Phấp phỏng lo một ngày đất liền hóa… biển sâu

(PLO) - Những năm gần đây, bờ biển Đà Nẵng, Quảng Nam đã trở thành “thiên đường” cho việc đầu tư các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, kéo theo đó là tình trạng lấn biển, lấp biển để xây dựng cơ sở vật chất. Trước thực trạng hàng nghìn hecta rừng phòng hộ ven biển bị triệt phá, hàng trăm hecta vịnh bị san lấp dẫn đến bão lũ hoành hành, biển xâm thực, nhiều người lo lắng, cứ đà này, khả năng trong 5-10 năm nữa đất liền sẽ hóa biển sâu.
Chủ đầu tư lấp 180ha vịnh Đà Nẵng để xây khu du lịch Đa Phước. Ảnh: Vũ Anh
Chủ đầu tư lấp 180ha vịnh Đà Nẵng để xây khu du lịch Đa Phước. Ảnh: Vũ Anh
Chưa thấy dự án, đã mất rừng thông
Tuyến đường ven biển Hoàng Sa của Đà Nẵng được xem là tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cảnh quan. Nhưng, nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa khi sau mỗi cơn bão, nước biển “tấn công” vào tận mép đường, tạo thành những hàm ếch sâu hoắm, “nuốt chửng” cả bãi cát trắng chạy dọc.
Còn ở bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), từ năm 2011 đến nay, ảnh hưởng của triều cường cũng như sóng biển lớn đã đánh toạc hơn 50m bờ tường chắn sóng phía Đông đường Hoàng Sa - Trường Sa, hiện vẫn tiếp tục ăn sâu vào bên trong. 
Ông Nguyễn Văn Minh (SN 1965, ngụ Ngũ Hành Sơn) cùng nhiều hộ dân sống ven biển Mỹ Khê cho biết, ngày trước khu vực này không hề có việc sóng biển xâm thực. Vài năm trở lại đây, thời tiết thất thường, có gió mùa Đông Bắc về bất chợt, sóng đánh rất mạnh, tình trạng biển lấn đất liền càng lúc càng nguy hiểm. 
Tuy nhiên, theo lời ông Minh, nếu đi ngược về hướng Tây Bắc, trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành dài hơn 10km, tình trạng biển xâm thực còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Tình trạng này ở biển Mỹ Khê hay Nguyễn Tất Thành chỉ bắt đầu từ khi hàng chục hecta rừng thông bị phá đi để làm tuyến đường chạy sát bờ biển và dành đất cho các khu nghỉ dưỡng mọc lên. 
Tiếp lời ông Minh, anh Thái Bá Lợi (SN 1960, ngụ phường Xuân Hà quận Thanh Khê) không khỏi rùng mình nhắc lại những ẩn họa về thời tiết, bởi mỗi trận bão đi qua, tuyến đường trước mặt nhà anh bị sóng đánh tan hoang. Mới đây nhất vào cuối năm 2013, sau cơn bão số 11 và 12, nhiều nơi biển xâm thực vào đến hơn 15m (khu vực Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) khiến tuyến đường ven biển luôn đối mặt với nguy cơ bị cắt đứt. Hàng trăm hàng quán, hộ dân theo đó cũng sẽ bị kéo xuống biển bất cứ lúc nào. 
Sóng biển xâm thực mạnh vào tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, ven biển Mỹ Khê
Sóng biển xâm thực mạnh vào tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa,
ven biển Mỹ Khê
 
Biển “ăn” vào đất liền cả chục mét
Tương tự tại Quảng Nam, những rừng thông hàng ngàn hecta trải tít tắp trên tuyến đường biển Điện Bàn - Hội An cũng lần lượt “ra đi” kể từ năm 2003, sau Quyết định 2240 của tỉnh Quảng Nam về việc quy hoạch phát triển du lịch, ven biển (từ Điện Bàn đến Hội An). Hàng loạt dự án của các nhà đầu tư, tập đoàn ồ ạt nhảy vào, mở ra một viễn cảnh về khu du lịch, đô thị sầm uất nhất nhì miền Trung… 
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, phần lớn dự án đều chậm triển khai, còn những cánh rừng phòng hộ cũng biến mất. Đã thế, hơn 1km bờ biển vẫn đang tiếp tục lấn sâu vào đất liền trên 300m. Mỗi trận bão lũ đi qua, người dân sống phía trong tuyến đường lại phải một phen hoảng loạn vì mưa gió quật tơi tả, nhà cửa sụp đổ tan tành. 
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, 10 năm trước, khu vực ven biển được phủ kín bởi những rừng phi lao xanh mướt, bây giờ chỉ trơ trọi những bãi cát trắng hay những khu du lịch, nghỉ dưỡng quy mô đồ sộ. 
“Ngày người ta triệt hạ những rừng thông hàng chục năm tuổi để xây dựng các dự án du lịch ven biển, với tư cách là người làm công việc phòng chống lụt bão, tôi đã có ý kiến với lãnh đạo TP.Đà Nẵng, đề nghị cần phải giữ lại những rừng thông để phòng chống khi bão xảy ra cũng như chống việc xâm thực của biển; các dự án có thể lùi vào trong. Nhưng ý kiến bị bỏ qua và các khu du lịch cứ thế được cấp phép xây dựng sát mép biển”, ông Thắng nói. 
Cũng chính vì vậy, theo ông Thắng, trước đây mỗi khi có bão đổ bộ, người dân Đà Nẵng, Quảng Nam có những tấm lá chắn rừng thông cao ngút nên ít bị thiệt hại. Bây giờ rừng thông mất, thời tiết thất thường, sóng biển càng có “cơ hội” xâm thực, thậm chí nhiều nơi bị “ăn” sâu vào cả chục mét, như tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc hay tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành.
Nguy cơ “nuốt” cả dự án vì phá rừng phòng hộ
Nhiều người dân ở Đà Nẵng cho tới bây giờ vẫn còn tỏ ra ngỡ ngàng khi vào ngày 7/11/2007, UBND TP.Đà Nẵng cấp phép cho Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Daewon) triển khai dự án Khu đô thị Đa Phước trên khu vực vịnh Đà Nẵng. Để thực hiện dự án lấp biển lớn nhất miền Trung này, 180ha vịnh Đà Nẵng phải bị san lấp.
Rừng thông phòng hộ ven biển miền Trung chỉ còn lèo tèo vài cây
Rừng thông phòng hộ ven biển miền Trung chỉ còn lèo tèo vài cây
Một vùng biển rộng lớn đã bị đẩy lùi, tuy nhiên, thời điểm nào Daewon triển khai xây dựng khách sạn, trung tâm hội nghị, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự… trên biển thì vẫn còn “mơ hồ”. Trong khi đó, theo lo lắng của nhiều người, nếu không thực hiện sớm, khả năng biển “ăn” đất liền và có thể tiến sát vào, cuốn trôi cả con đường du lịch ven biển…
Ngược vào hướng biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), tình trạng các nhà đầu tư triển khai dự án lấn biển cũng diễn ra rầm rộ không kém. Tuy nhiên, sau bốn năm, bốn trong số bảy dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch ven biển trên diện tích gần 32ha vẫn chưa hoàn thành. Trong đó có hai dự án mới chỉ ở giai đoạn “rục rịch” nhưng đã bị biển xâm thực mất hơn 26ha đất. Điều mà người phố Hội và du khách bất an nhất, nếu chủ đầu tư chậm triển khai, biển có thể tiến sát và cuốn trôi luôn cả Dự án.
Đáng nói, theo chia sẻ của vị lãnh đạo UBND TP.Hội An, tất cả diện tích đất cho thuê để đầu tư xây dựng các khu du lịch, trước đây đều có một dải rừng dương thuộc Dự án trồng rừng ven biển của Nhật Bản đầu tư trồng từ những năm 90. Năm 2004, thực hiện công tác đền bù, giải tỏa bàn giao mặt bằng, toàn bộ dải rừng dương đều được chặt bỏ để lấy đất xây dựng các khu du lịch. Nếu đơn vị nào thuê đất triển khai dự án sớm thì việc xây dựng các hạng mục công trình sẽ có tác dụng thay dải rừng dương giữ được đất. Còn dự án nào không triển khai thì ngược lại, bị biển “ăn” sạch. 
Đặc biệt hơn, từ năm 2003 UBND tỉnh Quảng Nam chỉ cho phép xây dựng dự án du lịch nằm trong hành lang cây xanh rừng phòng hộ tối thiểu 20m. Nhưng một số dự án du lịch đã phá rừng phòng hộ để xây dựng dự án sát mép biển nên chỉ qua vài đợt sóng lớn hay những trận bão lũ, nước biển đã tiến vào đất liền rất mạnh. 
Trước tình trạng dự án du lịch ở Cửa Đại bỏ hoang bị bờ biển xói lở nghiêm trọng, UBND tỉnh, UBND TP.Hội An và phường Cửa Đại đã nhiều lần tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thuê đất phải triển khai Dự án, nhưng sự việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”, và tình trạng biển “ăn” đất cứ triền miên suốt năm qua năm khác. 
Nói như cụ bà Lê Thị Cần (SN 1930, ngụ phường Cửa Đại, Hội An), thông là loại cây chống chọi với sóng gió ở miền biển tốt nhất. Mất rừng thông, biển lấn vào là điều khó tránh khỏi. Nếu không dừng bớt các dự án du lịch và nếu không kè sớm, cứ đà này 5 - 10 năm nữa, đất liền sẽ hóa biển sâu.

Đọc thêm