Bỏ kiện tránh bị thua

(PLVN) - Giữa Kenya và Somalia tồn tại cuộc tranh chấp vùng lãnh hải từ nhiều năm nay. Năm 2014, hai bên thoả thuận đưa vụ việc ra xử lý ở Tòa án Công lý của Liên Hợp quốc.
Tranh chấp lãnh thổ Kenya và Somalia đã tồn tại nhiều năm nay.
Tranh chấp lãnh thổ Kenya và Somalia đã tồn tại nhiều năm nay.

Theo thông lệ chung, một khi đã lôi nhau ra kiện tụng trước tòa án của LHQ thì các bên liên quan cam kết chấp nhận mọi phán xử của tòa này, bất kể phán xử ấy như thế nào. Ngày 21/3 này, tòa án tiến hành đưa vụ kiện tụng này ra bắt đầu xét xử. Thời gian xét xử được ấn định cho 2 năm. 

Nhưng ngay trước thời điểm tòa bắt đầu tiến hành xét xử thì phía Kenya tuyên bố rút, tức là không đồng ý để cho tòaà án của LHQ xét xử cuộc tranh chấp lãnh hải này nữa. Thay vào đó, Kenya chủ trương đưa cuộc tranh chấp này với Somalia ra Hội đồng Bảo an LHQ. Kenya vừa tham gia Hội đồng Bảo an LHQ với tư cách là uỷ viên không thường trực cho thời gian 2021-2022. 

Vùng biển tranh chấp giữa hai nước châu Phi này được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào, đặc biệt về khí đốt và dầu lửa. Sự khác biệt quan điểm giữa hai bên liên quan đến cách thức xác định đường phân chia lãnh hải. Hai nước đã phân định biên giới lãnh thổ trên đất liền.

Phía Somalia nêu yêu cầu là đường phân định ranh giới trên biển là đường tiếp nối từ đường phân chia lãnh thổ trên đất liền, tức là kéo dài đường phân chia ấy ra vùng biển. Kenya lại muốn có đường vuông góc với bờ biển, tức là đường song song với đường vĩ tuyến. Hai cách xác định đường phân định lãnh hải này tạo nên vùng biển bị chồng lấn và hai bên tranh chấp vùng chồng lấn này.

Tòa án Công lý của LHQ một khi tiến hành xét xử tranh chấp và kiện tụng giữa các thành viên của LHQ thì sẽ vận dụng luật pháp quốc tế, trong trường hợp này sẽ vận dụng những luật pháp và quy định chung liên quan của LHQ. Việc Kenya lúc đầu chấp thuận về sau lại không muốn để cho tòa án của LHQ xử lý vụ kiện chỉ có thể được giải thích với đánh giá cho rằng Kenya lo ngại bị thua kiện nên rút khỏi vụ kiện. Bên tự tin là chắc thắng sẽ không bao giờ hành động như vậy. 

Kenya có thể tính đến việc đưa cuộc tranh chấp với Somalia ra Hội đồng Bảo an LHQ để tận dụng lợi thế hiện có là thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an LHQ nhưng hội đồng này không phải là tòa án và không có sứ mệnh phân định phải trái, trắng đen trong mọi xung khắc về chủ quyền lãnh thổ giữa các thành viên. Hội đồng này chỉ có thể đưa ra các tuyên bố chính trị liên quan hoặc thay mặt LHQ quyết định những biện pháp gây áp lực hay trừng phạt thành viên nào đấy bị xác định là vi phạm hiến chương LHQ hay luật pháp quốc tế.

Ngoài Tòa án Công lý của LHQ, hiện còn có một số cơ chế khác nữa có thể giải quyết được các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải giữa các quốc gia và đối tác với nhau. Họ có thể tự giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ quan hệ song phương.

Cả Kenya và Somalia đều là thành viên của Liên minh châu Phi và liên minh này hiện có tòa án riêng để xử lý các kiện tụng, tranh chấp giữa các thành viên, trong đấy có cả tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Mối quan hệ song phương hiện tại giữa Kenya và Somalia không được tốt đẹp, làm cho bản thân cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải càng thêm khó nhanh chóng được xử lý ổn thỏa.

Đọc thêm