Bức tranh duy nhất

(PLVN) - Truyện ngắn của Trần Việt Quỳnh
Ảnh minh họa: Internet.

Chuyện động trời đang xảy ra trong xóm Bãi. Một chiếc xe con bóng lộn với màu xanh trang nhã đang ì ạch bò đi trên con đường nhão nhoét và nhỏ hẹp, kéo theo sau là một lũ trẻ con hiếu động. Mỗi khi bánh xe chẹt qua một cái vũng thì thứ nước đặc trưng của sự luôn luôn lầy lội lại bắn lên tung toé khiến lũ trẻ vừa thích chí nhảy tránh vừa reo hò inh ỏi. Chúng vô tư nên đâu biết rằng người chủ của chiếc xe sang trọng kia, có thể đang thầm than trời bởi màu sơn xanh trang nhã sắp biến thành màu đỏ đất. Những người lớn của xóm Bãi không gào lên như bọn trẻ. Họ đang tụ lại với nhau, thì thầm to nhỏ và nghiêng những cái đầu tò mò, cố nhìn xem người chủ nhân không biết tiếc của ấy là ai. Và, họ sắp được thoả mãn trí tưởng tượng của mình. Đến một đoạn ngõ không thể gắng đi được nữa, chiếc xe dừng lại, cửa xe từ từ mở ra.

Xuất hiện trước tiên là đôi chân thon dài, trắng muốt, tiếp đó đến bộ juýp màu đen sang trọng rồi sau cùng là một khuôn mặt rất đẹp nhưng không thật bởi sự trợ giúp của quá nhiều son phấn. “Hà “híp pi”, ai đó kêu lên kinh ngạc. Rồi quanh chỗ chiếc ô tô đỗ, một đám đông tay bắt mặt mừng...

Ngay từ đầu, Hiền vẫn ngồi yên trong nhà, cạnh cái bàn nước, dạy thằng Sơn học. Mấy lần, thằng Sơn với bản tính hiếu kỳ của trẻ thơ, đòi ra ngoài đều bị Hiền ngăn lại. Hiền là vậy, anh luôn lạc loài trước tất cả những việc xảy ra ở xóm Bãi này và anh muốn thằng Sơn cũng thế. Nhưng khi nghe mấy từ “Hà híp pi”, Hiền sửng sốt bật dậy như theo phản xạ. Anh vội dắt tay thằng Sơn, xăm xăm bước ra ngoài ngõ. Hà cũng đã thoát khỏi đám đông, đi cạnh cô lúc này có một người ngoại quốc khá lớn tuổi. Hai bên đối diện nhau. Thằng Sơn kêu lạc giọng “Chị Hà!”. Bàn tay bé nhỏ của nó rời khỏi tay Hiền. Nó nhào vào lòng Hà, khuôn mặt đã đầm đìa nước mắt “Sao chị đi lâu thế?”. Hà cũng khóc rưng rức, vòng tay cô siết chặt lấy thằng em bé nhỏ, như là sợ mất nó. Người ngoại quốc cúi xuống ôm vai Hà, xì xồ gì đó kiểu như an ủi.

Phía này, Hiền đứng sững người, anh đang đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Người ngoại quốc kia chính là người mấy hôm trước đã đến tận nhà xem tranh của anh. Rất nhiều bức tranh của Hiền đã hoàn thành nhưng ông ta không hề để ý đến. Ông ta chỉ nhất định đòi mua bức tranh còn phủ vải với giá năm ngàn đô. Thậm chí không cần biết bức tranh vẽ gì. Và tất nhiên, Hiền từ chối, dù số tiền rất lớn. Bản chất của người nghệ sĩ chân chính là thế. Hiền chưa bao giờ và sẽ không bao giờ bán tranh cho một người không có mục đích rõ ràng. Không ngờ người khách mua tranh kỳ lạ ấy lại là bạn của Hà. Cũng phải thôi, một vũ nữ nổi tiếng trong giới ăn chơi, đến mức được mệnh danh là Hà “híp pi”, thì một ông Tây thật lắm tiền mới xứng đáng để cùng sánh bước.

Hiền chợt trở về thực tại khi giọng nói của Hà vang sát bên tai “Em đưa bé Sơn đi thăm mộ bố em”. Hà bồng bé Sơn trên tay, sánh vai người ngoại quốc đi ra khỏi ngõ, bỏ lại một mình Hiền ngơ ngác trông theo. Hiền chợt bật cười. Tuy bé Sơn được anh nuôi dạy mấy năm trời, nhưng nó vẫn là em của Hà, anh có quyền gì đâu...

Lúc này, Hiền đang đứng trên cầu, phóng tầm mắt ra khoảng không bao la trước mặt. Những chiếc thuyền nhỏ lờ lững xuôi dòng. Những bãi mía, bãi ngô non xanh mướt mát. Bao giờ cũng vậy. Mỗi khi có gì ưu tư trong lòng, Hiền thường đến đây, giữa không gian tĩnh lặng để tìm cho mình sự thanh thản. Nhưng hôm nay, càng nhìn xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy dưới kia, Hiền càng thấy đầu óc mình quay cuồng hơn. Anh không còn tỉnh táo để phân biệt hai người con gái đang hiển hiện trong tâm trí mình, đâu là Hà “hippi” và đâu là Hà của mấy năm về trước nữa.

Chính ở nơi này, mỗi lần trốn tránh cơn say của người cha nghiện rượu, Hà lại rủ anh ra. Ngày ấy, cô bé Hà không son phấn lụa là mà vẫn đẹp, một vẻ đẹp dịu hiền, thánh thiện biết bao. Hiền như thấy Hà ngồi đấy, mái tóc mượt mà xõa xuống ngang vai, đôi mắt tuyệt đẹp ngân ngấn nước và thì thầm với anh về ước mơ của cô. Một chân trời mới với cuộc sống mà người cha không còn nghiện rượu, biết lo lắng cho hai đứa con; không còn cái xóm Bãi lầy lội cả con đường lẫn hồn người.

Hiền đã thực sự xúc động khi nghe những điều ấy. Thật bình dị nhưng có thấu hiểu xóm Bãi mới thấy ước mơ ấy quý giá biết bao. Nơi này, khi các cô bé sắp sửa thành thiếu nữ, những người chị đi trước đã trang bị cho mớ kiến thức rằng phải trang điểm ra sao, hành động thế nào lúc đứng ở một gốc cây hay góc tối ven đường.

Hiền biết rằng không phải ai cũng dám có ý nghĩ vượt thoát như thế. Và điều ấy lại càng khó khăn hơn khi mẹ của Hà trước lúc mất, là một người đàn bà nổi tiếng trong nghề của mình. Không còn mẹ Hà nữa nhưng những người đàn ông vẫn thường xuyên lui tới. Họ nói với nhau rằng Hà là phiên bản hoàn mỹ của mẹ, và còn hơn mẹ ở sức thanh xuân tràn căng lồng ngực. Cuộc sống của Hà từ lúc ấy bị đặt trước nanh vuốt của bóng đen sa ngã. Hà bơ vơ, không chỗ dựa ngay trong căn nhà của mình, bởi bố của cô ngoài rượu ra thì chẳng cần biết đến điều gì khác. Ông đã luôn trong tình trạng say sưa như thế từ lâu lắm rồi.

Hình như từ lúc người vợ xinh đẹp của ông trách ông không biết kiếm tiền và bắt đầu đi cùng những người đàn ông khác. Rồi cán cân quyền lực trong gia đình nghiêng về phía người vợ, cũng như sự thay đổi mức sống và các vật dụng trong nhà, những thứ mà mức lương công nhân của người cha không thể làm ra nổi. Bố Hà lui về cái góc của mình, chìm đắm trong men rượu. Ngay cả khi người vợ mất đi, ông cũng không còn sức để đứng dậy nữa. Việc duy nhất sau này ông có thể làm là chửi mắng Hà, trong những cơn say cuồng nộ, hay đúng hơn là chửi mắng hình bóng người vợ quá cố, trong cái thể xác là Hà...

Thời thiếu nữ của Hà cứ trải dài trong những chuỗi ngày như vậy. Và Hiền không hề ngạc nhiên vào cái ngày Hà quyết định ra đi. Cô ghé qua chào cùng lời nhắn gửi Hiền trông nom thằng Sơn, giữ nó không sa vào vùng xoáy đen của xóm Bãi. Lúc ấy, Hiền không biết mình nên buồn hay nên vui. Hai người chưa hề nói với nhau lời yêu nhưng tình cảm dành cho nhau đã hết sức sâu nặng. Không có Hà chắc chắn Hiền sẽ buồn. Nhưng Hiền không có quyền giữ Hà ra đi tìm lối thoát. Vả lại, ngay cả lối thoát cho riêng mình, Hiền cũng đã thấy đâu.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng vẫn gắng học hành đến nơi đến chốn, Hiền như một vật thể lạc lõng giữa xóm Bãi. Cái trí thức trong con người anh đau đớn trước những số phận tàn tạ, nhưng cũng chỉ dừng lại như thế thôi. Hiền chỉ là gã trí thức nghèo, vì thế không đủ sức thay đổi bất cứ điều gì. Khi Hà ra đi, anh càng thu mình lại. Anh dạy dỗ, chăm sóc thằng Sơn, cố gắng để nó không phải quá buồn vì thiếu vắng những người ruột thịt. Ngoài những lúc đó, anh chỉ còn biết dồn tâm lực vào các gam màu trong tranh của mình, những bức tranh luôn cố gắng hướng đến cái đẹp. Oái ăm thay, cái đẹp có thể đầy rẫy ở chỗ này nhưng lại thiếu thốn ở chỗ khác.

Và rồi Hà ra đi...

- Em biết là sẽ tìm được anh ở đây mà!

Hiền quay người lại, Hà đã đứng sau lưng anh tự lúc nào. Vẫn là Hà đấy nhưng bây giờ xa cách làm sao! Hiền lại ngoảnh mặt nhìn xuống dòng sông, giọng anh như từ một nơi xa xôi vọng lại:

- Em vẫn còn nhớ nơi đây. Nhưng em có còn nhớ mong ước ngày xưa không?

Hà không trả lời vào câu hỏi, giọng cô thoảng như làn gió:

`- Em về đây là để cảm ơn anh đã lo tang ma chu đáo cho bố em, lại dạy dỗ thằng Sơn ngoan ngoãn nên người. Và em cũng muốn trong đám cưới của em ngày mai, anh là người khách danh dự.

Một lần nữa, Hiền quay lại. Anh bắt gặp ánh mắt Hà nhìn anh có vẻ gì như của người có lỗi. Khuôn miệng Hiền chợt thoáng một nét cười nhợt nhạt. Anh và Hà làm gì đã có sự ràng buộc nào để cô phải tự thấy có lỗi. Cũng như ít thời gian trước, lần đầu tiên nghe tin về cô, cũng là cái tin cô đã trở thành một vũ nữ nức tiếng miền Nam. Khi ấy, lòng như xát muối nhưng Hiền vẫn chỉ biết đau thầm. Cô ra đi và anh không dám giữ cô lại. Vậy thì cô trở thành ai, anh cũng không đủ tư cách để mà đánh giá hay phán xét. Giờ, cô trở về bên một người ngoại quốc, đã đủ tiền tài vật chất để đón thằng Sơn đi. Anh phải mừng mới đúng chứ! Hiền ngạc nhiên khi thấy mình không có cảm giác tức giận cũng như đau xót, hình như mọi cái đều đã nguội lạnh trong anh. Giọng Hiền chợt đanh lại:

- Cảm ơn lời mời của em. Anh sẽ đến!

Hà cảm thấy ngạc nhiên trước thái độ của Hiền. Mất một lúc bối rối, cô mới tiếp lời:

- Lúc nãy anh có hỏi em còn nhớ mơ ước ngày xưa ở nơi này không? Em còn nhớ và em nghĩ rằng em đã thực hiện được nó phần nào đấy chứ? ít ra, bây giờ em cũng đủ sức giúp anh mở một phòng tranh, như ngày ấy anh từng muốn.

Hiền bật cười, không phải nụ cười mà là cái nhệch môi của nỗi đoạn trường:

- Em còn quên rằng phòng tranh đó phải được mở cho một thứ nghệ thuật chân chính, không cần lăng-xê, phóng đại. Hữu xạ tự nhiên hương mà em. Vả lại, ước mơ về sự vượt thoát phải được bắt nguồn từ bản chất của nó.

Hà đủ thông minh để hiểu Hiền muốn nói gì trong mớ ngôn từ cao xa đó. Đôi mắt cô chợt mọng nước:

- Em biết rằng anh coi thường em. Nhưng em có người cha nghiện rượu và người mẹ làm điếm hạng sang, em đâu còn con đường nào khác. Cái em mong muốn bây giờ là thằng Sơn được sung sướng và có thể làm điều gì đó cho anh...

Nước mắt Hà đã lăn dài trên gò má:

- Em cũng biết rằng anh sẽ không chấp nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Đặc biệt lại là của một đứa vũ nữ như em. Chắc anh còn nhớ chồng sắp cưới của em đã từng đến gặp anh đòi mua tranh?- giọng Hà dường như nghẹn lại- Em vẫn nhớ lúc mình chia tay nhau, anh từng hứa sẽ vẽ tặng em một bức tranh thật đẹp, sẽ phủ vải để chờ đến lúc em về. Nên em yêu cầu chồng sắp cưới tìm cách mua bằng được bức tranh đó. Bởi em nghĩ mình không thể và không dám nhận món quà đó từ anh. Và khi anh từ chối, em đã hiểu cái nghệ sĩ chân chính trong anh không bao giờ thay đổi. Em kính trọng điều ấy. Nhưng nói đến sự vượt thoát, cũng phải có một cội rễ vững chắc, anh à!

Hà đưa tay quệt ngang dòng nước mắt, cô chợt trở nên ráo hoảnh:

- Ngày xưa và đến bây giờ, em vẫn rất yêu anh. Nhưng em không còn xứng đáng với anh nữa. Và nếu mình bên nhau, anh cũng không thể cung phụng đủ cho những nhu cầu của em, con Hà “híp pi” khét tiếng ăn chơi sành điệu. Em xin lỗi...

Bỏ lửng câu nói, Hà xoay người bỏ chạy, dáng cô xiêu xiêu in bóng xuống mặt cầu. Hiền lững thững bước về nhà, đầu óc anh trống rỗng. Căn nhà quen thuộc là thế mà bây giờ sao trống trải. Hiền lặng lẽ lại gần bức tranh còn phủ kín trên giá, nhẹ nhàng nhấc tấm vải ra. Hà đoán đúng. Người con gái trong tranh chính là Hà đấy! Cô bé ấy chỉ được vẽ bởi hai màu đen trắng mà vẫn đẹp kiêu sa, lấp lánh sắc màu. Và đôi mắt, đôi mắt mở to, trong veo, sâu thăm thẳm như ẩn chứa cả một ước vọng được vươn lên phía trước, vượt thoát khỏi số phận... Còn Hà bây giờ thì sao? Hà “híp pi” vẫn tuyệt đẹp, nhưng trong ánh nhìn của Hà “híp pi” đã không còn cái khao khát ấy nữa. Ánh mắt trong đã thành mờ mịt, lụi tàn hết cả ước mơ.

Nhìn Hà trong tranh, Hiền bỗng thấy mình tỉnh táo nhiều. Một chân lý giản đơn đang hiện về, dần dần sáng rõ trong anh. Chỉ có người nghệ sĩ chân chính mới lưu lại được cái vẻ đẹp vĩnh cửu, ngay cả khi nó không còn hiện hữu.

Hiền cầm chiếc bút vẽ, nhúng vào hộp màu nước màu đỏ rồi nhanh tay thảo vào góc dưới của bức tranh: “Vẻ đẹp này không một thứ vật chất nào mua nổi”.