Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Trưởng Văn phòng Luật sư Cộng Đồng) - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Trong trường hợp trên, việc bạn đi xe máy tham gia giao thông mà chưa có bằng lái là đã vi phạm hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 2, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe, Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này,…
Như vậy, bằng lái xe là điều kiện bắt buộc cho nên không có bằng lái xe máy thì bạn không thể tham gia giao thông.
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới...
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Còn đối với trường hợp bạn đang đi đúng làn đường của mình thì có một chiếc xe máy chạy trước không bật đèn xi nhan khiến bạn không kịp xử lý dẫn đến việc đánh lái và va chạm vào 1 chiếc ô tô đang đậu bên đường, xe ô tô bị hư hỏng cánh xe.
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định như sau: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
Phải có thiệt hại xảy ra: Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
Thiệt hại về vật chất bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Trong trường hợp trên vì chỉ bị hư hỏng về cánh xe ô tô như vậy chỉ có thiệt hại về vật chất.
Phải có hành vi gây thiệt hại: Trong hợp trên là hành vi bạn đánh lái và va chạm vào một chiếc ô tô đang đậu bên đường.
Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi: Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi và ngược lại hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Nội dung này rất rõ ràng là do sự va chạm của xe bạn dẫn đến cánh của xe ô tô bị hư hỏng, gây thiệt hại về vật chất cho chiếc xe ô tô đang đỗ trên đường.
Như vậy trong trường hợp của bạn đã đầy đủ các yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất cho chủ phương tiện ô tô trên.