Bất cứ ai, từ trí thức cấp tiến, doanh nhân cho đến những người bình thường trong xã hội cũng có thể trở thành nạn nhân của tin giả.
Nhiều ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra hôm 3/11, một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ một đoạn video, trong đó đưa ra một số khẳng định mà theo hãng tin Reuters là không đúng sự thật, nhằm nhắm vào hệ thống bỏ phiếu điện tử của các công ty Dominion và Smartmatic, bên cạnh việc tuyên truyền về cái gọi là gian lận phiếu bầu.
Đoạn video cáo buộc rằng Dominion có liên hệ với Smartmatic, rằng những người sáng lập của hai công ty này có liên quan tới Antifa - một phong trào chính trị thiên tả, phi tập trung và chống phátxít, cũng như liên quan tới Venezuela; rằng các văn phòng của Dominion tại Đức đã bị đột kích; và rằng Dominion đã tráo phiếu bầu ở bang Virginia. Tuy nhiên, hãng tin Reuters đã xem xét các cáo buộc này và nhận thấy rằng chúng không dựa trên các thông tin chính xác.
Đơn cử như đoạn video từ người tài khoản Tom Laipply Podcast với tiêu đề bằng chữ in hoa là: “Phần mềm của Domino, công ty cực tả ủng hộ phong trào antifa, đã được sử dụng ở 30 bang, người dân chúng ta có thể tin đây là một cuộc bầu cử tự do và công bằng hay không?".
|
Người dân bỏ phiếu trong ngày ngày 3/11/2020 tại Hillsboro (Virginia) Mỹ, |
Trong đoạn video, người dẫn có nói: “Các máy bỏ phiếu của Dominion, được dùng ở 30 bang, đã sử dụng phần mềm của Smartmatic. Dominion là công ty bình phong cho phần mềm Smartmatic. Smartmatic và Dominion đã gửi mọi kết quả bầu cử tới Frankfurt và Barcelona. Chúng ta đang nói về vụ đột kích thực sự đã xảy ra ở Frankfurt trong phần sau. Smartmatic được thành lập bởi hai người Venezuela... Dominion là một công ty cực tả có người đứng đầu ủng hộ phong trào Antifa.”
Sau đó, tài khoản này tiếp tục công bố nhiều đoạn trích từ một bài viết trên Gateway Pundit, mà anh ta khẳng định là chứng minh được rằng gian lận bầu cử đã xảy ra ở bang Virginia.
Tuy nhiên, theo Reuters, Ủy ban điều hành Hội đồng điều phối cơ sở hạ tầng bầu cử của chính phủ Mỹ và Hội đồng điều phối cơ sở hạ tầng bầu cử cho biết rằng các quan chức phụ trách an ninh bầu cử không có bằng chứng nào cho thấy các lá phiếu đã bị tráo đổi, bị xóa hay bị làm mất bởi các hệ thống bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm 3/11 - sự kiện được họ miêu tả là “được bảo đảm an ninh bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ.”
Dominion và Smartmatic có liên hệ với nhau hay không?
Đáp lại đề nghị xác thực của của Reuters qua email, Samira Saba (Giám đốc Truyền thông của Smartmatic) cho biết: “Smartmatic chưa bao giờ sở hữu bất kỳ cổ phần nào hay có bất kỳ cổ phần tài chính nào tại Dominion. Smartmatic chưa bao giờ cung cấp cho Dominion bất kỳ phần mềm, phần cứng hay công nghệ nào khác.”
Trang web bỏ phiếu của Dominion có nêu rằng Dominion chưa bao giờ và hiện cũng không thuộc sở hữu của Smartmatic: “Dominion là một công ty hoàn toàn riêng biệt và là đối thủ cạnh tranh gay gắt với Smartmatic. Dominion và Smartmatic không hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào và không có mối quan hệ liên kết hoặc ràng buộc tài chính nào. Dominion không sử dụng phần mềm của Smartmatic.”
Theo AP, các luật sư của Tổng thống Trump là Rudy Giuliani và Sydney Powell (bà này sau đã bị loại khỏi đội ngũ) liên tục khuếch đại thông tin rằng Dominion và Smartmatic có liên hệ với nhau.
|
Đại diện Dominion bác bỏ cáo buộc gian lận bầu cử trên kênh Fox News. |
“Dominion là một công ty thuộc sở hữu của Smartmatic thông qua một công ty trung gian có tên Indra,” ông Giuliani nói trong cuộc phỏng vấn của Fox Business hôm 12/11. “Dominion là một công ty Canada nhưng toàn bộ phần mềm là của Smartmatic.”
Tuy nhiên, AP cho hay, Dominion không phải là công ty của Canada, mà thuộc sở hữu của Staple Street Capital, một công ty cổ phần tư nhân đăng ký kinh doanh ở New York.
Venezuela đứng sau Dominion?
Đoạn video cáo buộc “gian lận bầu cử Mỹ” còn khẳng định rằng người sáng lập của Dominion ủng hộ phong trào Antifa, và rằng Smartmatic do hai người Venezuela thân cận với chính quyền Caracas sáng lập.
Theo Reuters, Giám đốc điều hành của Dominion hiện là John Poulos. Trên trang web của mình, Dominion khẳng định họ là một công ty phi đảng phái: “Dominion làm việc với mọi đảng phái chính trị ở Mỹ; cơ sở khách hàng và các hoạt động tiếp cận chính phủ của chúng tôi phản ánh cách tiếp cận phi đảng phái này”. Reuters cũng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy rằng Poulos ủng hộ phong trào Antifa.
Hai trong số những người sáng lập của Smartmatic là Antonio Mugica và Roger Pinate (hiện đang tiếp tục chèo lái công ty trong vai trò Giám đốc điều hành và Chủ tịch) là người Venezuela. Tuy nhiên, công ty được sáng lập tại Florida, thành lập ở Mỹ và hiện có trụ sở ở London, Vương quốc Anh.
|
Ông Rudy Giuliani và bà Sydney Powell đứng sau các cáo buộc về cuộc bầu cử, đặc biệt là ở các bang chiến địa. |
Smartmatic xác nhận trên trang web của mình rằng công ty không mang “quốc tịch Venezuela” và “Smartmatic không có quan hệ với chính phủ hay đảng phái chính trị của bất kỳ quốc gia nào.”
Bà Sydney Powell chính là người lan truyền thông tin Smartmatic do chính quyền Venezuela giật dây. Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business, bà này nói rằng Smartmatic được lập ra để Hugo Chavez (cố Tổng thống Venezuela) thao túng phiếu bầu, rồi sau đó hệ thống này được chuyển sang các quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Eddie Perez, chuyên gia công nghệ bỏ phiếu tại Viện OSET, một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và phát triển công nghệ bầu cử phi đảng phái nói với hãng AP: “Có vẻ như ông Giuliani và các cộng sự đang đưa ra một số tuyên bố ngông cuồng và vô căn cứ đang kết nối các dấu chấm giữa các công ty dường như không liên quan”, Perez nói.
Theo AP, Smartmatic chỉ cung cấp công nghệ và phần mềm cho cuộc bầu cử hạt tại Los Angeles. Công nghệ của công ty không hề được sử dụng tại các bang chiến địa như Pennsylvania, Georgia, Arizona, Nevada, Michigan hay North Carolina.
“Cuộc đột kích thu giữ máy chủ ở Frankfurt”
Video kể trên cáo buộc rằng đã có một cuộc đột kích nhắm vào các văn phòng của Dominion tại Frankfurt, nơi tất cả các kết quả bầu cử được gửi đến.Hãng tin AP đã liên hệ với lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Đức và nhận được câu trả lời rằng đó là “những cáo buộc sai trái”.
Dominion cũng đã xác nhận trên trang web của công ty: “Không có bất kỳ ‘cuộc đột kích’ nào vào các máy chủ của Dominion do quân đội Mỹ hay lực lượng khác thực hiện, và Dominion không có máy chủ đặt tại Đức”.
Bình luận này có thể liên quan tới tuyên bố trước đó của một số cư dân mạng, dẫn lời nghị sĩ đảng Cộng hòa Louie Ghomert nói rằng quân đội Mỹ đã chiếm giữ các máy chủ của Dominion ở Đức.
Những bình luận của Ghomert được đưa ra trên trang tin Newsmax. Tuy nhiên, đối tượng mà Ghomert nhắc đến là công ty bỏ phiếu điện tử Scytl, chứ không phải Dominion.
Các tuyên bố trên trang web của Scytl và Dominion đều khẳng định rằng giữa hai công ty này không có mối quan hệ nào.
Gohmert nói: “Tôi không biết sự thật ra sao. Tôi chỉ biết rằng có một dòng tweet bằng tiếng Đức nói rằng vào thứ Hai, quân đội Mỹ đã tiến vào Scytl và thu giữ máy chủ của họ”. Ông cũng đưa ra thông tin nhưng không cung cấp bằng chứng rằng Scytl nắm giữ thông tin về việc có các phiếu bầu đã được chuyển từ chỗ ủng hộ ứng viên phe Cộng hòa sang chỗ ủng hộ phe Dân chủ.
Scytl đã đưa ra tuyên bố bác bỏ thông tin này trên trang web của mình: “Các công nghệ mà Scytl sử dụng ở Mỹ đều được lưu trữ và quản lý trong lãnh thổ quốc gia bởi một công ty con địa phương là SOE Software, có trụ sở ở Tampa, Florida. Chúng tôi không lập bảng, kiểm đếm hoặc kiểm phiếu ở Mỹ. Chúng tôi không có máy chủ hay văn phòng ở Frankfurt. Quân đội Mỹ không thu giữ bất kỳ thứ gì của Scytl ở Barcelona, Frankfurt hay bất kỳ nơi nào khác”.
Hãng AP cũng dẫn lời người đứng đầu chi nhánh của Scytl tại Mỹ cho biết, công ty từng có máy chủ dự phòng ở Đức để phục vụ cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nhưng cũng đã dừng hoạt động từ tháng 9/2019. Ông Brill nói thêm: “Các sản phẩm Scytl bán cho khách hàng Mỹ được đặt hoàn toàn ở Mỹ, sử dụng Dịch vụ Web của Amazon và chưa bao giờ được đặt tại Đức”.
Chris Krebs (Giám đốc An ninh mạng thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ) cũng lên tiếng trên Twitter rằng “không có vụ quân đội Mỹ thu giữ các máy chủ liên quan đến bầu cử ở châu Âu, thông tin lan truyền trên mạng xã hội là sai trái”.Không lâu khi đưa ra tuyên bố này, ông Krebs đã bị Tổng thống Trump cách chức!
Các lá phiếu ở Virginia
Ngoài các cáo buộc trên, đoạn video lan truyền về cái gọi là “gian lận bầu cử Mỹ” còn trích dẫn một số nội dung và các bảng tính từ bài báo đăng trên trang Gateway Pundit, cho rằng đó là “các bằng chứng về gian lận bầu cử ở Virginia”. Người dẫn trong video khẳng định rằng đây là bằng chứng cho việc Dominion đã đánh tráo phiếu bầu.
Để chứng minh, bài viết này trích dẫn các bảng tính từ tờ New York Times, nói rằng sau các đợt đếm phiếu qua lại, ông Biden đã nhận được thêm nhiều phiếu hơn so với đối thủ. Bài báo kết luận có vẻ như đã xuất hiện tình trạng gian lận trong công tác đếm phiếu”.
Tuy nhiên một người phát ngôn của tờ New York Times (NYT) nói với Reuters rằng tờ báo không lập ra các bảng tính đã được trích dẫn trong bài viết của Gateway Pundit.
NYT có chia sẻ với Reuters dữ liệu bầu cử của hạt Fairfax, Virginia, theo đó có 3 mục thống kê số phiếu bầu cho các ông Biden và Trump với tổng cộng mỗi người nhận được lần lượt là hơn 900.000 phiếu và gần 200.000 phiếu bầu.
Tuy nhiên 2 mục thống kê sau đó đã bị tờ báo xóa đi. Nếu ai đó xoáy vào sự thay đổi này, họ có thể khiến kẻ khác nghĩ rằng gian lận đã xuất hiện. Được biết dữ liệu của NYT được lấy từ nhóm các tổ chức truyền thông National Election Pool và công ty nghiên cứu Edison Research.
Người phát ngôn của New York Times đã giải thích về việc nhiều lần thay đổi số phiếu bầu của hai ứng viên như sau: “Sự tăng và giảm số lượng phiếu bầu cử mỗi người chỉ phản ánh rằng Edison đang xác nhận dữ liệu mà thôi”.
“Không có bằng chứng trong dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng các lá phiếu đã bị gian lận. Đôi khi trong quá trình báo cáo kết quả, các quan chức hoặc các bên cung cấp kết quả có lỗi sai, ví dụ như nhầm lẫn hai con số, và họ sửa các lỗi sai này trong quá trình xác minh dữ liệu”.
Trong dữ liệu của NYT, số phiếu bị trừ đi khớp với số phiếu được thêm vào ban đầu. Ví dụ: khi ông Biden được thêm 330.442 phiếu bầu vào lúc 23h42 ngày 3/11 thì chỉ ít lâu sau, vào lúc 00h12 ngày 4/11, toàn bộ số phiếu này đã bị trừ hết. Điều này có nghĩa là việc thêm và bớt số phiếu không gây ảnh hưởng gì tới kết quả cuối cùng, khi các con số đã được xác minh chính xác.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng với nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong 25 năm qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, góp phần mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cùng ngày, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gửi điện mừng tới Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris.
Nhân dịp này, lãnh đạo cấp cao Việt Nam trân trọng mời tổng thống và phó tổng thống đắc cử Hoa Kỳ thăm Việt Nam vào thời gian sớm nhất.