Hàng loạt lao động nữ sẽ thất nghiệp vì... được nâng niu

(PLO) - Có cái tên mỹ miều nhất trong lịch sử lập pháp, nhưng “Thông tư nâng niu phụ nữ” ngay từ khi ra đời đã bị phản đối. Nhiều chuyên gia về giới còn cho rằng nội dung thông tư có vẻ tùy tiện mang đầy định kiến.
Theo quy định mới, đây sẽ là công việc "độc quyền" của nam giới.
Theo quy định mới, đây sẽ là công việc "độc quyền" của nam giới.
“Chúng tôi sẽ đói vì được quan tâm”
Thời tiết Hà Nội đang ở những ngày lạnh giá nhất của mùa đông. 1-2 giờ sáng, khi hầu như tất cả thành phố đã chìm trong giấc ngủ với chăn ấm, nệm êm thì ở khu chợ đầu mối Long Biên, nhiều chị em phụ nữ vẫn phải thức đợi những chuyến xe tải chở hàng về để gánh thuê. 
Trời giá rét nhưng mồ hôi vẫn chảy thành dòng trên khuôn mặt chị Nguyễn Thị An (quê Thái Bình). Cầm trong tay hơn trăm nghìn tiền công, chị An cho biết: “Nhà có hai đứa con đang tuổi ăn học, tiền đóng góp liên miên nên hai vợ chồng đành gửi con cho ông bà đi làm ăn xa, chứ ở nhà trông vào mấy sào ruộng sao sống nổi. Thu nhập thất thường, nhưng vẫn hơn ở nhà”.
Không bán sức ở chợ đầu mối Long Biên nhưng công việc của chị Mai Thị Dung (quê Nam Định) cũng vất vả không kém. Mang tiếng lên Hà Nội hành nghề thu mua đồng nát nhưng chị Dung không nề hà bất kỳ việc gì được thuê, từ lau dọn nhà cho tới nạo vét cống, thu dọn xà bần rác thải ở những công trường xây dựng… Chở, vác nặng là việc hàng ngày chị Dung phải làm.
“Tôi ly hôn đã lâu, có hai thằng con trai, một thằng lập gia đình làm ăn xa, một thằng nghiện ngập, tù tội, chẳng thằng nào đỡ đần được mẹ. Nếu tôi không cố làm thì lấy đâu ra tiền lo cho tuổi già đang sầm sập đến của mình. Năm nay tôi đã gần 60 rồi, nhỡ ốm đau nằm đấy cũng phải có tiền thuốc thang, nhờ người chăm cho chứ” – chị Dung ngậm ngùi nói. 
Với những người phụ nữ như chị An, chị Dung, việc họ nghe nói đến hay hiểu về Thông tư 26/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là một điều quá xa xỉ. Chỉ biết rằng khi đã biết Thông tư 26 quy định gì, tất cả họ đều thốt lên: “Thế thì chết chúng tôi à! Không làm lấy gì mà sống! Có ai tin chúng tôi sẽ đói vì được quan tâm không?”.
Nước mắt của những nữ bác sĩ
Một trong những công việc mà Thông tư 26 quy định không được sử dụng lao động nữ đó là việc mổ tử thi. Và quy định này đã lấy đi không ít nước mắt của những nữ bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh và giám định pháp y. 
Có thể nói mổ tử thi là một trong những công việc của hai chuyên ngành này với hai hướng mục đích tuy khác nhau nhưng đều phục vụ cho xã hội và công lý. Giải phẫu bệnh mổ tử thi để tìm ra căn nguyên bệnh lý và phương pháp chữa; còn giám định pháp y mổ tử thi để xác định sự thật, giúp cho quá trình tố tụng chính xác, công lý được đảm bảo. 
Vì tính chất công việc nên nhân lực của hai ngành này luôn hiếm có, khó tìm và những người phụ nữ giỏi chuyên môn thực sự là “tài sản” quý. Theo thống kê của Viện Pháp y quốc gia, hiện trên toàn quốc có 6 nữ giám định viên. Họ đều là những người giỏi nghề, thậm chí có người đang ở cương vị lãnh đạo Trung tâm Pháp y tỉnh. 
Chị Đoàn Thị Thẩm – Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng là người đã có thâm niên 10 năm gắn bó với công việc bằng lòng tận tụy và trách nhiệm cao. Được biết, ở tỉnh Cao Bằng mỗi năm có khoảng 70 vụ mổ tử thi do Trung tâm Pháp y tỉnh thực hiện. Trong đó  số vụ chị  Đoàn Thị Thẩm trực tiếp làm là gần một nửa. 
Cơ quan tố tụng rất tin tưởng vào những kết luận giám định của Giám định viên Đoàn Thị Thẩm nói riêng và của Trung tâm Pháp y tỉnh nói chung. Nếu theo quy định của Thông tư 26, phần công việc kia sẽ chưa biết tìm ai để đảm trách. 
Bác sĩ Hoàng Doãn Đông - Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng băn khoăn: “Cả Trung tâm có 8 cán bộ tham gia trực tiếp mổ tử thi, có 2 nữ - mới có thêm bác sĩ Bế Thị Huyền về Trung tâm công tác từ tháng 8/2013. Nay hai cán bộ nữ không được làm việc thì Trung tâm rất khó khăn. Đối với đàn ông, công việc đã là vất vả, cực nhọc, với các chị thì vất vả, cực nhọc gấp nhiều lần, nhưng các chị đã làm tốt, nay phải chuyển việc thì tiếc vô cùng”. 
Khi Thông tư 26 có hiệu lực, chị Phan Thị Thùy Trang – Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Long An đã nhận được sự “đánh tiếng” từ ngành y tế sở tại về sự “chuyển việc” và chị rất buồn về chuyện đó. Trao đổi với PV, chị Trang cho biết chị đã có gần 20 năm theo nghề, “giám định pháp y là công việc để phụng sự công lý nên nó rất thiêng liêng và cần thiết, tuy nhiên vì nó đặc thù nên ít người theo đuổi, nếu ai theo được rất cần phải tôn vinh. Hơn nữa, đã là giám định viên thì việc mổ tử thi là trách nhiệm công việc, sao lại cấm?”…
Bà Nguyễn Kim Lan, cơ quan Tổ chức Lao động thế giới ILO tại Việt Nam: “Quy định này không hẳn đã đảm bảo tính bình đẳng trong khi lại có thể khiến phụ nữ mất những cơ hội việc làm. Cách tiếp cận bình đẳng nhất là phải nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi người lao động cả nữ và nam. Trừ những công việc đó có ảnh hưởng rõ ràng đến chức năng sinh sản, mang thai và cho con bú, không nên cấm phụ nữ làm một số ngành nghề nặng nhọc trong khả năng của họ” .
 

Đọc thêm