Xóa tận gốc rễ một hủ tục?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cắt xẻo bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ hay còn gọi là FGM có liên quan tới những thủ tục cắt bỏ một phần hoặc toàn phần bộ phận sinh dục ngoài ở nữ hay những vết thương ở các cơ quan sinh dục ngoài nữ vì các lý do không liên quan đến y học.
Theo WHO, cắt xẻo bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ phần lớn được thực hiện ở các em gái trong độ tuổi từ lúc sơ sinh cho đến 15 tuổi và đôi khi được thực hiện ở những người phụ nữ trưởng thành. Người ta tin rằng, cắt âm vật có thể làm giảm ham muốn ở tình dục ở phụ nữ và ngăn chặn nguy cơ ngoại tình của họ, thậm chí họ còn nghĩ rằng nếu không cắt âm vật tương lai cô gái lớn lên sẽ trở thành gái điếm. Các bé gái không trải qua nghi lễ này thì sẽ bị coi là ô uế, không thể sinh con trai để nối dõi cho nhà chồng.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, hơn 125 triệu bé gái và phụ nữ trưởng thành còn sống hiện nay đã trải qua quá trình cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ. Một ước tính khác cho rằng mỗi năm có khoảng 2 triệu cô gái trên thế giới trở thành nạn nhân của hủ tục nói trên. Các nạn nhân của việc cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ bao gồm không chỉ ở các nước nghèo khó xa xôi nào đó ở châu Phi, Trung Đông mà nữ giới ở cả châu Á hay thậm chí ở cả những nước phát triển như nước Anh.
Phong tục kinh dị này phổ biến nhất ở các khu vực Tây, Đông và Đông Bắc châu Phi cùng một vài quốc gia châu Á và Trung Đông. Tại châu Phi, hàng năm, ước tính hơn 3 triệu em gái có rủi ro phải trải qua hủ tục này. Ở mỗi khu vực người ta cắt âm vật nữ theo những lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là truyền thống.
|
Phụ nữ và trẻ em gái ở Sudan vẫn phải gánh chịu những hủ tục nặng nề, lạc hậu, thậm chí ghê rợn. |
Nhiều dân tộc tin rằng bằng cách như vậy họ có thể bảo vệ được sự trong trắng của các cô gái. Cộng đồng quốc tế đã công nhận cắt xẻo cơ quan sinh dục nữ là một hành vi vi phạm nhân quyền ở các em gái và phụ nữ.
Theo Liên Hợp quốc, có 8 quốc gia mà hầu hết những bé gái đều phải hứng chịu hủ tục này, trong đó có Sudan. Một ước tính cho rằng, 88% các bé gái ở Sudan bị cắt xẻo cơ quan sinh dục. Chính vì vậy, việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sudan Nasr al-Din Abdel-Bari vừa qua thông báo Hội đồng Bộ trưởng của Chính phủ nước này sẽ thông qua đạo luật hình sự về thủ tục cắt âm vật nữ nhận được rất nhiều sự hoan nghênh.
Ông Khalil Ahmad Dood al-Rijal - người đứng đầu Ủy ban Tư pháp toàn Sudan cho rằng việc bổ sung vào bộ luật hình sự những quy định về hình phạt đối với việc cắt âm vật nữ là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh thực tế đất nước. “Xét đến việc thao tác này gây tác hại không thể khắc phục cho sức khỏe của phụ nữ, cần phải có luật như vậy”, ông al-Rijal nói.
Theo ông Al-Rijal, những người phụ nữ thường thiệt mạng ngay trong ngày đêm đầu tiên sau ca cắt xẻo như vậy do điều kiện hoàn toàn mất vệ sinh của những cơ sở bán hợp pháp ở địa phương. Thêm vào đó, người ta thực hiện cắt âm vật không chỉ ở những phụ nữ trưởng thành mà còn cả ở các bé gái và thiếu nữ, làm gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong của giới nữ.
“Chúng tôi hy vọng rằng những mức phạt hình sự đích đáng đối với việc tiến hành, kích động hoặc dung túng hoạt động man rợ như vậy cuối cùng sẽ xóa tận gốc rễ một hủ tục thực sự đáng sợ và hủy hoại con người ở Sudan”, ông nói. Ông Waleed Abu Zayed (CEO của công ty luật Hanbenei) cho rằng, đã đến lúc cộng đồng xã hội Sudan phảithừa nhận rằng cắt âm vật nữ là tội ác, không chỉ đáng lên án mà còn cần phải bị trừng phạt với mức độ nghiêm khắc nhất.
“Cộng đồng xã hội đã sẵn sàng để từ biệt hủ tục này. Theo tôi, chúng ta cần một cú hích để chặn đứng, không cho lưu truyền việc cắt xẻo man rợ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để làm được vậy cần phải đưa ra mức phạt hình sự và người dân biết tại sao việc cắt bỏ các bộ phận ngoài của cơ quan sinh dục nữ lại nguy hiểm như vậy”, ông này nhận định.
Băn khoăn hiệu lực thực tế
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để luật pháp phát huy tác động đúng đắn, chính quyền Sudan cần triển khai chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hại của việc cắt âm vật nữ cũng như thông báo rộng rãi về hậu quả hình sự có thể từ việc cắt xẻo ghê rợn như vậy.
“Tôi nghĩ rằng với sự phổ biến của chiến dịch khai sáng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, phần lớn cư dân Sudan sẽ ủng hộ đạo luật này. Vấn đề là ở chỗ xưa nay người ta cho rằng thực hiện ca phẫu thuật thô sơ này là vì lợi ích của con gái họ. Khi biết được những đau đớn và khổ sở do chính tay họ gây ra là nguy hiểm thế nào đối với tính mạng và cuộc đời của các bé gái, họ sẽ từ bỏ. Dù sao chăng nữa, một hủ tục đã lâu đời chỉ có thể được khắc phục bằng giáo dục đại chúng”, ông alRijal nhận định.
Còn bà Nawara Bafly - một chuyên gia nghiên cứu văn hóa và lịch sử Sudan cho hay, nhiều cô bé và thiếu nữ ở Sudan cũng tự muốn thực hiện thủ tục này bởi nó được “trang trí” quá đẹp đẽ. “Vấn đề là ở chỗ trước khi tiến hành cắt âm vật, những cô gái nhỏ được phép cảm thấy mình là nàng công chúa, được trang điểm tay và chân bằng bột lá cây, được mặc bộ trang phục đẹp nhất, bôi dầu bóng lên tóc và xức dầu thơm khắp cơ thể.
Các cô bé khác chỉ nhìn thấy giai đoạn sơ bộ này nên nhiều người thích được làm “công chúa” như vậy. Nhiều người đã tự yêu cầu trải qua thủ tục đó vì không một ai được cảnh báo về những điều chờ đợi họ trong và sau thủ thuật cắt xẻo. Các cô bé không hề biết rằng sẽ vô cùng đau đớn, mất rất nhiều máu và nếu sống sót còn có nguy cơ mắc vô số các bệnh tật khác nhau, đau khổ cho đến lúc chết”, bà nói.
Ông Abu Zayed thì cho rằng, trước hết, cần phải nâng cao nhận thức của chính chị em phụ nữ. “Một số phụ nữ vẫn tin vào tầm quan trọng và sự cần thiết của thủ tục cắt âm vật. Họ thường thực hiện việc này khi vắng mặt người cha hoặc không có ý kiến của ông chủ gia đình với lý do đây hoàn toàn là chuyện riêng tư của giới nữ”, vị chuyên gia phân tích.
Trong bối cảnh như vậy, ông Abu Zayed cho rằng việc quy định trong gia đình xảy ra việc cắt âm vật của con gái thì người cha cũng sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật định sẽ góp phần giảm thiểu tình hình.
Ông cũng tiết lộ rằng, trong thực tế hành nghề luật, ông từng gặp hàng loạt trường hợp người chồng kiện người vợ khi biết cánh phụ nữ trong nhà đã thực hiện thao tác tương tự đối với con gái của họ. Tổ chức UNICEF cũng đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến của chính phủ Sudan về ban hành các hình phạt với việc cắt âm vật nữ và đề xuất hỗ trợ việc tiến hành chiến dịch giáo dục thường thức phổ thông quy mô trong cư dân ở nước này.