Thủ tục khi đính chính thông tin giấy đăng ký kết hôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Văn Khánh (Hà Nội) hỏi: Tôi kết hôn năm 2008, nhưng tại thời điểm đó tôi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn (17 tuổi), nên tôi đã cố ý khai gian là 19 tuổi để được đăng ký kết hôn. Nay, tôi muốn làm thủ tục để đính chính lại giấy đăng ký kết hôn. Vậy xin hỏi trong trường hợp này, tôi cần phải thực hiện thủ tục và cung cấp những giấy tờ gì để có thể đính chính giấy đăng ký kết hôn của tôi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Trưởng VP Luật sư Cộng Đồng) - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014, giấy đăng ký kết hôn hay còn gọi là giấy chứng nhận kết hôn và được định nghĩa như sau: Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn; nội dung Giấy chứng nhận kết hôn bao gồm các thông tin cơ bản quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.

Theo đó, giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây: Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ; ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn; chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.

Như vậy, thông tin về ngày tháng năm sinh là thông tin bắt buộc thể hiện trên Giấy chứng nhận kết hôn.

Trong trường hợp của bạn đã cố tình cung cấp thông tin không đúng về độ tuổi để được đăng ký kết hôn, trong trường hợp này bạn đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật Hộ tịch 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; làm hoặc sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ của người khác để đăng ký hộ tịch.

Như vậy, bạn có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn với mức xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật trên khi đi đăng ký kết hôn.

Khi thông tin này trên Giấy chứng nhận kết hôn bị sai thì bạn có thể làm thủ tục cải chính hộ tịch theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014: Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch. Việc cải chính hộ tịch chỉ được thực hiện nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định điều kiện để chỉnh sửa thông tin cá nhân trong bản chính giấy đăng ký kết hôn như sau: Chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Như vậy, trong trường hợp trên thì đây là sai sót do lỗi của bạn khi cung cấp thông tin sai để đăng ký kết hôn.

Để được đính chính thông tin về độ tuổi, năm sinh trên Giấy chứng nhận kết hôn, bạn cần đến UBND cấp huyện để thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 7 Luật Hộ tịch 2014.

Thủ tục cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch 2014 như sau: Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Đối với trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 3 ngày làm việc.

Tiếp đó, trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là cơ quan đại diện thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

Đọc thêm