Biện pháp bảo vệ người tiêu dùng phải khả thi

ĐB Nguyễn Ngọc Đào chỉ ra rất nhiều quy định thiếu khả thi của dự án luật, ví dụ quy định trách nhiệm của UBND cấp xã, Ban quản lý chợ… trong bảo đảm về chất lượng, số lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng (NTD).

Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chiều qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Cần cấm triệt để quảng cáo sai sự thật

Cơ bản thống nhất giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, nhưng theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) dự thảo chưa có điều khoản nào quy định về quảng cáo, nhất là qủang cáo  sai sự thật trên báo đài làm người dân tin, rồi cuối cùng “tiền mất tật mang”.

ĐB Bé đề nghị cần có quy định về vấn đề này trong dự thảo. ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Quảng Bình) đồng tình: Một trong những nguyên nhân NTD bị thiệt hại là do họ quá tin vào các quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. “Luật phải có quy định cấm quảng cáo quá sự thật hoặc gây nhầm lẫn, nếu quảng cáo sai, DN và cả đơn vị quảng cáo phải bị xử lý”, bà Phi kiên quyết.

Theo dự thảo luật, không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp vụ việc gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều NTD, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.


Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cũng đề nghị ngoài trách nhiệm của Bộ Công thương, cần quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các cấp trong bảo vệ quyền lợi NTD.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cũng cho rằng, truyền thông hiện nay là lực lượng rất hùng hậu “đang xem cái bản tin thời sự mà bị quảng cáo chen vào thì bực lắm, nhưng chả ai cấm cả”. ĐB Đào nhấn mạnh “các cơ quan truyền thông  không thể nằm ngoài trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD”.

Ông Đào cũng cực lực phản đối quy định “cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh quấy rối NTD” thông qua một số hành vi được quy định trong dự thảo và cho rằng khái niệm quấy rối thật …rắc rối và khó hiểu. Liên quan tới các hành vi bị cấm, ĐB Lệ Phi cũng đề nghị cần cấm việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD (ví dụ bị thiên tai) để “tuồn” hàng quá “đát”, hàng kém chất lượng vào cho NTD.

Bảo vệ quyền lợi NTD: Biện pháp phải khả thi

Lấy ví dụ một số trường hợp bệnh nhân bị hỏng mắt do một loại thuốc được nhập khẩu từ nước ngoài vừa qua, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) khẳng định: Trong vụ việc này, lẽ ra bệnh viện phải đứng ra chi trả và bồi thường tất cả cho bệnh nhân chứ không thể yêu cầu họ ra tận nước ngoài, tìm đến tận nhà sản xuất để yêu cầu bồi thường và điều này theo ĐB Xuân là không thể.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào cũng chung nhận định khi chỉ ra rất nhiều quy định thiếu khả thi của dự án luật, ví dụ quy định trách nhiệm của UBND cấp xã, Ban quản lý chợ…trong bảo đảm về chất lượng, số lượng, an toàn thực phẩm cho NTD. “Tôi đố ông UB xã nào kiểm tra được chất lượng hàng bánh mỳ buổi sáng chứ chưa nói đến hàng rong. Nếu chưa có tư duy lập pháp về cái này thì tốt nhất đừng nên đưa vào”,  ĐB Đào nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) cũng “phê” dự thảo chưa quy định rõ quyền của NTD, ví dụ quyền được cung cấp thông tin, quyền được hướng dẫn kiến thức về hàng hóa… “NTD không được giáo dục, trang bị kiến thức về hàng hóa sẽ không bình đẳng với nhà cung cấp” - bà Hà nói và đề nghị dự thảo bổ sung.

Một vấn đề khác gây tranh cãi của nhiều ĐB là các quy định về hàng hóa khuyết tật, theo dự thảo nếu phát hiện thì phải thu hồi, dừng cung cấp trên thị trường và bồi thường thiệt hại, tuy nhiên nhiều ĐB đề nghị việc thu hồi phải nhanh chóng, kịp thời, và nên giao tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD đứng ra thu hồi chứ không phải giao các tổ chức, cá nhân sản xuất đứng ra tự thu hồi.

Bình An

Đọc thêm