(PLO) - Bỏ sót người tham gia tố tụng không những làm phương hại đến quyền lợi hợp pháp của đương sự mà còn dẫn đến tình trạng “án quay vòng” do bị cấp trên tuyên hủy. Nghiêm trọng là vậy, tuy nhiên “lỗi” này vẫn liên tục xảy ra mà chưa thể khắc phục triệt để.
“Quên” cá nhân người thừa kế
Vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là Nguyễn Thị N. và bị đơn là vợ chồng Nguyễn Bửu M.C - Đàm Thị K. O ở Bình Định là một ví dụ.
Ngày 24/12/2010, chị N. có đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng C–O trả nợ 1 tỉ đồng. Khi Tòa sơ thẩm đang giải quyết vụ việc thì chị N. chết. Trường hợp này, Tòa phải đưa chồng và 2 người con của chị N. (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất) với tư cách người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn; nhưng Tòa chỉ đưa một mình anh Ngọc (chồng) tham gia tố tụng là đã bỏ sót người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
Một vụ khác ở Hà Tĩnh, năm 2007, 5 chị em dòng họ Nguyễn ở xã Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh đã đâm đơn kiện bà Nguyễn Thị N ra trước TAND huyện Thạch Hà đòi chia thừa kế.
Số là trước đây, cụ Nguyễn H.B và cụ Nguyện Thị H. có 6 người con gái chung. Thời còn sống, 2 cụ tạo lập được căn nhà gỗ 3 gian trên diện tích đất gần 3.500 m2 ở xã Thạch Đài.
2 cụ mất không để lại di chúc, toàn bộ nhà đất do bà Nguyễn Thị N quản lý. Năm 2006 các nguyên đơn kiện bà N ra tòa yêu cầu chia thừa kế mảnh đất bố mẹ họ để lại. Tại Bản án số 02 cuối năm 2007, TAND huyện Thạch Hà đã chia cho mỗi người được một phần trong tổng số đất nêu trên. Bản án phúc thẩm sau đó giữ nguyên án sơ thẩm.
Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là, ngoài bà N còn có chồng bà là ông Vũ Văn T cũng có vai trò, công sức trong quá trình quản lý, sử dụng và tạo lập các tài sản trên đất được chia.
Tuy nhiên, Tòa án 2 cấp đã “quên” không đưa ông T vào tố tụng. Vì lỗi này (cùng với một số vấn đề về chứng cứ khác), bản án phúc thẩm đã bị TANDTC kháng nghị và sau đó hủy án, giao hồ sơ cho cấp huyện xử lại từ sơ thẩm.
Sót cả tổ chức có liên quan
Ngoài việc “bỏ sót” cá nhân, nhiều trường hợp Tòa án còn “quên” luôn cả những cơ quan chức năng có liên quan đến vụ việc. Đầu năm 2013, TAND tỉnh Quảng Nam đã hủy toàn bộ một bản án sơ thẩm của TAND TP. Hội An trong một vụ tranh chấp về thừa kế do vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Năm 2003, bà Nguyễn T.G cho bốn người con căn nhà diện tích hơn 93m2 ở phường M.A (TP. Hội An). Bốn người thỏa thuận cử ông X. (con trai thứ) đại diện đứng tên trong giấy tờ. Các bên có lập giấy cam kết thống nhất về tài sản. Năm 2009, ông X. chết. Một người cháu của ông đã khởi kiện vợ ông yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bà nội để lại.
Tại tòa, vợ ông X. thừa nhận nhà đất có nguồn gốc của mẹ chồng nhưng khi còn sống, mẹ chồng đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng cho nhận nhà ở cho chồng bà. Năm 2009, chồng bà chết, bà đã đứng tên chủ quyền. Bà không biết thỏa thuận trước đó của chồng bà với các anh chị em và cho rằng giấy cam kết là giả mạo.
Tháng 9/2012, TAND TP. Hội An đã xử sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu của cháu ông X. Cháu ông X. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra nhiều thiếu sót của cấp sơ thẩm.
Trong đó, việc cấp sơ thẩm không đưa Phòng Công chứng số 2 tỉnh Quảng Nam, UBND phường M.A, UBND TP. Hội An vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ lọt người tham gia tố tụng.
Luật sư Hà Thị Thanh (Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Hưng Yên):
Bỏ sót người tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, trong mọi trường hợp đều phải hủy án!
Bỏ sót người tham gia tố tụng là lỗi rất dễ mắc phải ở những vụ có nhiều đương sự, thường gặp ở cả 3 dạng: bỏ sót nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng chủ yếu nhất vẫn là “quên” người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Thông thường cả đương sự lẫn Tòa án đều có tâm lý cho rằng trong vụ án dân sự, chỉ nguyên đơn, bị đơn mới là quan trọng, không thể thiếu. Chính vì vậy nên họ không quan tâm nhiều đến địa vị pháp lý của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Quan niệm như vậy là hết sức sai lầm. Bởi vì trong tố tụng dân sự, các đương sự có quyền và nghĩa vụ tố tụng ngang nhau. Do đó, mọi trường hợp xác định sai tư cách hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng đều dẫn đến hậu quả là không chỉ trực tiếp gây phương hại đến quyền lợi, nghĩa vụ của chính bản thân người bị “bỏ quên” mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khác.
Nghiêm trọng hơn, việc bỏ sót người tham gia tố tụng như vậy làm cho việc giải quyết vụ án không đầy đủ, khách quan, không loại trừ một số trường hợp khiến bản chất vụ án bị sai lệch.