Kết quả cho thấy, có hơn một nửa (58%) em gái từng bị quấy rối và xâm hại trên mạng. Nghiên cứu cũng cho thấy Facebook là nền tảng có nhiều vụ quấy rối xảy ra nhất, với tỉ lệ bị xâm hại lên tới 39%.
Tình trạng quấy rối trên mạng cũng hiện hữu trên nhiều nền tảng xã hội khác, có thể kể tới Instagram (23%), WhatsApp (14%), Snapchat (10%), Twitter (9%) và TikTok (6%). Bà Sharon Kane - Giám đốc quốc gia Tổ chức Plan International cho biết, dù 14.000 em gái sống ở nhiều vùng miền khác nhau, nhưng đáng buồn thay lại đều có chung những trải nghiệm tiêu cực về việc quấy rối và phân biệt.
Việt Nam cũng không nằm ngoài thực tế này và vì thế trong buổi gặp mặt giữa Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển bà Ann Măwe và hai em gái Phương Anh (Đại sứ trong chuỗi sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái năm 2019) và Ý Nhi (thành viên Ban tham vấn thanh niên của tổ chức Plan International) để hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, bà Ann Măwe đã đặc biệt chú ý tới phần chia sẻ của Ý Nhi về thực trạng bắt nạt trên mạng: “Chúng em rất thích sử dụng mạng xã hội, nhưng tại Việt Nam, em và nhiều bạn nhận ra việc tham gia mạng xã hội không còn đơn giản như chúng em đã từng nghĩ. Nhiều bạn chỉ đơn thuần chia sẻ hình ảnh, quan điểm cá nhân nhưng lại nhận được những lời chỉ trích, phê bình rất tiêu cực. Không quá khó hiểu nếu như bây giờ hình ảnh đưa lên mạng được trau chuốt, chỉnh sửa kỹ càng hơn và có phần khác nhiều so với thực tế. Rất nhiều người không chịu được những lời phán xét, có bạn rơi vào trầm cảm”.
Bình luận về thực tế trẻ em gái phải hứng chịu lời chỉ trích, phê bình rất tiêu cực khi tham gia mạng xã hội, bà Ann Măwe cho rằng: “Nhiều người lập luận rằng phụ nữ đưa thông tin lên mạng thì đương nhiên phải chuẩn bị tinh thần cho những lời phán xét và chỉ trích. Nhưng tại sao chúng ta không lật ngược lại vấn đề này, rằng mạng xã hội là nền tảng chào đón tất cả mọi người.
Phụ nữ và trẻ em gái hoàn toàn có quyền được thể hiện bản thân cũng như quan điểm cá nhân trên đó. Họ xứng đáng được lắng nghe, thay vì nhận những lời chỉ trích, bình phẩm không mang tính xây dựng”.
Trước thực trạng đáng báo động về vấn đề này, Tổ chức Plan International đã kêu gọi mọi người cùng kí vào một lá thư mở gửi các công ty mạng xã hội để đề nghị các công ty này có những hành động cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em gái trên mạng.
Vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam đã trở thành người đầu tiên ký tên nhằm kêu gọi xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn cho mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Đây sẽ là bức thư đại diện cho 14,000 em gái tại 22 quốc gia trên toàn thế giới gửi tới Facebook, Twitter, Instagram và Tiktok với thông điệp: “Bây giờ là lúc tất cả chúng ta cần hành động để trẻ em gái được an toàn trên mạng”.