Biển “ăn” mất nhà, dân mòn mỏi chờ chủ trương... trên giấy

(PLO) - Theo nhiều người dân ở thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), trước khi có chủ trương di dân để làm cảng cá Cồn Chà thì chính quyền TP.Phan Thiết có hứa hẹn sẽ làm “sổ đỏ” khi đã ổn định cuộc sống. Tuy nhiên gần 20 năm nay, nhiều nhà đã bị mất do biểm xâm thực nhưng họ vẫn chưa được cấp sổ đỏ, dân thiệt đơn thiệt kép.
Có chủ trương nhưng thực thi... trên giấy
Cũng chính từ những yêu cầu chính đáng mà người dân trình báo lên chính quyền không được giải quyết kịp thời nên trong thời gian qua nhiều lần những hộ dân này tập trung thành từng đoàn kéo đến cơ quan chức năng để yêu cầu giải quyết tình trạng cấp thiết trước mắt. 
Theo chị Chu Thị Phượng (SN 1965) cho biết, đã gần 20 năm nay, người dân địa phương, chủ yếu là các hộ dân tại thôn Tiến Đức đã viết đơn lên chính quyền với mong muốn giải quyết những nhu cầu chính đáng và thiết yếu nhất để người dân yên tâm sản xuất nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. 
Bà con phản ánh, các hộ dân trong thôn Tiến Đức này phải tự thân kiếm sống và vất vả khôn lường chứ không được hỗ trợ nhiều như những hứa hẹn trước lúc di dân. Đã gần 20 năm sống trên đất này không có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất đã đành, nhưng đến mạng sống của người dân luôn bị rình rập nên từ mong muốn chuyển thành thái độ bức xúc.
“Mấy năm nay biển lấn vào khu di dân làm ngã đổ biết bao nhiêu nhà, nguy hiểm đến tính mạng biết bao nhiêu người nhưng chính quyền vẫn chưa có động thái gì trước mối nguy hại này”, ông Phú nói. 
“Cũng từ việc biển lấn chiếm nhà dân ngày một nghiêm trọng nên bà con trong thôn đã trính báo cáo lên chính quyền thôn để yêu cầu giải quyết. Nhưng mấy “ổng” lại nói là do thủy triều ngày càng dâng cao chứ đâu phải do địa phương không giải quyết. Kể từ khi chuyển xuống khu ở mới này, nhiều người thậm chí không có điện nước để dùng qua ngày, nhiều hộ có người thân bị thương nặng do “tai nạn biển” cũng không được hỗ trợ kịp thời để họ có động lực tiếp tục làm ăn. 
Trong những năm qua, dân địa phương đã nhiều lần tập trung rồi kéo đến các cơ quan chính quyền để đòi quyền lợi của mình, nhưng cũng chỉ là “túng quá làm liều” chứ chẳng cải thiện được là mấy”, chị Phượng bức xúc nói tiếp.
Những bao cát tạm bợ dùng để chắn sóng biển. 
Cách đây không lâu, khoảng 20 người dân trong thôn Tiến Đức đã tập trung trước UBND TP.Phan Thiết để “biểu tình” về việc biển lấn sâu vào đất liền làm hư hại gần trăm ngôi nhà nhưng vẫn chưa được chính quyền hỗ trợ giải quyết kịp thời. Sau đó cả đoàn người này kéo đến tận nhà ông Huỳnh Văn Tí (Bí thư TP.Phan Thiết) để gây áp lực yêu cầu xem xét và giải quyết vụ việc. Nhưng sau đó đâu lại vào đấy, chính quyền địa phương chỉ giúp đỡ cho thêm bao cát để chắn sóng biển chứ chưa hỗ trợ gì cho dân trước những khó khăn cấp thiết. 
“Bờ kè xây dựng chỉ để trấn an lòng dân chứ làm gì chống chọi được với sóng biển lớn nhanh như hiện nay. Hơn nữa trong thời gian gần đây nhà cửa sụp đổ hoàn toàn rồi thì còn xây bờ kè để làm gì nữa? Việc cần thiết gấp rút bây giờ là phải ổn định chỗ ở cho bà con để yên tâm làm lụng kiếm cái ăn, chứ trong mấy năm nay người dân sống chủ yếu ở đường đi, lô cốt cũ, thậm chí là ở rìa nghĩa địa thì thử hỏi làm sao mà không bức xúc cho được?”, một người dân cho biết.
“Không phải chúng tôi yêu cầu gì lớn lao lắm về phía chính quyền địa phương, nhưng thật sự là dân ở đây quá khổ sở trong thời gian qua rồi. 3 năm nay, dân không có được cái Tết nào ra hồn cả, toàn chỉ lo chạy nạn chứ có dám ở trong nhà nhiều đâu. Trong năm vừa rồi, lúc chúng tôi đang chuẩn bị cúng tổ tiên ngày mồng 1 Tết thì bỗng nhiên sóng biển tràn vào nhà, có những hộ bị sụt móng nhà nghiêm trọng trong ngày hôm đó. Quá hoảng hốt, mỗi người trong gia đình đều ôm lấy mâm cúng, di ảnh của ông bà chạy nhanh ra phía ngoài để lánh nạn. Rồi những ngày sau đó xóm làng lại chìm trong buồn thẳm vì một số hộ không còn nhà để ở”, chị Phượng tiếp lời.
Dân biển di cư lên... rừng
Theo như người dân thôn Đức Thắng cho biết, không phải đến những năm gần đây thì những hộ dân này mới “cầu cứu” đến chính quyền thành phố về vấn nạn biển xâm thực. Cách đây khoảng 10 năm, bà con trong thôn đã thấy có hiện sóng biển lấn chiếm dần về phía nhà mình nên đã báo chính quyền. Nhưng mãi cho đến bây giờ, khi có hàng chục hộ dân có nhà sụp hoàn toàn và một nửa con số đó nằm trong tình trạng “báo động khẩn” nhưng vẫn chưa được chính quyền quan tâm khắc phục. Đa số đàn ông trong thôn đều làm nghề biển đánh bắt xa bờ, nhưng chưa bao giờ yên tâm khi thấy vợ con ở trong ngôi nhà mà “sống chết chỉ tày gang tấc”.
“Đa số anh em chúng tôi sinh sống bằng nghề đi biển chứ không có đất đai gì để canh tác cả. Trong diện di cư năm 1994, mỗi hộ chỉ được cấp 75m2 đất sát biển thì chẳng trồng được hoa màu gì cả. Mỗi lần chúng tôi rủ nhau ra khơi một vài ngày là luôn thấp thỏm lo cho vợ con ở nhà không biết có được yên ổn không. 
Có rất nhiều hộ dân trong thôn sau khi bị sóng cuốn mất nhà thì phải ra đường, thậm chí ra những khu trống của nghĩa địa để làm lều ở tạm, hết sức cơ cực. Có những lúc đang ăn cơm nhưng nghe tiếng sóng dập mạnh vào móng nhà thì phải bê chén chạy ra đường nghe ngóng tình hình. Nghe nói sắp tới có chủ trương di dời dân cư về nơi ở mới, hi vọng rằng sẽ bớt lo khổ như bây giờ. Thú thực, đi biển mà anh em còn chẳng lo bằng người ở đất liền”, anh Vương (32 tuổi) chia sẻ.
Chủ trương mà anh Vương nói đến ở đây chính là việc di dời 93 hộ dân bị thiệt hại nặng do biển xâm lấn đến nơi ở mới. Trong thời gian vừa qua, UBND TP.Phan Thiết đã thực hiện hoàn tất việc di dời 46 hộ dân ở phường Đức Long (TP Phan Thiết) đến khu Vân Thánh (phường Phú Tài). Theo chủ trương, 93 hộ dân này cũng sẽ được di chuyển đến thôn Tiến Bình (xã Tiến Thành) cách đó 5km. Dự tính trong chuyến tái di cư lần này, mỗi hộ sẽ được cấp hỗ trợ 6 triệu đồng cùng với đất xây nhà ở. Chủ trương này đã có từ cách đây 3 năm nhưng đến ngày 27/3/2014 mới có văn bản chính thức khiến người dân chờ đợi trong thấp thỏm, lo âu. 
Vấn đề là ở chỗ, đa số hộ dân ở thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành) chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản nên khi nghe tin di dời về thôn Tiến Bình thì nhiều người tỏ ra không đồng ý. Vì thôn Tiến Bình nằm trên địa hình rừng núi, hơn nữa cách biển đến hơn 5km nên bất lợi cho việc mưu sinh bằng nghề biển của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Tống Duy Mạnh (Chủ tịch UBND xã Tiến Thành) cho biết: “Chúng tôi rất thấu hiểu nỗi khổ và khó khăn hiện nay của người dân. Chính quyền xã cũng rất quan tâm và thường xuyên thăm hỏi các hộ dân không may bị biển xâm thực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, khả năng và chủ trương thì vẫn là ở cấp trên. 
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh Bình Thuận hỗ trợ, phụ cấp thêm cho bà con yên tâm đến nơi định cư mới. Song song với đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ dân này yên tâm sản xuất”.
Ông Tống Duy Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành. 
Trước khi phóng viên ra về, câu hỏi của đông đảo người dân thôn Tiến Đức vẫn khiến chúng tôi hết sức băn khoăn, đó là: “Bao giờ thì di dời đi? Bao giờ thì cuộc sống mới ổn định trở lại?”. Nhiều người dân ở thôn Tiến Đức chỉ mong cơ quan chức năng nhanh chóng tạo điều kiện giúp đỡ ổn định chỗ ở để an cư sản suất. Và những hộ dân này cũng khẩn thiết yêu cầu cơ quan chính quyền sau khi có chủ trương di dân sẽ có phương án đảm bảo về quyền lợi của các hộ dân trong diện di cư theo chính sách của nhà nước. 
Trước hết và cấp thiết nhất đối với người dân ở thôn Tiến Đức trong thời gian di cư sắp tới là điện, nước và vốn sản xuất. Hơn nữa, chủ yếu những người dân này đều làm nghề đi biển nên cần có những chính sách phù hợp, song song với đó là định hướng thay đổi ngành nghề để người dân yên tâm làm ăn./.

Đọc thêm