(PLO) - Dự án 30a về xây dựng mô hình chăn nuôi ở xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ với tổng dự toán không lớn, chỉ gần một trăm triệu đồng. Nhưng điều đáng nói là nó lại được lãnh đạo xã này tổ chức gắp phiếu và phân bổ cho cán bộ trong khi người nghèo lại dài cổ chờ những đồng tiền ít ỏi từ dự án.
Dân được, chả nhẽ cán bộ không được?
Sau nhiều ngày tìm hiểu việc thực hiện một số Dự án 30a ở xã Minh Đài chúng tôi thấy có rất nhiều điều không hợp lý và thiếu minh bạch tại địa phương này. Một trăm phần trăm các hộ được nhận mô hình chăn nuôi của Dự án 30a là cán bộ xã. Sau khi xác minh được danh sách những cán bộ và người thân đang hưởng lợi từ dự án trên, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Thân – Chủ tịch UBND xã Minh Đài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thân thừa nhận những hộ đang được hưởng mô hình chăn nuôi của Dự án 30a (mô hình gà 9 cựa – 180 con, mô hình nuôi kỳ đà – 30 con và mô hình gà sinh học - 1500 con ) một trăm phần trăm là lãnh đạo xã và người thân nhà ông. Giải thích cho điều trên, ông Thân nói: “Đây là một dự án có ít và khó thực hiện nên quan điểm của chúng tôi là không phân bổ ra khu dân cư và ưu tiên cán bộ làm... Dân được thì chẳng lẽ cán bộ không được à? Cán bộ cũng là dân và dân cũng là cán bộ”
Ngay khi có dự án về, lãnh đạo xã đã không đưa ra họp công khai với dân để người dân tiến hành bình xét những hộ có điều kiện nhận nuôi và phổ biến mô hình. Thay vào đó thì cán bộ xã đã tổ chức gắp phiếu trong nội bộ đối với mô hình gà 9 cựa và chỉ định người nuôi với mô hình kỳ đà. Khi được hỏi vì sao không minh bạch thông tin dự án thì ông Chủ tịch trả lời: “Tôi có bổ được ra đâu và biết chia thế nào....”.
|
Gần một nửa số kỳ đà của cán bộ xã Minh Đài đã chết hoặc sổng chuồng ra ngoài. |
Việc tự ý làm trái chỉ đạo của huyện về thực hiện dự án mô hình chăn nuôi trên đã khiến mô hình chăn nuôi đang bị thất bại. Trái với những trả lời của ông Thân về sự thành công của hai mô hình, qua tìm hiểu, phóng viên nhận thấy số gà 9 cựa và kỳ đà giao cho cán bộ xã nuôi đã chết và bị sổng chuồng mất đến trên một nửa. Điều đáng nói ở đây là một số hộ cán bộ xã không có điều kiện để nuôi cũng nhận để rồi đem cho và nuôi nhờ nhà khác.
Trong lúc đó thì có rất nhiều hộ dân có điều kiện chăn nuôi và nằm trong nhóm đối tượng của dự án trên lại không được nhận và cũng chẳng hề hay biết. Không phải chỉ có hai mô hình dự án trên mà ngay cả mô hình nuôi gà sinh học 1500 con (giống cấp không và hỗ trợ một phần thức ăn) chẳng hiểu vì lý do gì mà những người được nhận nuôi lại rơi vào anh em nhà Chủ tịch xã.
Sẽ thu hồi nếu dự án cấp không đúng đối tượng
Để xác minh những việc làm trên của lãnh đạo xã Minh Đài là đúng hay sai chủ trương của huyện Tân Sơn, PLVN đã có cuộc trao đổi với bà Hồ Thị Phương Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Quốc Việt – Trưởng phòng Nông nghiệp.
Qua trao đổi, chúng tôi được biết: “ Hai dự án gà 9 cựa và kỳ đà ở xã Minh Đài là mô hình dự án 30a, có tổng dự toán là 84.750.000 đồng. Đây là dự án hỗ trợ cho những gia đình có hộ khẩu trên địa bàn xã, ưu tiên những gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ có điều kiện để chăn nuôi. Ngay từ khi triển khai dự án thì huyện đã có văn bản gửi các xã về quy trình thực hiện và đối tượng của mô hình. Quá trình thực hiện phải được dân chủ, công khai, đúng đối tượng.
Như vậy thì lãnh đạo xã không được phép chỉ định, phải đưa dự án về khu dân cư để người dân tiến hành bình xét các hộ đủ điều kiện nhận nuôi và phải có biên bản bình xét thì chúng tôi mới cấp giống. Việc xã không đưa dự án ra khu dân cư, tiến hành gắp phiếu và chỉ định cán bộ xã thực hiện mô hình dự án là hoàn toàn sai. Chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại, nếu xã cấp sai đối tượng thì sẽ cho thu hồi lại để cấp đúng đối tượng”.
Qua đây thì đúng, sai đã quá rõ ràng. Thiết nghĩ, với cách làm thiếu minh bạch của Lãnh đạo UBND xã Minh Đài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, làm trái chỉ đạo của UBND huyện cần phải được xử lý nghiêm túc để đảm bảo sự công bằng xã hội.
Chúng tôi cũng cần nói thêm, ngoài việc làm sai nói trên, qua tìm hiểu phóng viên cũng phát hiện ra nhiều việc làm không đúng của lãnh đạo xã như việc nhận số tiền hỗ trợ 110 triệu đồng của Công ty Chè Khánh Linh không qua Kho bạc và việc cấp tiền xóa nhà tạm sai đối tượng. Những sự việc này chỉ được phát giác khi có đơn thư của người dân và đã được các cơ quan chức năng kết luận.