Bước ngoặt quyết định mới ở Trung Đông

(PLVN) - Với tác động trung gian mà chắc chắn có cả thuyết phục lẫn gây áp lực của Mỹ, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã đạt được sự nhất trí về thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau.
Cả Mỹ, Israel và UAE đều được lợi nhiều từ việc UAE và Israel công nhận lẫn nhau.

Ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh cũng như trên thế giới, Israel và UAE đều chỉ là quốc gia nhỏ về diện tích đất đai và dân số. Nhưng việc hai nước này công nhận lẫn nhau lại là sự kiện với ý nghĩa và tác động mạnh mẽ về chính trị khu vực và thế giới.

Cũng chính vì thế mà mới có thể nói rằng việc này là thành công đối ngoại rất quan trọng đối với Mỹ và Israel nói chung, đối với cá nhân tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Cả hai người này hiện đều gặp không ít khó khăn và khó xử về đối nội nên thành tựu đối ngoại này đắc dụng không hề ít đối với họ.

UAE là quốc gia Ả-rập thứ 4 và vương triều đầu tiên ở khu vực vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Trong thế giới Ả-rập vốn có một nguyên tắc bất thành văn được coi như một điều cấm kỵ là không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel, tức là không công nhận Nhà nước Israel chừng nào Israel chưa đồng ý có thoả thuận hoà bình với Palestine. 

Các nước Ả-rập dùng nguyên tắc này để biểu hiện sự đồng thuận trong nội bộ về Israel và tình đoàn kết cũng như sự ủng hộ Palestin cũng như tạo nên hiệu ứng cộng hưởng sức ép đối với Israel để buộc Israel phải đi vào giải pháp chính trị hoà bình và hoà giải với Palestin. Israel bị cô lập trên mọi phương diện ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh trong suốt thời gian dài chính vì thế.

Cũng bởi vậy mà Mỹ và Israel kiên định theo đuổi chiến lược nhất quán là phân hoá nội bộ thế giới Ả-rập và đánh tỉa nhằm vào từng nước Ả-rập riêng rẽ. Càng có thêm nhiều nước Ả rập công nhận nhà nước Israel thì nội bộ thế giới Ả rập bị phân hoá càng thêm sâu sắc vặn ủng hộ cũng như tình đoàn kết của các nước Ả-rập dành cho Palestine trở nên càng thêm lỏng lẻo và rệu rã, giúp Israel tăng được thế trong cuộc xung khắc với Palestine và Israel càng thiếu sự sẵn sàng đi vào giải pháp chính trị hoà bình và hòa giải với Palestine.

Mỹ và Israel đạt được thành công đầu tiên với chiến lược này năm 1979. Năm ấy, Israel và Ai Cập thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Sau đấy, vào năm 1994 và 1999 với vai trò trung gian của tổng thống Mỹ Bill Clinton, Israel lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Jordani và Mauritania.

Năm 2009, Mauritania ngừng quan hệ ngoại giao với Iran để phản đối việc Israel phát động chiến tranh ở dải Gaza. Nhìn lại như thế sẽ thấy được đầy đủ hơn ý nghĩa và tác động to lớn mà không ít người còn coi là lịch sử của việc Israel và UAE nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau.

Tình hình chính trị an ninh và cục diện quan hệ giữa các nước ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh có được bước ngoặt quyết định mới với thỏa thuận vừa đây giữa Israel và UAE. Israel đã phá đổ thêm một mảng tường mới trong bức tường mà các nước Ả-rập đã dựng nên để cô lập Israel và ủng hộ Palestine.

Lo ngại chung về khả năng không còn có thể hình thành nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền và lãnh thổ trong tương lai ngày càng thêm xác đáng. Sau UAE rồi sẽ sớm hay muộn cũng sẽ có thêm quốc gia Ả-rập khác nữa đi theo lối đường của Ai cập, Jordani, Mauritania và UAE. Sự chuyển biến theo chiều hướng ấy sẽ có bước ngoặt quyết định mới khi Ả-rập Xê-út và Israel cũng nhất trí công nhận lẫn nhau.

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tiếp tục mất dần tính thời sự về chính trị an ninh khu vực và thế giới. Thay thế vào đó rất có thể là cuộc đối đầu giữa Mỹ, Israel, UAE và những đồng minh của họ với Iran cùng những đồng minh của nước này. Mỹ và Israel muốn lôi kéo các nước Ả rập trong khu vực vào liên quân cùng đối phó Iran.

Vì mục tiêu đối phó Iran mà có các nước Ả-rập như UAE hay Ả-rập Xê-út chuyển nhận thức và định hướng chính sách từ coi Israel là kẻ thù sang thành đồng minh. Khu vực này đứng trước rất nhiều biến động mới với hệ luỵ chưa thể lường hết được.

Đọc thêm