TAND tối cao: Thống nhất áp dụng việc chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khi giải quyết một số vụ án tranh chấp việc chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách, một số Tòa án còn có cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. Vì vậy, TAND tối cao đã công bố án lệ về vấn đề này để áp dụng thống nhất trong hệ thống TAND.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Án lệ số 70/2023/AL1 được lựa chọn dựa trên Quyết định giám đốc thẩm số 06/2022/LĐ-GĐT ngày 26/9/2022 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án lao động “Tranh chấp đơn phương chấm dứt HĐLĐ” giữa nguyên đơn là ông Vương Quốc A với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn K Việt Nam được HĐTP TAND tối cao lựa chọn và Chánh án TAND tối cao công bố cuối năm 2023.

Tóm tắt tình huống tranh chấp:

Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn ông Vương Quốc A trình bày: Ông được Công ty TNHH K Việt Nam (Công ty K) nhận vào làm việc từ tháng 3/2015, thử việc 01 tháng, sau đó giao kết HĐLĐ thời hạn 12 tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng, Công ty K gia hạn đến ngày 25/11/2016.

Trong quá trình làm việc, ông A hoàn thành nhiệm vụ, không bị xử lý kỷ luật. Ngày 25/11/2016, Công ty K giao cho ông Quyết định số 05/2016/QĐNV-KD chấm dứt HĐLĐ với lý do hết hạn HĐLĐ, lúc này ông đang là Chủ tịch Công đoàn cơ sở của Công ty.

Nhận thấy Công ty K chấm dứt HĐLĐ với ông không đúng nên ông khởi kiện yêu cầu Công ty nhận ông trở lại làm việc, thanh toán tiền lương và bồi thường các khoản tổng cộng 327.690.406 đồng.

Người đại diện phía bị đơn trình bày: Công ty K có ký HĐLĐ như ông A trình bày. Trước khi HĐLĐ hết hạn ngày 24/3/2016, Công ty ban hành Quyết định số 03/2016/QĐNV-KD không tái ký HĐLĐ với ông A. Công ty gia hạn HĐLĐ với ông A từ ngày 26/4/2016 đến ngày 25/11/2016 (hết nhiệm kỳ BCH Công đoàn). Ngày 24/10/2016, Công ty tiếp tục ban hành Quyết định không tái ký HĐLĐ với ông A, gửi cho ông A và Công đoàn Khu công nghiệp B.

Sau đó, Công ty biết được BCH Công đoàn cơ sở tiến hành Đại hội và bầu ông A làm Chủ tịch Công đoàn. Công ty gửi văn bản đến Công đoàn Khu công nghiệp B về việc chấm dứt HĐLĐ với ông A nhưng không được chấp nhận. Công ty K tiếp tục gửi văn bản đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai được hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Do Công ty K chấm dứt HĐLĐ với ông A đúng quy định nên không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của ông A.

Quyết định của Tòa án các cấp:

Tại Bản án sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 21/11/2019, TAND thành phố Biên Hòa quyết định (tóm tắt): Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vương Quốc A về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt HĐLĐ” với Công ty TNHH K Việt Nam.

Tại Bản án phúc thẩm số 19/2020/LĐ-PT ngày 30/7/2020, TAND tỉnh Đồng Nai quyết định (tóm tắt): Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Vương Quốc A, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm. Buộc Công ty TNHH K Việt Nam phải trả tiền lương trong thời gian ông Vương Quốc A không được làm việc từ ngày 25/11/2016 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm 21/11/2019 là 35 tháng 18 ngày (5.733.000 đồng/tháng x 35 tháng + 5.733.000 đồng/tháng : 26 ngày x 18 ngày) = 204.624.000 đồng.

Bồi thường 02 tháng tiền lương do Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ = 11.466.000 đồng. Tổng cộng: 216.090.000 đồng. Công ty TNHH K Việt Nam phải truy đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho ông Vương Quốc A đầy đủ từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2019, mức lương làm căn cứ đóng là 5.733.000 đồng/tháng.

Tại Quyết định số 01/2022/KN-LĐ ngày 22/4/2022, Chánh án TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị Bản án lao động phúc thẩm nêu trên. Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 19/2020/LĐ-PT ngày 30/7/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 21/11/2019 của TAND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Căn cứ Điều 337, Điều 343 và Điều 349 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng Giám đốc thẩm quyết định: Chấp nhận Kháng nghị số 01/2022/KN-LĐ ngày 22/4/2022 của Chánh án TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hủy Bản án phúc thẩm số 19/2020/LĐ-PT ngày 30/7/2020 của TAND tỉnh Đồng Nai, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 21/11/2019 của TAND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Nhận định của Tòa án trở thành án lệ:

“[3] Tại thời điểm ngày 24/10/2016, khi Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tiến hành Đại hội thì HĐLĐ của ông A chỉ còn thời hạn 01 tháng, nhưng ông A và Công đoàn Khu công nghiệp vẫn đưa ông A vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để bầu là không phù hợp... Do đó, việc ông A trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty K nhiệm kỳ 2016-2021 và được Công đoàn Khu công nghiệp ban hành Quyết định số 138/QĐCN-CĐKCN ngày 27/10/2016 công nhận là không hợp lệ về tiêu chuẩn người ứng cử, người trúng cử.

[4] Sau khi hết thời hạn gia hạn HĐLĐ, Công ty K ban hành Quyết định số 05/2016/QĐNV-KD ngày 25/11/2016 chấm dứt HĐLĐ với ông A là đúng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Do đó, việc ông A khởi kiện cho rằng việc Công ty K ban hành Quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông trái pháp luật là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là không đúng quy định của pháp luật.”

Như vậy, tình huống án lệ là: Người lao động và người sử dụng lao động ký kết HĐLĐ xác định thời hạn. Trong thời hạn hợp đồng, người lao động trúng cử Chủ tịch Ban Chấp hành công đoàn cơ sở nhưng việc ứng cử và trúng cử là không hợp lệ. Hết thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với người lao động. Do đó, giải pháp pháp lý được đưa ra cho trường hợp này là: Tòa án phải xác định người sử dụng lao động chấm dứt HĐLĐ với người lao động là đúng.

Đọc thêm