Bỏ luật theo lệ

(PLVN) - Giữa hai nước láng giềng Australia và New Zealand vừa bùng phát chuyện bất hòa mới phủ bóng đen xuống mối quan hệ song phương này. Nó pha trộn giữa chính trị và pháp lý, giữa đối nội và đối ngoại ở cả hai phía, tế nhị và nhạy cảm như nhau trên mọi phương diện đối với cả hai bên.
Quốc kỳ New Zealand (trái) và quốc kỳ của Australia.

Hai nước này bên nào cũng có cách nhìn nhận riêng về đúng hay sai, về hợp lý hay bất hợp lý. Trong thực chất thì đấy là chuyện bỏ luật để theo lệ.

Cụ thể ở đây là chuyện hai quốc tịch. Một người phụ nữ và con tìm cách nhập cảnh từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ họ và nhìn nhận người phụ nữ này là thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Vì thế, phía Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương trả người phụ nữ này về quê gốc. Người phụ nữ này rời Australia, đến Syria và nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ bằng hộ chiếu của Australia. Hộ chiếu này hợp pháp bởi người phụ nữ này có quốc tịch Australia.

Vấn đề ở chỗ người phụ nữ kia vốn là công dân New Zealand, di cư sang Australia khi mới 6 tuổi và sống ở Australia suốt từ đó đến nay. Về pháp lý, người phụ nữ này có đồng thời 2 quốc tịch hợp pháp là Australia và New Zealand.

Australia là quốc gia công nhận đa quốc tịch. Cơ quan công quyền nước này biết rất rõ là người phụ nữ kia di cư từ New Zealand sang và đã được nhập quốc tịch Australia. Ở Australia hiện tại có rất nhiều người trong tình trạng pháp lý liên quan đến quốc tịch như người phụ nữ này. 

Bây giờ, chính phủ Australia không muốn nhận lại người phụ nữ nói trên do người này bị cáo buộc liên quan đến IS, thậm chí lại còn bị coi là thành viên của IS, tức là liên quan đến khủng bố quốc tế, mà khủng bố là chuyện động chạm đến an ninh và thể diện quốc gia trên thế giới.

Về lý, phía Australia không thể không nhận lại công dân của mình, bất kể họ phạm tội. Ràng buộc trách nhiệm ở đây đối với Australia là sự xác nhận về quốc tịch của những người liên quan. Ở trường hợp người phụ nữ này, sự xác nhận kia đã rất cụ thể, rõ ràng và hợp pháp theo luật pháp hiện hành của Australia. 

Điều khiến phía New Zealand bực bội và mối quan hệ giữa Australia và New Zealand bị trắc trở là chủ định của phía Australia tước quốc tịch hiện tại của người phụ nữ kia để tạo tình thế pháp lý mới, là người này chỉ còn quốc tịch New Zealand, do đó phía Australia không còn liên quan gì nữa và trách nhiệm nhận lại người phụ nữ này thuộc về New Zealand. 

Cho nhập tịch hay tước quốc tịch đều thuộc chủ quyền của quốc gia. Nhưng tước bỏ quốc tịch của ai đó để không chịu trách nhiệm gì nữa về người này trên phương diện bảo hộ pháp lý cho công dân thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Luật về đa quốc tịch bị vô hiệu hóa để phục vụ cái lệ là đẩy chuyện phức tạp và nhạy cảm về đối nội của chính mình sang cho đối tác bên ngoài. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern định nghĩa cái lệ này là “xuất khẩu vấn đề đối nội” ra nước ngoài.

Chuyện bỏ luật để theo lệ trong khuôn khổ phạm vi quốc gia thì là chuyện riêng của quốc gia, nhưng một khi trở thành vấn đề mắc mớ giữa các quốc gia với nhau thì lại trở thành cả chuyện pháp lý quốc tế và chính trị thế giới nữa. Trong quan hệ giữa các quốc gia và đối tác trên thế giới, ranh giới giữa luật và lệ, giữa đối ngoại và đối nội, giữa hiểu biết và nghi ngại lẫn nhau luôn rất mong manh.

Lợi ích quốc gia ở đâu cũng vậy lại luôn có bộ phận khả biến. Chuyện luật và lệ của quốc gia vì thế luôn có thể biến dạng hay bùng phát thành chuyện bất hoà giữa các đối tác liên quan mà khắc phục nó không dễ dàng. Nếu không bị khắc phục thỏa đáng, nó sẽ tạo tiền lệ mới, sẽ củng cố lệ và bào mòn luật.

Đọc thêm