Cà Mau có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Bộ trưởng VH,TT&DL vừa ký Quyết định đưa nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề tôm khô Cà Mau và Lễ hội vía Bà Thủy Long (thuộc xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Năm 2021, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.
Năm 2021, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.

Bộ trưởng VH,TT&DL yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Cà Mau từng là vùng đất trù phú với nguồn lợi con tôm nhiều và có lúc không thể sử dụng hết, điều kiện buôn bán, trao đổi với các địa phương khác cũng khó khăn, nên cư dân địa phương nghĩ ra cách phơi khô để bảo quản lâu dài. Nghề làm tôm khô từ đó hình thành.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có tổng diện tích nuôi tôm (chủ yếu là tôm sú) khoảng 266 ngàn ha. Trong đó, diện tích đất nuôi tôm công nghiệp 9587ha, đất nuôi tôm quảng canh cải tiến 90,5 ngàn ha. Còn lại là diện tích đất nuôi tôm quảng canh truyền thống.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, năm 2021, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu được chế biến từ con tôm sú chiếm tỉ trọng lớn, trở thành nguồn hàng chủ lực trong xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau và được thị trường nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Tỉnh Cà Mau đang có chủ trương phát triển nghề làm tôm khô thành nghề truyền thống và có thương hiệu, trong đó dự kiến mỗi năm cung cấp cho thị trường ít nhất 50 tấn sản phẩm. Việc xây dựng làng nghề tôm khô vừa để bảo tồn làng nghề truyền thống, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa nghề làm tôm khô. Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 7 di sản được Bộ VH,TT&DL công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Trước đó, 5 di sản được công nhận gồm: Nghệ thuật Đờn ca tài tử (di sản chung với các tỉnh Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Nghề thủ công truyền thống “Gác kèo ong”; Nghề thủ công truyền thống “Muối ba khía”; Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer”.

Với Lễ hội vía Bà Thủy Long (tại miếu Bà Thủy Long (Thủy Long Cung Thần nữ), ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi) tổ chức cúng hằng năm vào ngày 15 - 17/2 âm lịch; trong đó, ngày 16 cúng tiên thường được nhân dân địa phương kết hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ vui chơi giải trí; các nghi thức lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đây cũng là dịp kết nối cộng đồng với các hoạt động như giao lưu văn nghệ, tham gia trò chơi dân gian, múa bóng rỗi, ca hát cải lương.

Đọc thêm