Đảo Phục sinh (hay còn gọi là đảo Rapa Nui) là hòn đảo nằm biệt lập ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Chile khoảng 3.700 km. Đảo có hình dạng tam giác, diện tích 163,6 km² với ba đỉnh là các ngọn núi lửa Poike, Rano Kau và Terevaka. Đây là một trong những địa điểm bí ẩn nhất thế giới với sự xuất hiện của rất nhiều tượng đá, gọi là Moai.
Đảo được phát hiện vào năm 1772 vào đúng ngày lễ Phục sinh bởi nhà thám hiểm người Hà Lan - Đô đốc hải quân Jacob Roggeveen, và tên đảo được bắt nguồn từ sự kiện này. Năm 1995, đảo được công nhận là di sản thế giới.
6.000 năm tuổi đời
Nhiều ý kiến cho rằng trên đảo Phục Sinh từng tồn tại một nền văn minh phát triển. Bằng chứng là nơi đây có gần 1.000 bức tượng hình người được tạc từ đá nguyên khối, đủ mọi kích cỡ, tuổi thọ khoảng 6.000 năm.
Các pho tượng Moai có ở khắp nơi trên đảo, chúng có thể được xếp thành hàng hoặc nằm ngổn ngang không theo quy luật nào. Đã từ lâu, nhiều người vẫn đinh ninh các tượng Moai chỉ có phần đầu hoặc bán thân. Nhưng, một phát hiện gần đây cho thấy, phần bị lấp sâu dưới đất của những tượng Moai còn nhiều hơn những gì trồi trên bề mặt.
Một tượng đá còn đang trong quá trình chế tác |
Qua quá trình khảo cổ, các nhà khoa học đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không ai ngờ phía dưới những chiếc đầu tượng Moai lại chứa đựng cả một bức tượng khổng lồ, có đủ chân tay, trên thân tượng còn được phủ bằng những dòng chữ, gọi là tranh khắc đá. Theo đo đạc, những bức tượng Moai có trọng lượng đến 75 tấn và chiều cao khoảng 10m, cá biệt có bức nặng 270 tấn và cao 21m.
Điều đáng nói, chân của các bức tượng không phải chôn một cách sơ sài xuống đất mà bên dưới mỗi bức tượng đều có một tấm đá dày dùng làm bệ đỡ. Cho đến nay, giới khoa học vẫn không thể giải mã các dấu hiệu được khắc trên thân tượng.
Từng có thông tin cho biết, một người dân địa phương đã thú nhận với các nhà nghiên cứu rằng tổ tiên sẽ trừng phạt bất cứ ai tiết lộ cho người ngoài biết ý nghĩa bí mật của những hình vẽ này. Thế nên nhiều giả thuyết hấp dẫn luôn được đưa ra hòng thỏa mãn sự tò mò của con người hiện đại.
Các học giả suy đoán, những pho tượng này đại diện cho tổ tiên hay các bộ tộc có địa vị cao. Đá để tạc tượng có thể được khai thác trên đảo. Theo kết quả phân tích mẫu đá Moai, đây chính là tro núi lửa cô đặc. Thậm chí đến bây giờ, người ta vẫn tìm thấy nhiều tảng đá trong tình trạng được chạm khắc dở dang gần núi lửa, trong đó có một tượng đá còn đang trong quá trình chế tác tại Mỏ đá Rano Raraku.
Phía dưới những chiếc đầu tượng Moai chứa đựng cả phần thân tượng khổng lồ |
Trong số các Moai, người ta tìm thấy khoảng 70 bức tượng được “đội mũ” hình trụ. Mỗi chiếc mũ đá nặng tới vài tấn, làm bằng xỉ núi lửa với màu đỏ đặc trưng. Không những thế, trên đỉnh mũ còn có một khối trụ có tên là Pukau. Không ai biết ý nghĩa của những chiếc mũ được chạm khắc vô cùng tinh tế này.
Công trình của người ngoài trái đất?
Theo các nhà khoa học, Rapa Nui là những người đầu tiên định cư trên hòn đảo này từ nhiều thế kỷ trước, sau đó họ đã dựng lên 887 bức tượng đá khổng lồ chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ bí. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra nhưng chưa có lời giải đáp: Người dân trên đảo hay người ngoài hành tinh đã tạc tượng, và vì sao lại tạc những pho tượng khổng lồ với gương mặt chẳng khác gì nhau? Những bức tượng được chôn dưới đất là vô tình hay cố ý? Làm sao những viên đá nặng có thể di chuyển xung quanh đảo?...
Một số nhà nghiên cứu khẳng định, những tộc người Rapa Nui với công cụ lao động thô sơ chắc chắn sẽ không đủ trí lực để điêu khắc và dựng lên những bức tượng đá khổng lồ như vậy, đặc biệt không thể sắp xếp, bố trí chúng một cách rất khoa học và mỹ thuật khắp đảo.
Hình vẽ mô phỏng giả thuyết cách chuyển tượng trên đảo Phục sinh thời xưa |
“Những công việc phức tạp như vậy chỉ có thể do người ngoài Trái đất thực hiện! Không phải vô cớ mà ánh mắt của tất cả các bức tượng đều hướng lên trời và mặt đều hướng ra biển”, nhà văn và là nhà thám hiểm người Thụy Sĩ, Eric Von Daniken, nhận xét.
Theo ông, người ngoài hành tinh đã tình cờ đáp xuống hòn đảo này và để kỷ niệm chuyến thám hiểm trái đất, họ tiêu khiển bằng cách điêu khắc tượng giống với chính bản thân mình. Chính bởi vậy, khuôn mặt của các bức tượng đều rất dài, không tương ứng với tỉ lệ mặt người.
Giải thích có phần…bí hiểm hơn, trong tác phẩm “Giáo điều kỳ bí”, nữ triết gia và là nhà thông thiên học Helena Blavatskaya nhận định, đảo Phục sinh là một phần của Lemuria - một đất nước huyền thoại. Trong số cư dân sống trên đảo, ngoài người Lemuria còn có người Atlantea, tức là những người sống sót sau khi lục địa Atlantis bị chìm xuống đáy biển. Theo truyền thuyết thì cả hai giống người này đều rất cao, có thể từ 7 - 18m. Vì vậy, đối với họ, việc chế tác và lắp đặt những bức tượng cỡ 10m không có gì là khó.
Trong nhiều thế kỷ qua, các nhà khoa học học vẫn luôn cố gắng đi tìm lời giải cho câu hỏi: người Rapa Nui xưa đã áp dụng cách thức nào để có thể di chuyển những bức tượng đá khổng lồ trên đảo Phục Sinh?
Tượng đá rải rác trên đảo |
Các nghiên cứu khoa học đã đặt ra nhiều giả thiết. Chẳng hạn, các thổ dân đã phải sử dụng các con lăn, dây thừng và xe trượt bằng gỗ mới có thể di chuyển được các khối đá... Nhưng rồi, các nhà khảo cổ đã tìm ra một lý thuyết mới: Có lẽ các bức tượng Moai đã được thiết kế để di chuyển thẳng trong chuyển động lắc mà chỉ sử dụng nguồn nhân lực con người và dây thừng.
Nghĩa là người xưa đã dùng dây thừng quấn quanh tượng và luôn giữ thăng bằng không cho tượng đổ, sau đó làm cho chúng “đi bộ” bằng cách lần lượt kéo nghiêng bức tượng về hai phía, để hở khoảng không phía trước. Bằng phương pháp này, các bức tượng sẽ thực sự bước đi chậm rãi xung quanh đảo mà không cần đến máy móc hay xe kéo. Mặc dù vậy, những giải thích trên cũng chỉ là giả thuyết.
Trước khi được biết tới với cái tên đảo Phục sinh, hòn đảo này từng được gọi là “Mata Ki Te Rani” (nghĩa là đôi mắt trông lên thiên đường). Sở dĩ có cái tên như vậy bởi nơi đây có một hòn đá với hình tròn hoàn hảo, bề mặt nhẵn và phát ra từ tính rất mạnh khiến mọi la bàn đều mất tác dụng khi lại gần. Xung quanh hòn đá lớn còn có bốn hòn đá nhỏ, tượng trưng cho các phương hướng. Trước kia, khi khoa học chưa vào cuộc, đã có không ít đồn thổi về những câu chuyện tâm linh liên quan đến hòn đá này.
Vào thời kỳ phát triển nhất, dân số trên đảo có thể lên tới hàng vạn người, nhưng sau đó suy giảm một cách nhanh chóng- từ 15.000 xuống còn khoảng 2.000 người. Giải thích cho sự suy giảm dân số một cách đột ngột này, nhiều giả thiết cho rằng, có thể do sự suy thoái môi trường (sự nổi giận của núi lửa hoặc cơn đại hồng thủy đã nhấn chìm hầu hết cư dân trên đảo…). Hoặc cũng có thể do sự cạn kiệt tài nguyên trên đảo đã tạo ra một cuộc khủng hoảng sinh thái và sự suy giảm của xã hội Rapa Nui vào thế kỷ 16.
Nhưng theo các nghiên cứu, sự xuất hiện của người châu Âu trong những năm 1700 cũng có thể là nguyên nhân chính. Có lẽ người châu Âu đã lây nhiễm cho cư dân trên đảo một loạt bệnh nan y như hoa liễu, lỵ, phong, lao, tả, đậu mùa…, cùng với đó là nạn buôn bán nô lệ đã giết chết gần như tất cả người dân đảo Phục sinh, chỉ còn 111 người vào năm 1877. Hiện trên đảo còn vài chục nền móng của ngôi nhà cổ bằng đá, được khảo sát và phục hồi trong những năm 1974, 1976 và 1995.
Ngày nay, người Rapa Nui sinh sống chủ yếu bằng đánh bắt cá và chăn nuôi gia súc. Họ luôn tìm mọi cách để giữ gìn các phong tục truyền thống, và từ chối sự xâm nhập của nền văn minh bên ngoài. Dân số trên đảo xấp xỉ 5.000 người, trong đó số người bản địa chính gốc chỉ chiếm khoảng hơn một nửa.
Thị trấn duy nhất trên đảo là Hanga Roa. Để phục vụ khách du lịch tới khám phá, trên đảo cũng có nhiều hàng quán, khách sạn, các cửa hàng tạp hóa và những con đường nhựa trải dọc theo bờ biển.