Cà Mau phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ổn định đạt 280 nghìn ha; Tổng sản lượng tôm đạt 350 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa Quyết định phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sẽ giúp ngành tôm Cà Mau tạo đột phá về sản lượng.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sẽ giúp ngành tôm Cà Mau tạo đột phá về sản lượng.

Theo đó, mục tiêu đặt ra của tỉnh Cà Mau là phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 280 nghìn ha, trong đó nuôi siêu thâm canh 5 nghìn ha. Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của tỉnh. Tổng sản lượng tôm của tỉnh đạt 280 nghìn tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.

Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ổn định của tỉnh đạt 280.000 ha. Tổng sản lượng tôm đạt 350.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2050, ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước. Tỉnh cũng đặt mục tiêu sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi,100% sản phẩm từ tôm nuôi truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; Đồng thời trở thành trung tâm chế biến tôm của thế giới và trong nước với kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD/năm.

Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.

Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất của vùng ĐBSCL và cả nước, tỉnh Cà Mau còn đề ra các phương án phát triển và nhóm các dự án ưu tiên đầu tư gồm: Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; các dự án phát triển ngành tôm và các chương trình, kế hoạch, dự án nâng cao năng lực quản lý.

Theo dự kiến tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành tôm đến năm 2030 khoảng 20 nghìn tỷ đồng (vốn ngân sách 4.050 tỷ đồng, vốn từ các thành phần kinh tế khác 15.950 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 11.670 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 8.330 tỷ đồng.

Tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5/2024 (VietShrimp - Đồng hành cùng người nuôi tôm), ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: “Hội chợ triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành hàng tôm Việt Nam tại Cà Mau, với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm” là sự kiện có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương... bàn biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành tôm. Qua đó có kế hoạch, giải pháp và bước đi thích hợp cho ngành tôm theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đây cũng là cơ hội để các ngành, đơn vị chức năng và người dân tỉnh Cà Mau có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức tốt việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới”.