Bức xúc khi nữ giới bị cấm tham gia việc mổ tử thi

Rất bức xúc về quy định không được sử dụng lao động nữ trong công việc mổ tử thi, đồng nghĩa với việc năng lực của nhiều giám định viên pháp y nữ sẽ không được trọng dụng, gây thiệt thòi cho hoạt động giám định tư pháp phục vụ tố tụng, TS Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia trực thuộc Bộ Y tế đã nói thẳng như vậy. 
Nữ giới không được mổ tử thi?
Nữ giới không được mổ tử thi?
Tréo ngoe chuyên môn để phụng sự công lý lại bị cấm
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, TS Vũ Dương cho biết ngay sau khi Thông tư 26 được ban hành, lãnh đạo Viện Pháp y quốc gia đã có ý kiến với lãnh đạo Bộ Y tế và Cục Quản lý khám chữa bệnh, thể hiện quan điểm cấm như thế không phù hợp với thực tế hoạt động giám định pháp y hiện nay, khi nhân lực vẫn còn rất thiếu mà các vụ trọng án lại ngày càng tăng cao về số lượng và mức độ nghiêm trọng, tinh vi của hành vi phạm tội. Viện Pháp y quốc gia cũng sẽ có công văn kiến nghị chính thức về vấn đề này gửi tới Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH. 
“Chúng tôi cũng biết rằng, việc cấm sử dụng lao động nữ làm công việc mổ tử thi không phải là ý tưởng của ngành LĐTBXH, nó là sự kế thừa những quy định trước đó (mà cụ thể là Thông tư 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT) của cả hai ngành. Nhưng điều khiến chúng tôi rất bức xúc là khi xây dựng Thông tư, kể cả Thông tư  40 và Thông tư 26, tuy là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp nhưng chúng tôi không hề được bất cứ ngành nào tham khảo, lấy ý kiến đóng góp”, TS Vũ Dương bức xúc. 
TS Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia
 TS Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia 
Theo ông Vũ Dương, trong hoạt động giám định pháp y, mổ tử thi là một chuyên môn chứ không đơn thuần là nghề hay công việc. Hoạt động giám định pháp y có rất nhiều chuyên môn riêng biệt như giám định thương tật, giám định hóa pháp (độc chất), giám định sinh học, giám định tài liệu…, trong đó bao gồm cả việc mổ xẻ tử thi. 
Truy tìm sự thật, phụng sự công lý đó là tôn chỉ mục đích mà hoạt động giám định pháp y hướng tới. Tuy nhiên, vì những đặc thù của công việc và sự chưa thấu hiểu hết của xã hội nên đội ngũ giám định viên pháp y luôn đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là những người giỏi. 
“Cả nước hiện có 6 giám định viên nữ và toàn là những người giỏi, yêu công việc, với quy định cấm như vậy, thật sự là một tổn thất lớn cho chúng tôi nói riêng cũng như ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng nói chung”, ông Vũ Dương cho biết. 
Cũng theo TS Vũ Dương, trên thế giới chưa hề có quy định cấm phụ nữ mổ tử thi trong giám định pháp y. Và cũng có rất nhiều giám định viên pháp y giỏi là nữ trên thế giới, như Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Thái Lan là một ví dụ. “Chuyên môn để phụng sự công lý bị cấm, tréo ngoe đã đành, còn nghề nghiệp rồi sự mưu sinh của những người như vậy ai tính đến, khi hầu hết họ đã có cả cuộc đời cống hiến và quá muộn để làm lại từ đầu?”- ông Vũ Dương đặt câu hỏi. 
Ông Bùi Đức Những – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động - cho biết: công việc mổ tử thi đã được đề cập đến từ Thông tư Liên Bộ LĐTBXH và Y tế số 09 năm 1986 và qua nhiều lần lấy ý kiến để  sửa đổi, Bộ Y tế vẫn đề nghị giữ lại quy định này vì theo điều tra của ngành y tế, hiện tại không có nữ lao động làm công việc mổ tử thi cũng như không có bất cứ kiến nghị, thắc mắc gì. 
Ông Nhưỡng khẳng định: “Cần phân biệt rõ giữa nghề và công việc, nếu một người phụ nữ chỉ duy nhất làm một nghề là mổ tử thi thì đương nhiên là không được, nhưng nếu đó chỉ là một phần công việc của họ để phục vụ việc học tập, nghiên cứu và công tác thì không cấm”.
“Trong quá trình xây dựng văn bản, chúng tôi rất hoan nghênh việc tham khảo từ các Bộ, ngành nhưng riêng về vấn đề này không thấy có ý kiến gì. Mặt khác đây cũng là quy định kế thừa văn bản trước đó như đã nói ở trên. Tuy văn bản đã ban hành nhưng chúng tôi vẫn rất mong nhận được sự phản hồi chính thức để xem xét, cân nhắc. Mong rằng chúng tôi sẽ sớm nhận được ý kiến của các bên liên quan đến hoạt động giám định pháp y về vấn đề này” - Phó Cục trưởng Bùi Đức Nhưỡng nhấn mạnh. 

Đọc thêm