Điều không hiếm gặp trên các chuyến xe
Ngày 29/11, chàng trai Thanh Lâm đã kể lại câu chuyện quấy rối trên xe buýt mà chính mình là nạn nhân. Hôm đó, Thanh Lâm đi xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội, ngồi chỗ gần cửa sổ. Một lúc sau, người đàn ông lớn tuổi lên xe, ngồi xuống cạnh anh. Người này đeo khẩu trang và liên tục có những hành động đụng chạm đến đùi, chân anh.
Dù không thoải mái, nhưng nghĩ mình là đàn ông nên Lâm không quá để tâm. “Một lát sau, cả bàn tay ông ta đưa dần lên phía trên. Mình đeo khẩu trang, để tóc dài nên người này tưởng nhầm là con gái. Mình bình tĩnh dùng điện thoại chụp hình làm bằng chứng. Khi thấy người này không định dừng lại, mình tháo tai nghe, quát to để ông ta dừng lại. Lúc đó ông ta giật mình hoảng hốt nhưng không nói gì. Đến điểm tiếp theo, mình xuống xe và bắt chuyến khác đi tiếp” - Lâm kể với truyền thông.
Trước khi xuống xe, Thanh Lâm còn quay lại nhắc nhở người đàn ông không tiếp tục có những hành vi trên, cũng để giúp những người xung quanh cảnh giác với ông ta. Tài xế tuyến Bắc Ninh - Hà Nội cũng xác nhận với truyền thông có việc nam thanh niên bị quấy rối diễn ra trên xe mình.
Tài xế này cũng cho biết trưa cuối tuần, xe không quá đông nên ai cũng có thể nghe rõ lời cãi vã. Thời điểm đó, lái xe định đuổi người bị tố quấy rối nhưng ông này đã chủ động xuống xe.
Quấy rối và xâm hại tình dục trên xe bus và nơi công cộng như nhà chờ xe bus, công viên, rạp chiếu phim hiện nay là một vấn nạn nổi cộm tại Việt Nam. Mặc dù nhận được sự quan tâm từ chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân tại cộng đồng nhưng các vụ quấy rối, xâm hại tình dục vẫn diễn ra phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp.
Theo Báo cáo Khảo sát An toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng của Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014, 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.
Không thể coi là chuyện bình thường
Đó là quan điểm được bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tại buổi khởi động chiến dịch “Phòng chống quấy rối - Chuẩn thanh niên thời đại mới” kéo dài từ 26/11 đến 24/12/2020.
“Chúng ta vẫn hay chứng kiến những hành động em gái bị trêu ghẹo, quấy rối, đặc biệt tại những nơi công cộng như bến xe bus, nhà ga, công viên... Vì phổ biến quá nên có khi nhiều người cho đó là chuyện bình thường “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, hay nếu các em gái bị quấy rối, các em lại có thể bị mặc định “Con gái mà, chuyện bình thường”, “Chắc lại ăn mặc hở hang hay thế nào”... khiến các em gái không thể lên tiếng, người chứng kiến thì im lặng, thờ ơ... Đó là cách dung dưỡng cho các hành vi xấu tiếp diễn và leo thang. Chuyện quấy rối tình dục ở nơi công cộng không thể là chuyện bình thường” – bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh.
Được biết, chiến dịch “Phòng chống quấy rối - Chuẩn thanh niên thời đại mới” có các hoạt động như toạ đàm, cuộc thi làm phim ngắn, truyền thông xã hội nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các bạn trẻ và cộng đồng mạnh dạn lên tiếng trước các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục em gái trên xe bus và tại các địa điểm công cộng.
“Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn thanh niên, cả nam và nữ những kiến thức và kỹ năng để chuẩn là những người hành xử văn minh, lịch sự và sẵn sàng lên tiếng, can thiệp khi chứng kiến em gái bị quấy rối.
Chiến dịch có thể chỉ hơn một tháng, nhưng hy vọng, các thông điệp đó sẽ ở lại với các bạn, tạo thành hành vi, thói quen chuẩn lâu dài, cùng hành động vì thành phố an toàn thân thiện với trẻ em gái”, theo bà Nguyễn Phương Linh.
Đại diện đơn vị quản lý, vận hành hệ thống giao thông và đưa ra các chiến lược phát triển giao thông công cộng của TP Hà Nội, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội chia sẻ những nỗ lực của đơn vị trong việc chấm dứt những hành vi xâm hại, quấy rối:
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm mang lại sự an toàn cho hành khách khi đi trên xe bus như tập huấn cho lái xe và phụ xe, sử dụng các poster dán xe, tờ rơi… và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Chúng tôi cam kết phối hợp với các bên trong nỗ lực chấm dứt các hành vi quấy rối, xâm hại trên xe bus nói riêng và nơi công cộng nói chung. Chúng tôi cũng rất mong các bạn nữ, trẻ em gái hoặc bất cứ ai khi bị quấy rối hoặc chứng kiến những hành vi này hãy lên tiếng ngay lập tức để được hỗ trợ và chúng tôi có thể kịp thời xử lý các vi phạm”.
Trên thực tế, nhiều kẻ xấu thường lợi dụng lúc chen chúc, xô đẩy trên xe buýt để giở trò đồi bại. Tuy nhiên, khi gặp những kẻ có hành vi quấy rối, nhiều bạn vì lo lắng nên không biết phải xử lý theo cách nào.
Theo Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM, khi vô tình ngồi gần những người có ý định giở trò “yêu râu xanh” nên thể hiện thái độ không hợp tác, dứt khoát và rời đi chỗ khác. Nếu bị sàm sỡ trên xe buýt, không nên chịu đựng một mình hay sợ hãi. Việc cần làm là đẩy hắn ra và kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Theo bà Thúy, "Điều quan trọng là cần tự trang bị kỹ năng phòng vệ cho mình trong trường hợp bị tấn công".
Trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ im lặng khi chứng kiến hành vi quấy rối, xâm hại em gái hay đổ lỗi cho nạn nhân, hay sợ liên lụy, vô cảm…, bà Lê Quỳnh Lan - Quản lý thực hiện chương trình, Tổ chức Plan International Việt Nam khẳng định: “Chúng ta cần chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân trong bất cứ trường hợp, hoàn cảnh nào. Việc bạn ấy ăn mặc, trang điểm… ra sao không bao giờ là lời biện minh hợp lý cho hành vi quấy rối, xâm hại.
Bên cạnh đó, chúng ta cần dạy cho con, em mình ngay từ khi còn nhỏ về những kĩ năng tự bảo vệ bản thân và nói với cha mẹ, thầy cô… ngay khi gặp những việc khiến các em khó chịu hay không thoải mái, như vậy khi lớn lên các em sẽ là những nhân tố tích cực tạo nên sự thay đổi”