Bí quyết hạnh phúc của cặp vợ chồng chênh nhau gần 30 tuổi

(PLO) - Ông đã hai lần vợ, có đến bốn con riêng. Cô là thiếu nữ xinh đẹp tuổi mới đôi mươi, được nhiều công tử săn đón. Cô từng “ngứa mắt” với “chú bệnh nhân” cứ cuối tuần là trốn khỏi bệnh viện để đi hẹn hò. Thế mà họ phải lòng nhau, thành cặp vợ chồng “đũa lệnh” nổi tiếng hạnh phúc trong giới hội họa.
Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng và vợ như đôi tình
nhân ngày đầu mới yêu. 
Trong ngôi nhà treo đầy tranh phác họa chân dung một phụ nữ, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng (SN 1942, thường trú Q. Bình Thạnh, TP HCM) cười rạng rỡ nói: “Nàng thơ của tôi đấy”. Rồi ông trải lòng về mối nhân duyên kỳ ngộ làm nên hạnh phúc cuộc đời mình… 
Bén duyên sau khi… trộm nhầm hình
Ông sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên giữa lòng đô thị Sài Gòn, nhưng không kinh doanh mà mê hội họa. Lòng đam mê, sự cố gắng cùng năng khiếu thiên bẩm đã giúp ông sớm thành công. Năm 16 tuổi ông có những tác phẩm gây sự chú ý trong giới hội họa, và chỉ mấy năm sau trở thành một họa sĩ có tiếng.
Đường công danh tương đối vẹn toàn, nhưng đường tình duyên của ông khá lận đận. Sau hai lần kết hôn, người họa sĩ vẫn loanh quanh đi tìm hạnh phúc... Ông bảo, đời người nghệ sĩ vô thường, ngày ngày rong ruổi ngoài đường, khoảnh khắc hiếm hoi ở nhà lại sống như “người cõi trên”, chẳng biết gì ngoài cây cọ, sáp màu với giá vẽ, việc cơm áo gạo tiền, tề gia đối nội đối ngoại hầu như đều đổ hết cho vợ. Ông không bỏ được cái nghiệp của mình mà vợ cũng chẳng thể hy sinh hạnh phúc riêng tư nên đành chấp nhận mỗi người một ngả.
Sau hai cuộc hôn nhân thất bại, phụ nữ vẫn thần tượng, vẫn ở bên ông  rất nhiều, nhưng người họa sĩ đào hoa ấy không tin mình sẽ tìm được hạnh phúc cho đến ngày gặp cô Thúy - “ nàng thơ” của đời mình.
Ông hồi tưởng, sau ly hôn, một mình vừa phải chăm sóc bốn đứa con nhỏ, vừa sáng tác, ông kiệt sức phải vào bệnh viện. Kế giường họa sĩ nằm là giường bệnh của mẹ Thúy (Nguyễn Thị Ngọc Thúy, SN 1961, vợ ông sau này) nên ngày nào ông cũng gặp cô trong bệnh viện. Ban đầu ông không để tâm tới Thúy mà phải lòng cô em gái đang làm y tá xinh đẹp, dịu dàng của cô. Vì muốn được ngắm người đẹp thường xuyên, ông lấy cớ mượn cuốn album gia đình để xem với mục đích là lấy trộm vài tấm hình của cô y tá nhưng trời xui đất khiến làm sao lại rút nhầm hai tấm hình của cô chị. Lấy không đúng cũng chẳng thể trả lại, họa sĩ đành phải cất những bức hình vào tủ. 
“Chuyện chắc chỉ dừng lại ở đó, nếu như cô ấy không quá “ngứa mắt” vì cái tính đào hoa của tôi”, ông hóm hỉnh kể tiếp. “Nằm viện nhưng ngày nào tôi cũng phải tiếp khách, phần lớn là phụ nữ hâm mộ. Bệnh không nghiêm trọng, thêm tính đã quen bay nhảy nên cứ cuối tuần tôi lại trốn bệnh viện về nhà tụ tập cùng bạn bè. Một hôm trở lại bệnh viện tôi thấy có một bình hoa giấy trên bàn mình cùng mẩu giấy viết: “Chú này hư lắm, cứ trốn bệnh viện đi chơi với phụ nữ. Thứ hai, tôi sẽ nói bác sĩ chích chú một mũi thật đau cho bỏ tật”. Những dòng chữ chân thật, đơn giản của Thúy đã khiến trái tim người họa sĩ đa tình loạn nhịp. Kể từ đó ông để ý đến cô nhiều hơn, càng ngắm  càng thấy cô xinh đẹp duyên dáng đến lạ lùng…
Những tác phẩm họa sĩ phác họa hình ảnh vợ - bà Ngọc Thúy. 
“Nhân vật hội họa muôn đời của tôi”
Sau thời gian dài chinh phục Thúy, ông đối mặt với sự phản đối gay gắt từ gia đình cô. Thúy lúc ấy mới 21 tuổi, rất đẹp, chưa yêu ai và được rất nhiều thanh niên con nhà giàu săn đón. Trong khi ông dù có chút danh tiếng nhưng ngấp nghé tuổi 50, hai lần kết hôn và phải chăm sóc bốn đứa con nhỏ, lại có tiếng đào hoa, không chung tình. Nhưng tình yêu đã chiến thắng tất cả, họ thành chồng vợ.
Sau khi cưới, Thúy nghỉ việc lo gia đình để chồng toàn tâm toàn ý sáng tác nghệ thuật. Với bà, hạnh phúc của mình chính là hạnh phúc của chồng. Bà tâm sự: “Nhiều người hỏi tôi có hối hận về quyết định lấy ông không?. Nói thật, một người con gái mới lớn, chưa từng trải đời bỗng phải đảm nhận vai trò vừa làm vợ, làm mẹ của bốn đứa trẻ 6 đến 13 tuổi, lại phải gánh vác hết công việc nhà chồng quả là quá sức. Nhiều khi mệt mỏi, tôi cũng muốn buông xuôi, nhưng chưa bao giờ hối hận”. 
Sự hi sinh của bà cũng được đền đáp, ông, một họa sĩ nổi tiếng đào hoa, lang thang nay đây mai đó giờ chỉ biết có mình vợ, cũng chẳng la cà tìm nguồn cảm hứng, bởi “nàng thơ” của ông chính là bà. Các con đều trưởng thành, thương yêu nhau, yêu thương quý trọng bà như người mẹ, người chị, người bạn. Các sáng tác của ông đều mang hình bóng của bà, có khi đó là vẻ đẹp e ấp của thiếu nữ áo trắng, khi là chân dung của phụ nữ chịu thương chịu khó, có lúc lại ẩn dưới hình ảnh một ngôi nhà hạnh phúc, một đóa hoa trong đời thường.
Có hậu phương vững chắc, sự nghiệp của họa sĩ ngày một thăng hoa, ông có nhiều cuộc triển lãm tranh và đạt nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước, trở thành một trong những họa sĩ có ảnh hưởng đến nền hội họa nước nhà. Cách đây 6 năm, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng mở cuộc triển lãm mang tên “Trò chơi ký ức”. Ông nói  đây cũng chính là cuộc triển lãm cuối cùng của mình vì mắt ông ngày càng yếu, không thể tiếp tục sáng tác. Bây giờ, bà kiêm luôn “tài xế”, hướng dẫn viên cho chồng. 
Họa sĩ chia sẻ: “Đồng nghiệp khi khen thì gọi chúng tôi là vợ chồng sam, khi trêu đùa lại bảo cặp vợ chồng “đũa lệnh”. Mỗi cách gọi có ý nghĩa khác nhau,  nhưng với tôi đều là hạnh phúc”.          
Ông nói, mình đã đi qua đời nhiều người và nhiều người cũng đã đi qua đời ông nhưng cả cuộc đời này ông luôn hàm ơn bà, người vợ suốt 30 năm hy sinh hạnh phúc riêng tư cho chồng có được bến đỗ bình an nhất.  

Đọc thêm