Bình Dương: Trụ sở khu phố… bít đường vào nhà dân

(PLO) -Mỗi lần về nhà, nhìn lối vào nhà mình bị chính quyền cho xây dựng nhà nghỉ cho dân quân tới tận hiên, ông Phạm Văn Sang (SN 1972, ngụ khu phố Đông B, phường Đông Hòa, TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lại ấm ức. Từ ngày nhà nghỉ cho dân quân xây trên hành lang đường bộ chắn gần hết lối vào nhà, ông Sang phải đi ở trọ vì “không ngó được”. 
Ông Sang bỏ nhà đi thuê trọ vì phường xây nhà nghỉ dân quân chắn trước cửa nhà

Nhà nghỉ dân quân chắn nhà dân

Theo trình bày của ông Sang, năm 2006, ông mua lại căn nhà của bà Phạm Thị Hòa với diện tích 60m2. Phía trước nhà có một đất diện tích 20,25m2 (4.5m x 4.5m) không được cấp sổ đỏ.

Trước đây bà Hòa mua lại căn nhà trên, chưa có quy hoạch đường mở rộng nên chủ cũ đã làm cam kết sử dụng phần diện tích đất trên làm lối đi ra đường Phan Đình Giót (nhà ông Sang mặt tiền đường này). Lối đi này được gia đình ông Sang sử dụng suốt 8 năm qua.

Sau khi ông Sang xin cấp lại sổ đỏ, phần đất trên trên nằm trọn trong lộ giới hành lang đường bộ theo quy hoạch đường Phan Đình Giót. Trước đây ông Sang có dựng một mái hiên bằng gỗ, lợp tôn để che nắng che mưa phía trước nhà trên phần đất 20m2 trên. 

Cạnh căn nhà của ông Sang là trụ sở khu phố Đông B được xây dựng hoàn toàn trên hành lang đường bộ, nhưng chưa xâm phạm đến phần đất 20m2 hành lang đường bộ trước nhà của ông. Tiếp đó, ông Sang cho xây dựng mái hiên tạm bằng gạch thay thế mái hiên gỗ.

Năm 2008, UBND phường Đông Hòa (trước đây là xã Đông Hòa) đo đạc đất đai và cho rằng phần đất 20,25m2 mà gia đình ông Sang làm lối đi thuộc hành lang đường bộ, là đất công, do phường quản lý. Ông Sang làm đơn đề nghị UBND phường Đông Hòa xem xét, tạo điều kiện để gia đình được sử dụng phần hành lang đường làm lối đi, làm tiệm sửa xe máy. 

Tuy nhiên, UBND phường Đông Hòa không đồng ý và lên kế hoạch xây dựng một nhà nghỉ cho dân quân ngay trên phần đất trên, chỉ chừa lối đi 2m.

Theo báo cáo của UBND phường Đông Hòa lên cấp trên, nhà nghỉ cho dân quân có diện tích tới 26m2 nhưng thực tế chỉ xây dựng 10m2. Ngày 16/7/2014, ông Sang nhận được văn bản của UBND TX. Dĩ An về việc chấp thuận chủ trương cho UBND phường Đông Hòa xây dựng nhà nghỉ cho lực lượng dân quân ngay cạnh Văn phòng khu phố Đông B.

Trong năm 2008 và năm 2011, ông Sang xây dựng tạm trái phép phần hành lang đường bộ để làm tiệm sửa xe và bị UBND phường Đông Hòa lập biên vi phạm, nhưng sau đó không xử phạt vi phạm hành chính. 

Năm 2015, phường Đông Hòa ra quyết định khắc phục hậu quả, yêu cầu ông Sang tháo dỡ, trả lại hành lang đường bộ.

Ông Sang nói: “UBND phường Đông Hòa cho rằng phần đất trên là hành lang đường bộ nên thuộc quyền quản lý sử dụng của chính quyền. Trước đây chưa sử dụng nên chưa xử lý, bây giờ cần dùng xây dựng nhà nghỉ nên lấy lại. Vậy việc xây dựng trên hành lang đường bộ của chính quyền có đúng pháp luật hay không”?

 Nhà nghỉ dân quân chắn trước cửa nhà ông Sang

Bỏ nhà ra thuê trọ 

Ngày 16/9/2016, sau khi hoàn thành thủ tục xây dựng nhà nghỉ cho dân quân trên phần đất hành lang đường bộ trước nhà ông Sang, UBND phường Đông Hòa ra quyết định cưỡng chế, cho người đập bỏ phần mái hiên xây dựng trước đây của ông Sang, sau đó quây tôn, đào móng, xây dựng ngay một nhà nghỉ cho dân quân diện tích 10m2.

Theo quan sát của PV, phần xây dựng còn dở dang do đã bị UBND TX. Dĩ An cho tạm dừng. Phần xây dựng có bờ tường sát vào cửa nhà ông Sang, chiếm gần như trọn phần mặt tiền và lối đi duy nhất ra đường của gia đình ông Sang. Ngoài ra, nơi dự định xây nhà vệ sinh lại ở vị trí sát cửa nhà ông Sang. Lối đi vào nhà ông Sang chỉ còn lại 2m. 

Ông Sang nói: “Tôi bất lực, kêu cứu, làm đơn trình bày nhiều nơi nhưng không ai chịu nghe. Họ bác đơn hết. Biết rằng hành lang đường bộ là đất công nhưng không lẽ lấy cớ xây dựng trụ sở rồi xây chiếm hết lối đi, mặt tiền ra vào của người dân hay sao. Từ ngày chính quyền xây dựng bít lối đi, tôi chán quá bỏ nhà đi thuê phòng trọ để ở. Cứ về đây nhìn thấy cái cảnh trước nhà là ấm ức mà không làm gì được”.

Trong khi đó, hai căn nhà to lớn liền kề nhà ông Sang đều có tường rào kiên cố xây dựng sát đường (nằm trong hành lang đường bộ). 

Một cán bộ TX. Dĩ An sau khi chứng kiến nhà nghỉ của dân quân xây dựng bít lối đi nhà ông Sang đã cho biết: “Việc xây dựng thêm hơn 10m2 để sử dụng lại chắn gần hết cửa nhà dân như vậy là chưa hợp lý.

Nhất là phần đất đó là hành lang chỉ giới giao thông, nên việc xây dựng xong một thời gian sau giải tỏa phá bỏ là rất lãng phí. Vì vậy, địa phương nên xem xét kỹ hơn và có hướng xử lý sao cho phù hợp để người dân an tâm mưu sinh”.

Liên quan đến sự việc, luật sư Nguyễn Duy Bình, đoàn luật sư TP HCM cho biết: “Việc ban hành quyết định khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế ngày 16/09/2016 của Chủ tịch UBND phường Đông Hòa là sai về thẩm quyền.

Hành vi của ông Sang nếu bị xử phạt (theo quy định sẽ là 12,5 triệu đồng) sẽ thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND TX. Dĩ An và khi hết thời hiệu xử phạt thì Chủ tịch UBND TX. Dĩ An có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”.

Cũng theo luật sư Bình, căn cứ theo Nghị định 105/CP/2009 nhận thấy tuy pháp luật quy định nhà nước có quyền xây dựng trên đất hành lang đường bộ trong một số trường hợp vì lý do an ninh, quốc phòng… nhưng quy định này phải được áp dụng linh động, chính xác và không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân.

Để làm rõ sự việc, PV đã đến UBND phường Đông Hòa nhưng không gặp được lãnh đạo. Nhân viên văn phòng cho biết chủ tịch bận hết tuần và sẽ trả lời sau. 

Còn Trưởng khu phố Đông B thì cho biết việc xây dựng là của phường, khu phố không có chức năng trả lời báo chí. 

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND TX. Dĩ An Nguyễn Thanh Phong cho biết, sau khi nắm được thông tin, ông đã xuống trực tiếp xem hiện trường. Bước đầu, ông cho tạm dừng việc xây dựng và yêu cầu những bộ phận chuyên môn kiểm tra lại và yêu cầu UBND phường Đông Hòa báo cáo cụ thể tình hình hiện tại.

“Tôi sẽ cho kiểm tra thực tế xây dựng chỗ nghỉ cho lực lượng dân quân là bao nhiêu, nếu có vài mét vuông sẽ sử dụng như thế nào? Từ đó sẽ có hướng giải quyết tốt nhất để không bị ảnh hưởng cuộc sống người dân”, ông Phong nói thêm.

Đọc thêm