng. Và sau đó, theo thông báo chính thức, vào tháng 6/1947, Stalin được chữa lành bệnh một cách kỳ diệu. Trên thực tế, Stalin đã qua đời trước đó ít lâu - vào tháng 3/1947.
Do Stalin có uy tín gần như tuyệt đối ở trong nước cũng như trên trường quốc tế, nên giới chóp bu của đất nước đã làm tất cả mọi thứ để không ai biết về cái chết của vị lãnh tụ. Người ta đã bí mật chôn cất nhà lãnh đạo quá cố, còn vị trí của ông đã được thực hiện bởi một người trong cặp song sinh giống Stalin như hai giọt nước.
Stalin và Beria |
Tháng 5/1947, Stalin-giả đã xuất hiện trên lễ đài trước lăng không giống như mọi khi: không ở trung tâm hàng trước, mà lại đứng lệch về môt bên, giữa Shkiryatov và Budyonny. Rất có thể, vào thời điểm này người đóng thế chưa sẵn sàng cho vai diễn của mình, cũng có thể các đồng sự của nhà lãnh đạo muốn tìm hiểu xem những người lao động tiếp nhận hình ảnh đó như thế nào.
Và phản ứng xảy ra ngay lập tức – khắp nơi trong nước người ta xôn xao bàn tán về việc Stalin đã chết, còn “các bạn tử thù” thì lại che giấu điều đó. Hai ngày sau, những kẻ chủ mưu đã giao cho kẻ đóng thế một nhiệm vụ mới – đi thăm công chúng.
Thế rồi, ngày 3/5 tại Kremli, trong buổi tiếp nhân dịp lễ diễu binh, Stalin-giả lại xuất hiện trong vòng vây các chiến hữu của mình. Tuy nhiên, ông đã mất tinh thần đến nỗi quên cả vai diễn, suốt buổi không nói một lời. Molotov đã cứu nguy cho vị lãnh tụ giả, khi phải liên tục đi chạm cốc và nhìn trừng trừng về phía “ông chủ” lặng thinh.
Một tháng sau, tại phiên khai mạc kỳ họp Xôviêt tối cao Cộng hòa XHCNLB Nga (RSFSR), kẻ đóng thế lại hát lỗi giọng. Ông xuất hiện trên hàng ghế đoàn chủ tịch, nhưng lại không ngồi ở vị trí mọi khi, mà lại ở hàng sau, do đó, ông ngồi riêng biệt mà không tiếp cận với nhóm người đang nói cười rộn rã: Beria, Bulganin, Malenkov, Molotov, Mikoyan... Có lẽ, kẻ đóng thế đã không đủ sức để tiếp cận nhóm các nhà lãnh đạo chính trị chính thống; hay người ta chỉ cho ông được thể hiện như thế thôi.
Nhân vật đóng thế Stalin đã “nhập vai” trong vòng 6 năm, và sau đó, cũng đã thực sự qua đời (nhiều khả năng, ông cũng bị Beria đầu độc) vào ngày 5/3/1953. Biên bản kiểm tra y tế đã xác nhận điều đó. Các bác sĩ đã kiểm tra rất tỉ mỉ cơ thể của người đã chết trong “biệt thự Bliznyi”. Thật không may, theo các mô tả của các bác sĩ thì ở người này không có các tính năng giải phẫu của Stalin thật. Họ không hề đề cập đến những khiếm khuyết của tay trái (Stalin đã teo khớp khuỷu tay và vai), hay sự khác biệt về độ dày của bàn chân hoặc các ngón chân ở chân trái.
Thậm chí cả đến Svetlana, con gái của Stalin, khi gặp ông vào năm 1952, cũng đã không thể nhận ra cha đẻ của mình. Cô viết: “Thật kỳ lạ - cha tôi không hút thuốc. Tại sao cha lại có khuôn mặt đỏ, mặc dù mặt cha tôi thường xanh xao…” Khi nhìn thấy cha mình trong quan tài, cô rất sửng sốt: “Khuôn mặt cha đen xạm lại và thay đổi hẳn, những đường nét quen thuộc đã trở thành không thể nhận ra”.
Dù sao thì trò ám muội đó của Beria và các đồng sự cũng khá thành công. Cuối cùng thì mọi thứ đã diễn ra theo đúng dự kiến: Họ đã nắm quyền lãnh đạo nước. Tuy vậy, câu chuyện trên một lần nữa đã nhạo báng những kẻ bất lương…/.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 19, ra ngày 14/9/2015)