Bình Định xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch từ Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bahnar Kriêm

(PLVN) - “Lễ hội ăn cốm lúa mới còn được gọi là mùa “ăn năm uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa; đồng thời cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm bạn đời, gửi gắm giao duyên”, nhà nghiên cứu Yang Danh chia sẻ.
Lễ hội ăn cốm lúa mới là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Bahnar Kriêm.

Lễ hội ăn cốm lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn trong năm của đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định). Hằng năm, khi lúa trên rẫy bắt đầu chín tới cũng là lúc cộng đồng người Bahnar Kriêm ở các làng tất bật chuẩn bị cho Lễ hội ăn cốm lúa mới. Tùy vào vụ mùa của từng làng, lễ hội thường diễn ra trong khoảng thời gian từ đầu tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Việc tổ chức lễ hội của mỗi làng thường kéo dài trong một ngày.

Trước ngày diễn ra Lễ hội ăn cốm lúa mới, các thiếu nữ trong làng với trang phục truyền thống lên rẫy gặt lúa vừa chín tới đưa về khuôn viên nhà sàn của làng, sau đó sàng sảy, rang lúa cho giòn rồi giã thành cốm. Trong khi đó, tại khu vực nhà sàn của làng, đàn ông làm cây nêu, dựng cột pơ mông, chuẩn bị các lễ vật cúng.

Vào ngày diễn ra Lễ hội ăn cốm lúa mới, già làng sẽ thực hiện các nghi thức lễ cúng và tổ chức hiến vật, gồm: cốm lúa mới, heo, gà, rượu cần… Sau khi cúng xong, hạt cốm đầu tiên được đặt trên đầu của già làng với ý nghĩa tôn kính thần linh đã cho con người có cái ăn, cái mặc. Sau đó, cốm được chia đều cho người dân trong làng cùng thưởng thức. Cuối cùng, người làng cùng nhau tung cốm với ý nghĩa cầu mong mọi người, mọi nhà được ấm no, hạnh phúc.

Sau phần lễ là phần hội với các đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn quanh cây nêu. Người dân trong làng cùng nhau ăn uống, ca hát chung vui trong ngày lễ hội.

Theo nhà nghiên cứu Yang Danh (dân tộc Bahnar Kriêm, đã có hơn 10 tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch về văn hóa Bahnar Kriêm), Lễ hội ăn cốm lúa mới là nghi thức mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới lúa thóc đầy nhà; đánh giá lại kết quả một năm lao động; là dịp để người dân trong làng gặp gỡ, chia vui, chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến một năm làm ăn hiệu quả, đủ đầy.

“Lễ hội ăn cốm lúa mới còn được gọi là mùa “ăn năm uống tháng”, mùa sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa; đồng thời cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm bạn đời, gửi gắm giao duyên”, nhà nghiên cứu Yang Danh chia sẻ.

Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Bình Định chú trọng xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch từ Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bahnar Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh.

Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Bình Định chú trọng xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch từ Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bahnar Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh. Chẳng hạn, tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 vừa diễn ra ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) từ ngày 8 - 10/9, đồng bào Bahnar Kriêm đã trình diễn Lễ hội ăn cốm lúa mới, giới thiệu với người dân, du khách về lễ hội truyền thống của đồng bào mình với những nét độc đáo, riêng biệt. Trước đó, tại xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), ngành du lịch tỉnh này cũng đã tổ chức tái hiện Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bahnar Kriêm để xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết: “Đến với Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bahnar Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vùng đất này, trải nghiệm cuộc sống rộn ràng của mùa gặt, tìm hiểu văn hóa, đời sống tinh thần của người dân nơi đây, được hòa mình vào vũ điệu múa xoang cùng tiếng cồng chiêng, uống rượu cần và được ăn cốm lúa mới do dân làng mời như một lời chúc sức khỏe, hạnh phúc”.

“Trong những năm qua, Bình Định luôn quan tâm đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Trong đó, Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bahnar Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh đã tạo nên sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng”, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Dưới đây là một số hình ảnh trình diễn Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bahnar Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023.

Hoạt cảnh các thiếu nữ với trang phục truyền thống lên rẫy gặt lúa.
Các thiếu nữ Bahnar Kriêm trình diễn động tác sàng sảy lúa.
Tái hiện cảnh giã lúa thành cốm của đồng bào Bahnar Kriêm.
Già làng thực hiện các nghi thức lễ cúng và tổ chức hiến vật.
Sau phần lễ là phần hội với các đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn quanh cây nêu.
Cả làng cùng vui hội.
Đồng bào Bahnar Kriêm hóa trang với những hình thù kỳ dị nhảy múa trong lễ hội.
Lễ hội ăn cốm lúa mới là dịp để người dân trong làng gặp gỡ, chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến một năm làm ăn hiệu quả, đủ đầy.