Bị tung tin đồn thất thiệt, sao có thể nhờ luật

(PLO) - Thời gian vừa qua, giới showbiz chao đảo trước các tin đồn về sự qua đời của hàng loạt nghệ sĩ như danh hài Chí Trung, ca sĩ Phan Đình Tùng, Sơn Tùng MTP… gây ra rất nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, đây chỉ là hành vi ác ý của một nhóm hacker. Liệu pháp luật có thể xử lý được các hành vi nói trên?
Nghệ sĩ phát hoảng khi hay tin mình… qua đời
Các tin đồn nói trên xuất phát từ những đường link được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Các thông tin đính trên link thường rất giật gân như: Kinh hoàng, nghệ sĩ Chí Trung ra đi vì tai nạn giao thông trên đường, Táo Giao thông ra đi vì giao thông; sau một thời gian chống chọi, ca sĩ Phan Đình Tùng đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện; Sơn Tùng MTP đã qua đời vào ngày 13/3/2015, tiếng khóc từ khắp nơi đổ về… 
Kèm theo thông tin là hình ảnh “như thật” của các nghệ sĩ đang nằm trên giường bệnh rất tiều tuỵ khiến nhiều người tin là thật. 
Thông tin nói trên không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn khiến đời sống các nghệ sĩ bị xáo trộn. Sau khi nhận quá nhiều cuộc gọi, lời hỏi han lo lắng, nghệ sĩ Chí Trung, ca sĩ Phan Đình Tùng đã lần lượt lên tiếng đính chính thông tin nói trên để trấn an bạn bè và dư luận.
Được biết, những tấm hình minh họa khiến công chúng bán tín bán nghi nói trên đều được nhóm phát tán thông tin “sưu tầm” rất công phu: Hình của danh hài Chí Trung lấy từ một vụ tai nạn của anh nhiều năm trước. Hình của Phan Đình Tùng và Sơn Tùng MTP được cắt ghép, chỉnh sửa từ các video clip ca nhạc đã phát hành…
Để tăng thêm niềm tin cho người đọc, các link được chia sẻ này thường “núp bóng” các trang mạng, báo điện tử uy tín. Và tài khoản được chia sẻ cũng thường là tài khoản giả mạo những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng: Bùi Anh Tuấn, Công Lý, Hương Tràm…, và dưới mỗi thông tin như thế, lượt like lên đến hàng trăm ngàn. 
Tuy nhiên, thực ra đó chỉ là một thủ thuật của tin tặc: Chia sẻ một thông tin gốc, sau đó chỉnh sửa tít, lời dẫn và hình ảnh để cho ra những tin tức gây sốc nói trên. Ngoài ra, các tài khoản người nổi tiếng tung ra thông tin này đều là tài khoản lừa đảo, số lượt yêu thích cũng đã bị hack. 
Ngoài các thông tin về nghệ sĩ qua đời, các tài khoản này còn giật tít và tung ra những tin đồn khủng khiếp, không có thật, mê tín dị đoan… gây hoang mang dư luận. 
Cần xử lý nghiêm kẻ tung tin 
Được biết, hành vi này do một nhóm tin tặc giấu mặt thực hiện với mục đích trục lợi. Lợi nhuận thu về từ mỗi click của người tò mò vào đọc. Bên cạnh đó, nhiều đường link nói trên còn chứa những mã độc phát tán vi rút, làm hỏng các chương trình máy tính, chiếm tài khoản của người đọc nhằm thực hiện những hành vi lừa đảo “dây chuyền”. 
Về những hành vi nói trên, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM đã có những phân tích nhằm định tội danh của nhóm tin tặc này:
“Những ngày qua, tin đồn trên mạng xã hội về thông tin những nghệ sĩ nổi tiếng qua đời đã lan truyền rộng rãi. Thực tế thì những nghệ sỹ này vẫn sống khỏe mạnh. Những người đưa thông tin thất thiệt này cho dù với mục đích gì thì đây cũng là hành vi không đúng đắn, thậm chí là vi phạm pháp luật. 
Điều 122 Bộ luật Hình sự có quy định về tội vu khống: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù đến 07 năm. 
Bên cạnh đó, nếu nhằm mục đích dẫn dụ người đọc click vào để phát tán mã độc, gây hại thì sẽ vi phạm pháp luật theo quy định của Điều 224 về tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học: “Người nào tạo ra và cố ý lan truyền, phát tán các chương trình vi rút qua mạng máy tính hoặc bằng các phương thức khác gây rối loạn hoạt động, phong toả hoặc làm biến dạng, làm huỷ hoại các dữ liệu của máy tính hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. 
Trường hợp nghiêm trọng có thể phạt tù đến 7 năm và kèm theo đó là các hình thức phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Đối với các nghệ sỹ bị tung tin đồn thất thiệt gây tổn hại đến danh dự, uy tín có thể yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố kẻ tung tin về hành vi “Vu khống”. Để truy ra người tung tin thất thiệt rất khó khăn, phức tạp nhưng không phải là không có giải pháp. Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ có những biện pháp nghiệp vụ có thể truy ra người tung những thông tin thất thiệt này.
Được biết, trước mắt, cách xử lý có hiệu quả là người dùng sử dụng tính năng “báo cáo vi phạm” của Facebook nhằm gửi đến nhà điều hành trang mạng này cảnh báo về các trang tin thất thiệt như trên. Mấy ngày vừa qua, nhờ báo cáo từ phía người dùng, khá nhiều trang tin của nhóm tin tặc nói trên đã bị tạm khoá./. 

Đọc thêm