Một lần nữa, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đề xuất tăng giá điện sẽ được cơ quan này xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện... và các yếu tố khác.
Cũng theo ông Hải, dù tăng hay không thì mục tiêu quản lý nhà nước với giá điện là “dần đưa mặt hàng này về theo giá thị trường, giống như với xăng dầu”. Hiện cơ quan này đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch trong tính giá điện, các chi phí cấu thành giá. “Chắc chắn phương án giá điện sẽ được chúng tôi báo cáo tới các cấp có thẩm quyền theo quy định tại Quyết định 24. Quan trọng hơn đề xuất sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn chi phí sản xuất từng thời điểm và tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của người dân”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin thêm.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo - đề nghị các bộ phải “kiểm soát, minh bạch yếu tố đầu vào”. Chẳng hạn, điều chỉnh giá điện phải tính tới sự đồng bộ với giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng và thời điểm phù hợp.