Bộ Công an đề nghị Đại học Hùng Vương giao nộp con dấu

(PLO) - Những ngày giữa tháng 11/2013, 1.563 sinh viên Trường Đại học Hùng Vương (ĐH HV) phải chuyển sang 4 trường đại học khác để thi năm cuối và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học sau khi xảy ra những việc lùm xùm tại trường này.
Bộ Công an đề nghị Đại học Hùng Vương giao nộp con dấu
Trước quyền lợi của 1.563 con người, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phải đồng ý với đề xuất của UBND TP.Hồ Chí Minh, bỏ qua một số quy chế do chính mình xây dựng để tạo điều kiện cho các em kết thúc khóa học.  Tuy nhiên, những vấn đề của ĐH HV và số phận hàng ngàn học sinh hai khóa sau vẫn còn đó... 
Vì quyền lợi, bỏ mặc hàng ngàn sinh viên
Trước khi chuyển sang loại hình tư thục, ngày 13/6/2009 Hội đồng quản trị (HĐQT) của trường do ông Lương Ngọc Toản làm Chủ tịch đã ký biên bản góp vốn với năm đơn vị, trong đó ông Đặng Thành Tâm là nhà đầu tư chính của nhà trường. 
Ngày 08/01/2010, Phiên họp lần thứ 58 của HĐQT ĐH HV xác định rõ: Vốn điều lệ của trường khi tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để chuyển sang hình thức tư thục là 37 tỷ đồng (trong đó phía trường sẽ góp vốn 17 tỷ đồng – từ nguồn tích lũy được trong, quá trình hoạt động của trường); phía các nhà đầu tư đóng góp 20 tỷ. 
Tháng 2/2010,  trường xây dựng đề án chuyển đổi gửi Thủ tướng và Bộ GD&ĐT. Ngày 19/5/2010, Thủ tướng có Quyết định 703/CP về việc chuyển ĐH HV sang hình thức tư thục với thành phần HĐQT như đề nghị của đề án.  Ngay sau đó, số tiền đầu tư đã được chuyển đủ cho quỹ của ĐH HV và HĐQT tổ chức Đại hội cổ đông,  cử ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT, ông Lê Văn Lý làm Hiệu trưởng. HĐQT của trường hoạt động theo Luật Giáo dục và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
Tuy nhiên, đến lúc này  thì Hiệu trưởng Lê Văn Lý lại… không công nhận vai trò của HĐQT, không công nhận ĐH HV là đại học tư thục, công khai không thực hiện các quyết định của HĐQT. Mâu thuẫn nghiêm trọng đến mức Bộ GD&ĐT phải quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với ĐH HV; UBND TP.HCM ra quyết định đình chỉ chức vụ đối với Hiệu trưởng Lê Văn Lý và Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm vào tháng 3/2012. 
Trong khi ông Đặng Thành Tâm tuân thủ,  ngay lập tức từ chức Chủ tịch HĐQT thì ông Lê Văn Lý không những không nhận quyết định mà còn giam giữ trái pháp luật toàn bộ Tổ công tác do Giám đốc Sở Nội vụ dẫn đầu và một số thành viên HĐQT suốt một buổi, dùng bạo lực bắt Tổ công tác ký các văn bản trái pháp luật. 
Ngày 14/6/2013, ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TP.HCM – đã ra Quyết định số 3163/QĐ- UBND: “Không công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH HV TP.HCM đối với ông Lê Văn Lý… Ông Lê Văn Lý có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ, con dấu, các hồ sơ, sổ sách có liên quan đến chức vụ Hiệu trưởng cho HĐQT Trường ĐH HV trong thời hạn 7 ngày…”. Ông Lý vẫn không chấp nhận, vẫn dùng con dấu đóng vào nhiều giấy tờ không hợp lệ, triệu tập “Đại hội đồng cổ đông bất thường” ngày 26/6/2013 với những thành phần không đúng với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng trái phép. 
Ngày 2/7/2013, một lần nữa Văn phòng UBND TP.HCM ra Thông báo số 479/TB-VP yêu cầu ông Lý thực hiện Quyết định 3163/UBND.  Ngày 4/7, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng có văn bản không công nhận Đại hội cổ đông bất thường do ông Lý tổ chức ngày 26/6/2013. Cuối tháng 8/2013, Đoàn công tác của Tổng cục Cảnh sát đã làm việc với ĐH HV để kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu của trường. Tuy nhiên, người đang giữ con dấu là ông Ngô Đình Linh  - nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp - không chịu hợp tác, không bàn giao con dấu cho cơ quan chức năng.
Bộ Công an vào cuộc
Trước tình thế 1.563 sinh viên đã qua thời gian thi và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học, UBND TP.Hồ Chí Minh và Bộ GD&ĐT phải ra tay. Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc đình chỉ sử dụng con dấu của trường,  giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thu hồi con dấu của trường. Bộ GD&ĐT cũng đồng ý với đề xuất của UBND TP.Hồ Chí Minh, bỏ qua một số quy chế do chính mình xây dựng để chuyển 1.563 sinh viên sang 4 trường đại học khác để thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học. 
Hướng xử lý vụ việc tại Trường ĐH HV đã được Chính phủ khẳng định rất rõ: Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thu hồi con dấu của trường; đồng thời xác minh, điều tra làm rõ các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng con dấu và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc kiện toàn bộ máy của Trường ĐH HV theo đúng quy định pháp luật. Sau khi ổn định tổ chức mới tiếp tục cho phép sử dụng con dấu…

Đọc thêm