Biểu tượng tôn giáo (Bài 6): Chữ Vạn – biểu tượng thiêng liêng của đạo Hindu

(PLVN) - Theo một thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 10.000 tôn giáo khác nhau như Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo… Trong đó, mỗi tôn giáo lại có những tín ngưỡng, đức tin, những biểu tượng khác nhau.
Ngày nay chữ Vạn được sử dụng khá phổ biến.

* Chữ Vạn trong Phật giáo và những tranh cãi bất tận về chiều quay

Chữ Vạn là tên phiên âm Hán xuất phát từ từ Svastika trong tiếng Phạn của Ấn Độ, có nghĩa là “may mắn” hoặc “sự an lành”. Xuất hiện từ hàng ngàn năm trước, cho đến ngày nay, nó là một biểu tượng thiêng liêng trong đạo Hindu, Phật giáo, Kỳ Na giáo.

Biểu tượng cổ xưa

Chữ Vạn là tên phiên âm Hán - Việt bắt nguồn từ tiếng Phạn của Ấn Độ Swastika hay Svastika. Nó trở thành biểu tượng quan trọng của đạo Hindu đồng thời cũng là biểu tượng được phổ biến rộng rãi trong đạo Phật và đạo Kỳ Na. Xét về yếu tố hình học, biểu tượng chữ Vạn là dấu thập với cánh tay gập theo góc phải (thường được ví như dấu thập Hy Lạp). Trong đạo Hindu, chữ Vạn thường được thêm các dấu chấm vào các góc của nó.

Hình chữ Vạn lâu đời nhất được cho là đang ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Ukraine. Trong số các bảo vật ở đây có một bức tượng nhỏ hình một con chim cái. Được làm từ ngà voi ma mút, bức tượng được tìm thấy vào năm 1908 tại khu định cư thời đồ đá cũ của Mezin gần biên giới Nga. Trên thân của con chim được chạm khắc một mô hình uốn khúc phức tạp tạo thành hình chữ Vạn. Đó là hình chữ Vạn được xác định lâu đời nhất trên thế giới và có niên đại lên đến 15.000 năm. Con chim được tìm thấy cùng với một số đồ vật có hình chữ thập ủng hộ ý kiến cho rằng hình chữ Vạn cũng được sử dụng như một biểu tượng sinh sản.

Và một trong những nền văn hóa sớm nhất đã sử dụng chữ Vạn là nền văn hóa Vinca ở thời kỳ đồ đá mới trên khắp khu vực Nam châu Âu, khu vực ngày nay là Serbia, Croatia, Bosnia và Herzegovina, có lịch sử khoảng 8.000 năm. Tại Ấn Độ, theo các chứng cứ khảo cổ học, biểu tượng chữ Vạn xuất hiện đầu tiên vào thời kỳ đồ đá mới ở Ấn Độ, nó được tìm thấy trên các con dấu trong các di chỉ khảo cổ học của nền văn minh sông Ấn trong khoảng thời gian từ khoảng 3.000 – 1.500 năm trước công nguyên.

Nhiều tầng ý nghĩa

Trong đạo Hindu, chữ Vạn được coi là biểu tượng thiêng liêng thứ hai, chỉ sau chữ OM và nó mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, trong tiếng Phạn, chữ Sv, đọc là su, có nghĩa là tốt lành; asti là tồn tại; ka thể hiện một sự vật hay một sự việc nào đó. Do đó, từ Swastika có nghĩa là sự may mắn, hạnh phúc, một triển vọng tương lai tốt đẹp, sự cát tường như ý.

Đạo Hindu sử dụng cả chữ Vạn cánh tay phải (xoay thuận chiều kim đồng hồ) và chữ Vạn cánh tay trái (xoay ngược chiều kim đồng hồ) để biểu thị hai ý nghĩa đối lập của Thần sáng tạo Brahma. Trong đó, chữ Vạn cánh tay phải biểu thị sự tiến hóa, sự phát triển của vũ trụ (Pravritti) còn chữ Vạn cánh tay trái biểu thị sự phức tạp, sự khủng hoảng của vũ trụ (Nivritti). Chữ Vạn quay theo chiều kim đồng hồ còn là là một trong số 108 biểu tượng của Thần Vishnu và Thần Mặt trời Surya, nó bắt chước vòng quay hàng ngày của mặt trời theo quan niệm cũ rằng mặt trời xuất hiện ở Bắc bán cầu để vượt qua từ phía đông, sau đó về phía nam rồi lặn ở phía tây. Chữ Vạn quay ngược chiều kim đồng hồ là biểu tượng của tử thần Kali và Ma thuật. Có thể thấy ý nghĩa kép của biểu tượng này khá phổ biến trong truyền thống cổ xưa. Những người theo đạo Hindu có tín ngưỡng thường dùng cả hai mặt của biểu tượng này để nói lên sự cân đối.

Một số ghi chép cho rằng, 4 cánh tay của hình chữ Vạn trong đạo Hindu mang nhiều ý nghĩa đại diện. Trước hết đó là tượng trưng cho 4 hướng của không gian, bao gồm đông, tây, nam, bắc. Đây cũng là đại diện cho 4 kinh Veda, Kinh Thánh cổ xưa hình thành cơ sở của tôn giáo Hindu. Chữ Vạn theo những người theo đạo Hindu cũng là dùng để chỉ 4 nguyên tố của vũ trụ (lửa, nước, không khí, đất); 4 mùa xuân, hạ , thu, đông của một năm.

Ngoài ra, Swastika đôi khi cũng được dùng để chỉ Purushartha - một khái niệm quan trọng trong đại Hindu, đề cập đến bốn mục tiêu đúng đắn trong cuộc sống của con người, đó là Dharma (công bình, giá trị đạo đức), Artha (thịnh vượng, giá trị kinh tế), Kama (niềm vui, tình yêu, giá trị tâm lý) và Moksa (giải phóng, giá trị tinh thần). Chữ Vạn cũng có khi được lý giải là biểu tượng của cuộc sống và sự bảo tồn bởi nó được đồng hóa với thần Vishnu (thần bảo vệ) và thần mặt trời Surya. Nó còn là dấu hiệu của sự ổn định, cân bằng.

Chữ Vạn một thời ám ảnh

Biểu tượng chữ Vạn đã hồi sinh vào thế kỷ 19, do sự quan tâm ngày càng tăng của người châu Âu đối với các nền văn minh ở vùng Cận Đông cổ đại và Ấn Độ. Trong cuộc khai quật mở rộng, nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann đã phát hiện ra biểu tượng chữ Vạn trên địa điểm xưa kia là thành Troy cổ đại.

Tuy nhiên, chữ Vạn bắt đầu bị kì thị như một biểu tượng xấu khi nó trở thành hình ảnh đại diện của Đức quốc xã. Việc Hitler sử dụng chữ Vạn được cho là bắt nguồn từ việc các học giả người Đức ở thế kỷ 19 khi dịch các văn bản cổ của Ấn Độ cho rằng có những điểm tương đồng giữa ngôn ngữ của họ và tiếng Phạn. Họ kết luận rằng người Ấn Độ và người Đức chắc chắn có chung tổ tiên và tưởng tượng ra một chủng tộc chiến binh da trắng “thượng đẳng” mà họ gọi là Aryan. Đây là một trong những lý do chính khiến Đức Quốc xã chính thức sử dụng chữ Vạn làm biểu tượng của mình vào năm 1920.

Chữ Vạn khi đó xuất hiện trên cờ Đức quốc xã, áp phích bầu cử, băng đeo tay, huy chương và huy hiệu cho quân đội và các tổ chức khác của Hitler. Đến năm 1945, biểu tượng này đã gắn liền với Chiến tranh Thế giới thứ hai, với sự tàn bạo của quân đội, chủ nghĩa phát xít và tội ác diệt chủng. Chính từ việc phát xít Đức sử dụng biểu tượng Swastika đã tạo ra sự hiểu lầm và nhận thức khác nhau về chữ Vạn.

Theo đó, ở một phía, chữ Vạn là biểu tượng của cái thiện. Đó là chữ Vạn của Hindu giáo, của Phật giáo, là ý nghĩa nguyên thủy của Swastika. Còn ở hướng ngược lại, từ Swastika được coi là biểu tượng của sự tàn bạo, là quỷ dữ từ khi nó rơi vào tay Đức quốc xã. Là một biểu tượng mạnh mẽ nhằm khơi gợi niềm tự hào của người Aryan, chữ Vạn trong một thời gian đã gây ra nỗi kinh hoàng cho người Do Thái và những người khác được Đức quốc xã coi là kẻ thù của họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, có sự khác biệt đáng chú ý trong biểu tượng phát xít của Hitler với biểu tượng chữ Vạn thông thường của Hindu giáo. Cụ thể, chữ Vạn của Hitler do bác sĩ Fridrich Krohn phác họa có màu đen, được vẽ nghiêng một góc 45 độ trong một vòng tròn màu trắng và được mọi người gọi là “dấu thập ngoặc”.

Trong khi đó, khác hoàn toàn với biểu tượng chữ Vạn của đạo Hindu và một số tôn giáo khác, chữ Vạn của Hitle là viết tắt của hai chữ S (State: Quốc gia) và S (Social: Xã hội), tượng trưng cho sự tăm tối và chết chóc. Đáng chú ý, Đảng Quốc xã không phải là đảng duy nhất sử dụng chữ Vạn ở Đức. Một số ghi chép cho hay, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một số phong trào dân tộc cực hữu đã sử dụng chữ này như biểu tượng của họ.

Trải qua hàng ngàn năm, chữ Vạn vẫn là một biểu tượng thiêng liêng, được xem là cực kỳ tốt lành và là biểu tượng quan trọng của đạo Hindu. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp biểu tượng này ở khắp nơi trên thế giới, từ các đền thờ cho đến các họa tiết trang trí trên quần áo, các phương tiện đi lại cho đến các món ăn...Với các quốc gia có đông dân số theo đạo Hindu như Nepal, Ấn Độ, chữ Vạn thường được trang trí trước nhà hoặc ở các ngôi đền, trong các buổi lễ tôn giáo hoặc các lễ thông thường khác như đám cưới hoặc hoạt động mang tính chất lễ hội khác.

Đọc thêm