Nói dối vợ để… vào chiến trường
Chúng tôi tìm đến nhà Trung tướng Phạm Xuân Thệ giữa ngày hè oi bức. Mở cửa cho chúng tôi là bà Nguyễn Thị Dung, phu nhân của tướng Thệ. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Trên gương mặt phúc hậu của bà, những nét đẹp thanh cao vẫn còn hiện rõ.
Theo lời kể của tướng Thệ, cuối năm 1972, khi chỉ huy chiến đấu tại chiến trường Hải Lăng (Quảng Trị) cùng đồng đội, ông bị trúng đạn vào bắp chân và sau gáy phải về hậu phương điều trị. Sau thời gian nằm dưỡng thương ở Viện 5 của Quân khi 3 (Ninh Bình), Phạm Xuân Thệ được Đoàn điều dưỡng 296 cho về nghỉ phép một tháng.
Về nhà được vài hôm, cha mẹ tướng Thệ giục ông lấy vợ. Họ sợ họ sẽ lại mất ông như mất đứa con cả (anh trai tướng Thệ đã hy sinh). “Khi đó, tôi chưa muốn lấy vợ vì không muốn thêm người phải chờ đợi mình bởi hết phép sẽ tiếp tục vào chiến trường chiến đấu”, Tướng Thệ chia sẻ.
Ngày nào cha mẹ tướng Thệ cũng động viên lại nhìn cảnh mẹ già yếu, các em quá nhỏ, một mình cha vất vả lo toan cả nhà, ông cũng xuôi lòng.
Như “duyên trời định”, lần đầu tiên gặp Dung, cô gái cha mẹ ông chọn cho mình, ông không khỏi xiêu lòng. Ở cô gái ấy toát lên vẻ đẹp thùy mị, nết na của một thôn nữ. Càng nói chuyện với Dung, chàng trai Phạm Xuân Thệ càng bị cuốn hút. Ngày nào không gặp, không nói chuyện với nhau, ông bứt dứt, bồn chồn… Vài ngày sau khi gặp nhau, ông chính thức ngỏ lời. Đám cưới nhanh chóng được diễn ra trong sự chúc phúc của họ hàng, người thân.
Dù rất quyến luyến vợ, thế nhưng chỉ 10 ngày sau đám cưới, ông trở về Đoàn an dưỡng để xin được trở lại đơn vị. Bị từ chối, tướng Thệ tìm cách trở lại đơn vị cũ để mong được lại chiến trường, tiếp tục sát cánh cùng đồng đội, chiến đấu giải phóng đất nước. Để được trở lại đơn vị, ông phải nói dối người vợ trẻ cùng cha mẹ là vào đơn vị lấy giấy tờ làm thủ tục chuẩn bị phục viên.
“Tôi là trung tướng, vợ tôi là thượng tướng”
“Gần hai năm “trốn” nhà đi chiến đấu, tôi chẳng tin tức gì về cho gia đình. Ngay cả khi đi không phải chiến đấu, học ở Đà Lạt, tôi cũng không viết thư về, vậy mà vợ tôi vẫn tần tảo, chăm lo cho bố mẹ, con cái đầy đủ. Có thể nói, tôi có được ngày hôm nay là nhờ vào vợ tôi”, tướng Thệ nhấn mạnh.
Ông bảo, mọi việc gánh vác, lo toan trong gia đình, nuôi dạy con cái, một tay bà Dung làm hết. Năm 1980, ông được cử đi học ở Liên Xô, nhà không có tiền, bà Dung phải bán cả của hồi môn của mình, gom góp tiền nong cho ông đi học. Đến khi bốc mộ cho mẹ chồng, không còn gì để bán, không vay mượn chỗ khác được, bà Dung phải bán con lợn đang nuôi dở , tài sản giá trị nhất của gia đình khi đó để góp tiền cùng anh em.
“Ngày ấy khổ lắm”, bà Dung nhấn mạnh. Khổ là vậy nhưng chưa khi nào bà than vãn với chồng nửa lời. Bà sợ ông phải lo lắng, ảnh hưởng đến công việc, sự nghiệp. “Có lần hai đứa lớn bị lên sởi, không có người trông, nhà cạn tiền, tôi phải khóa cửa, nhốt chúng trong nhà. Hay những khi đi chợ bán hàng với một bên là con, một bên là hoa quả”, bà Dung tâm sự.
Thế nên, mỗi khi được thăng cấp, bạn bè đến nhà chúc mừng tướng Thệ, ông đều bảo mình vẫn dưới vợ một bậc. Thậm chí khi đại gia đình quây quần bên nhau, ông vẫn thường bảo với các con của mình "cha và các con có được ngày hôm nay là nhờ mẹ các con đấy". Bởi nếu không có sự hy sinh thầm lặng của bà, ông sẽ không có được những chiến công hiển hách, được người đời biết đến và các con ông cũng không được học hành tử tế, trở thành những người có ích cho xã hội./.