Thuỳ là con gái đất Tràng An, nết na, thuỳ mỵ, được giáo dục đầy đủ để trở thành một người vợ hiền, dâu thảo, mẹ đảm đang. Việc Thuỳ yêu chết mê chết mệt một anh chàng sinh viên mới ra trường với hai bàn tay trắng, lại ở tít vùng quê nghèo xa xôi, làm ai cũng ngạc nhiên.
Bạn bè, chị em, bố mẹ lo lắng đến tương lai Thuỳ với những sự khác biệt về môi trường sống, sợ rằng Thuỳ sẽ không thể hoà nhập nổi. Thuỳ quyết tâm với một niềm tin, rằng tình yêu sẽ giúp cho cô sức mạnh. Điều không may mắn với Thuỳ là sự e ngại đó cũng xuất hiện cả từ phía gia đình của người yêu, mà sau này là chồng cô.
Khác với lo lắng đầy thiện chí của những người thương yêu mình, khi Thuỳ lấy chồng, những lo lắng ấy được chuyển thành sự nỗ lực chỉ bảo, vun vén, còn với gia đình nhà chồng, sự e ngại lại là định kiến đeo bám Thuỳ từng phút giây cuộc sống. Cũng may, vì công việc, không mấy khi vợ chồng Thuỳ về quê, nàng dâu thành phố ít khi phải đối mặt với cuộc sống khó chịu này.
Thời gian yên ổn kéo dài không lâu, ngay khi Thuỳ vừa sinh đứa con đầu lòng, chồng Thuỳ kiên quyết bắt vợ về quê với lý do rằng ông bà đã già, mong mỏi mãi mới có một đứa cháu nội; rằng về quê có bà chăm sóc đỡ khó nhọc; rằng môi trường nhà quê trong lành tốt cho trẻ nhỏ... Những hứa hẹn tốt đẹp mà chồng nói mãi chỉ là trong hình dung mong mỏi của Thuỳ. Chỉ sau một tuần “nghỉ dưỡng” ở nhà, Thuỳ bắt đầu phải chứng kiến những lời ra tiếng vào của mẹ chồng.
Ban đầu là chuyện ăn. Mẹ chồng Thuỳ nhất quyết: Gái đẻ chỉ được ăn muối nướng gừng, có thế sau này mới khoẻ. Cứ ăn lắm thế này hậu sản, chết lúc nào chả biết. Nhờ chồng nhỏ to mãi, Thuỳ mới được mẹ chồng chiếu cố cho vài miếng thịt kho muối mặn chát và khô khốc. Rồi đến chuyện chăm cháu, bà một mực chăm cháu theo kiểu “các cụ bảo thế”, không cần biết đến khoa học, sách vở gì.
Chẳng những thế, vừa tròn một tháng kiêng khem, lại trong tiết mùa đông còn lạnh cắt da cắt thịt, cô đã được mẹ chồng chỉ cho “cái máy giặt” là bờ ao nhớt nháp bùn đất. Ngâm chân trần trong làn nước ao tù lạnh buốt, cúi rạp rạp người giặt xong một chậu tã cho con mà Thuỳ tưởng như mình đang phải “tù khổ sai”...
Thuỳ thấy một ngày ở quê dài đằng đẵng. Dài không phải bởi cô được mẹ chồng luôn nhắc phải dậy từ 5 giờ sáng, dài không phải bởi buổi trưa con dâu không được phép đi nằm, dài bởi lúc nào cô cũng căng thẳng phải suy nghĩ làm thế này, làm thế kia có vừa ý mẹ chồng không. Thuỳ chỉ mong đêm đến, để chỉ có hai mẹ con cô trong căn buồng nhỏ, tránh xa được ánh nhìn xăm xoi dò xét của mẹ chồng, của chị em nhà chồng.
Nhưng bóng đêm cũng không phải là đồng minh của Thuỳ. Nhà ở quê trống hơ trống hoác, cửa đóng then cài mà gió vẫn lùa hun hút. Chiếc giường cưới đẹp đẽ là thế, nhưng không có đệm, với một chiếc chăn mỏng, chồng lại thường xuyên đi biền biệt, nó trở nỗi sợ hãi với mẹ con Thuỳ. Những ngày trời rét buốt, cứ đặt ra giường là con bé lại giật mình khóc thét. Thương con, Thuỳ phải ngồi bế con, ngủ ngồi gà gật cho đến sáng, và lại tiếp tục hành trình của một ngày đầy lo lắng.
Những khó khăn trong cuộc sống, Thuỳ đã nhiều lần chia sẻ tâm sự với chồng, nhưng không những không thông cảm với vợ, chồng Thuỳ cũng cho rằng đó là thói đỏng đảnh của con gái thành phố, rằng “lấy chồng theo thói nhà chồng”, Thuỳ phải cố gắng mà thích nghi.
Mẹ anh ta đã sống được cả đời như vậy, chị em của anh ta cũng vậy, không có cớ gì mà Thuỳ lại không thể chịu đựng nổi vài ba tháng trong thời gian nghỉ đẻ. Không những thế, anh ta còn luôn cằn nhằn với vợ mỗi khi nghe mẹ tỉ tê kể tội “con Thuỳ” mà không cần biết thực hư thế nào.
Ăn không đủ chất, thiếu ngủ, lại chất chồng áp lực, nguồn sữa của Thuỳ cạn dần, và từ đây, cô thực sự trở thành nàng dâu thành phố vô tích sự trong con mắt của mẹ chồng. Dù rằng Thuỳ đã rất cố gắng nhẫn nhục để qua ngày đoạn tháng, nhưng lúc nào trong người cô cũng như chất chứa mầm mống của sự hoảng loạn.
Và rồi, cũng đến cái ngày mầm mống ấy trỗi dậy. Đó là một ngày Thuỳ cứ tưởng ngày vui, ngày hạnh phúc, khi con gái cô tròn 2 tháng tuổi, khi chồng cô được nghỉ làm ở nhà chăm con.
|
Ông bố trẻ nói mừng ngày con gái tròn 2 tháng, nhà mình sẽ ăn đặc sản do tự tay bố làm. Bữa cơm được dọn ra, khi mọi người còn chưa kịp bưng bát, nhìn đĩa “đặc sản thịt chuột” còn nguyên những cái đầu với con mắt chuột thao láo như đang nhìn mình, Thuỳ bịt miệng, chạy ra vườn nôn thốc nôn tháo. Sự kiện ấy được coi là bằng chứng cho “thói kinh miệt nhà chồng” của cô con dâu thành phố. Và cũng là giọt nước làm tràn ly cho sự chịu đựng của Thuỳ.
Ôm con ra khỏi nhà chồng, trời vẫn còn rét, nhưng Thuỳ thấy như mặt trời đang ẩn nấp đâu đây, sắp toả xuống con đường mẹ con cô đang đi những ánh nắng vàng rực rỡ.