Bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 1821, sau khi nhậm chức quan nhỏ ở Quốc Tử Giám (Huế), Phan Huy Chú dâng cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” lên vua Minh Mạng. Vua khen “soạn khéo lắm” rồi ban thưởng 30 lạng bạc, 30 thỏi mực và 30 cái bút.
Bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam

"Lịch triều hiến chương loại chí" được nhiều người gọi là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Người soạn là Phan Huy Chú - một người được đánh giá thông minh, có tiếng thời nhà Nguyễn.

“Lịch triều hiến chương loại chí” được hiểu là phép tắc các triều đại chép theo thể phân loại. Tác phẩm được Phan Huy Chú soạn. Được biết, thời gian hoàn thành tác phẩm là 10 năm. Phan Huy Chú (1782 – 1840) tên chữ là Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, sinh ra và lớn lên ở Thăng Long.

Bố của Phan Huy Chú là Phan Huy Ích - nhà ngoại giao tiêu biểu thời Tây Sơn. Phan Huy Ích được vua Quang Trung tin cẩn, và từng giao trọng trách ngoại giao với nhà Thanh (Trung Quốc). Quê của Phan Huy Ích ở Hà Tĩnh.

Theo nhiều tài liệu, gốc gác xưa của Phan Huy Chú là dòng dõi khoa bảng. Bản thân Phan Huy Chú thông minh từ nhỏ, đọc nhiều sách vở. Khi làm quan ở viện Hàn lâm, năm 1821, Phan Huy Chú dâng Lịch triều hiến chương loại chí và dâng lên vua Minh Mạng. Tác phẩm ngay sau đó được nhà vua cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản.

Theo sự phân loại, tác phẩm viết về lịch sử từ thời Hồng Bàng đến Lê Mạt, gồm 49 quyển, chia làm 10 phần: viết về địa lý và lịch sử địa lý Việt Nam trải qua các triều đại và phong thổ từng vùng; về tiểu sử và tiểu truyện của các đế vương; về danh hiệu, chức vụ, phẩm tước, lương bổng; về việc bang giao các đời, nghi lễ đón tiếp sứ thần các nước…

Với nhiều đề tài có trong tập sách, nên Phan Huy Chú được nhiều người ca ngợi. Có người nhận xét về Phan Huy Chú là nhà sử học, nhà địa lý học, nhà nghiên cứu pháp luật, nhà nghiên cứu kinh tế, nhà nghiên cứu giáo dục, nhà nghiên cứu quân sự, nhà thư tịch học, nhà phê bình văn học…

Dương Quảng Hàm thì đánh giá về tác phẩm: “Bộ ấy đã thu thập một cách có phương pháp các tài liệu ở các sách vở cũ về hiến chương, chế độ của nước ta trước đời Nguyễn, rất tiện cho việc kê cứu. Ta có thể lấy bộ ấy làm gốc mà tham khảo thêm ở các sách sử ký, địa chí, điển lệ của ta để biết được văn hóa cổ thời của nước ta. Bởi thế gần đây các nhà bác học người Pháp, người Nam cũng theo đấy để khảo cứu về chế độ văn chương nước ta. Xem đó thì biết bộ ấy là một bộ sách có giá trị đặc biệt vậy...".

Còn tác giả Duy Trần thì nhận định: Bộ sách "Lịch triều hiến chương các loại chí" được coi là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam gồm 49 quyển, ghi chép lịch sử Việt Nam theo từng lĩnh vực: địa lý, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa cử, tài chính thuế khóa, hình luật, binh bị, sách vở, thơ văn, bang giao. Trong đó phần Văn tịch chí là một công trình thư mục học rất có giá trị, được xây dựng trên cơ sở Nghệ văn chí trong Lê triều thông sử của Lê Quý Đôn…

Tổng kết lịch sử văn hiến mười thế kỷ Việt nam, soạn "Lịch triều hiến chương loại chí", cái đích của Phan Huy Chú là xây dựng một nhà nước Việt Nam như dân tộc cần có để đi đến thịnh vượng.

Đọc thêm