Chế tác cầu kì, tỉ mỉ
Hộp nhạc không phải là một vật dụng tiện ích. Mục đích sử dụng sơ khai nhất của nó đã bị mất từ lâu cùng với sự ra đời của máy hát, đó còn chưa kể đến iPod ngày nay. Tuy nhiên, nó vẫn là một đồ vật đáng yêu của ngày hôm nay bởi vì nó mang lại cho chúng ta một cái gì đó mà một chiếc iPod không thể. “Nó cũng như tình yêu, không sử dụng được nhưng quý giá”, Giám đốc điều hành của Reuge, Kurt Kupper nói.
Kupper đã phát hiện ra rằng, cũng giống như tình yêu, những món đồ tạo tác nghệ thuật được chế tạo tỉ mỉ này có thể gia tăng sự kết nối giữa người với người và làm cuộc sống của chúng ta thêm phong phú. Đây là mục đích vượt lên trên tiện ích cơ khí duy nhất của nó là chơi nhạc. Reuge chuyên tạo ra các hộp nhạc độc đáo và có ý nghĩa, giống như mối ràng buộc giữa hai con người.
Các hộp nhạc của hãng này làm ra không chỉ là một món quà được ưa chuộng giữa những người yêu nhau, mà còn giữa những người đứng đầu nhà nước và các doanh nhân giàu có. Cựu tổng thống Barack Obama đã nhận được món quà là một hộp nhạc Reuge từ tiểu vương quốc Qatar trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Deepak Chopra, Jack Ma, và Đạt Lai Lạt Ma cũng nằm trong số nhiều người nổi tiếng đã nhận được món quà mang thương hiệu Reuge này.
Mỗi nghệ nhân của Reuge phải học tập nghiêm túc trong 5 năm mới có thể chế tác được hộp nhạc của Reuge. |
Sự đánh giá cao về vẻ đẹp của hộp nhạc là phổ biến khắp nơi. Cách vận hành của một hộp nhạc kiểu này gợi nhớ lại các máy móc tự động đã cuốn hút con người từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến ngày nay, trải trên nhiều nền văn hóa. Thật sự có điều gì đó thú vị trong các hoạt động của các bánh răng và hộp số, các chi tiết cơ khí được thiết kế tinh vi để phối âm từ các chuyển động duyên dáng.
Nếu không có chip máy tính hoặc điện năng, chúng dường như tự chuyển động trong một đời sống riêng của mình, như thể đang hoạt động dưới sự điều khiển của một linh hồn. Bên trong mỗi hộp nhạc là một hình trụ quay hoặc một chiếc đĩa được bao phủ bởi hàng ngàn – hoặc thậm chí hàng chục ngàn – các chân kim loại nhỏ tí xíu.
Một chiếc bàn chải thép sẽ chải dọc theo hình trụ khi nó quay để tạo ra âm thanh. Các chân kim loại được xếp đặt tỉ mỉ sao cho chúng sẽ tạo thành các nốt nhạc theo mong muốn khi chúng chà vào răng của lược, làm cho răng lược rung động. Điều thú vị là những chiếc hộp nhạc nhỏ xíu này lại có thể chơi được những bản giao hưởng lớn.
Reuge thường làm các hộp nhạc từ gỗ sồi rắn hoặc xà cừ, cùng với rất nhiều vật liệu quý khác. Các hộp nhạc được chế tác thành các hình thù đa dạng: có cái trông giống như những cây lúa mì nhẹ nhàng lắc lư trong gió thoảng, cái khác là một con chim nhỏ đang rung đôi cánh và kêu chiêm chiếp, cái khác nữa là một bản sao của tàu vũ trụ Star Wars bóng loáng.
Các hộp nhạc có thể được trang trí đẹp mắt theo yêu cầu cá nhân. Reuge thường tìm hiểu tính cách và niềm đam mê của cả người tặng và người nhận mỗi khi tạo một hộp nhạc làm quà tặng. Hộp nhạc như vậy sẽ tạo kỷ niệm đẹp và tăng cường mối liên kết giữa hai người.
“Đây không phải là câu chuyện của các danh mục đồ vật”, Kupper nói. “Mà là việc tạo ra một thứ đồ gia truyền, một cái gì đó sẽ được giữ gìn và truyền lại cho con cháu, một cái gì đó đại diện cho một câu chuyện, cho dù đó là câu chuyện của một vị vua hay của một cặp đôi bình thường mong muốn con cháu họ cảm thấy được kết nối với họ và nhớ về họ”. Reuge được coi là hãng sản xuất hộp nhạc hàng đầu trên thế giới. Mặc dù mức giá của nó trải rộng từ một vài trăm đô la đến 1,5 triệu đô la cho một hộp nhạc, Kupper nói rằng nó không phải là về giá trị tiền bạc. Ông nhấn mạnh rằng sự sang trọng là về ý nghĩa đằng sau từng hộp nhạc.
Kupper mô tả cảm xúc mà Reuge muốn gợi lên ở những khách hàng quen thuộc mà giàu có nhất, những người mà đã có được mọi thứ trên đời: “Giống như một đứa trẻ trước một cây thông Noel… Công việc của chúng tôi về cơ bản chỉ là thắp lại ánh sáng lấp lánh đó trong mắt người nhận quà”. Cho dù đó chỉ là một món quà 300 đô la từ một người nông dân tặng vợ, hay một món quà trị giá 1 triệu đô la để tặng một ông vua, điều khiến những người thợ thủ công của Reuge vui sướng nhất là tạo ra được một thứ mà từ đó trở đi sẽ được nâng niu gìn giữ.
Tinh hoa của con người
Trong số khoảng 40 người đang làm việc tại Reuge, khoảng 30 người vẫn còn đang phải học hỏi để làm ra được các hộp nhạc. Việc đào tạo để làm ra từng bộ phận của hộp nhạc phải được truyền tay từ bậc thầy đến người học việc, vì các kỹ năng của nó quá cụ thể, không hề được dạy ở các trường nghề, cũng không hề áp dụng được cho bất kỳ nghề nghiệp nào khác.
Khi một trong những nghệ nhân của hãng sắp nghỉ hưu, Reuge sẽ tìm một người học nghề để bắt đầu quá trình đào tạo dài 5 năm bởi nghệ nhân đó, để thay thế vị trí của ông ta. Phải mất 5 năm học và hành để “thực sự làm ra được một sản phẩm tốt và làm được điều đó một cách nhất quán hàng ngày chứ không chỉ bằng sự trùng hợp ngẫu nhiên“, Kupper nói: “Chúng tôi không thể cho phép là ngày hôm nay làm được một sản phẩm tốt, rồi ngày mai lại làm ra một sản phẩm trung bình. Vì vậy, vào thời điểm một người đã thực sự được đào tạo đầy đủ, người đó phải biết làm tốt mỗi ngày – tôi không yêu cầu người đó phải nhắm mắt lại mà vẫn làm tốt, nhưng sự thực gần như chúng tôi có thể đạt đến điểm đó”.
Một người học việc đã thành thạo, ở tầm tuổi khoảng 30 và đã có vợ/chồng và con cái, là lý tưởng nhất. “Bởi vì người đó sẽ ở lại với hãng của bạn, thông thường là như thế”; Kupper nói. “Nếu tôi tuyển một cậu chàng 18 tuổi mới ra trường, thường thì cậu ấy sẽ muốn khám phá mọi thứ, hoặc làm những việc khác, đi đó đi đây.
Trong lĩnh vực của chúng tôi, một khi ai đó đã học làm hộp nhạc rồi, thì sẽ chẳng có nơi nào khác để làm. Không giống như trong ngành công nghiệp đồng hồ, học ở một nơi rồi đến làm cho một nhãn hiệu đồng hồ khác, là như vậy. Phải có một sự cam kết chắc chắn từ cả hai phía, giống như một cuộc hôn nhân vậy”, Kupper nói. Đó là một cách hành xử phù hợp cho một nghề thủ công nghệ thuật đã tồn tại dựa trên sự tự hào về tính lãng mạn, tình yêu và mối quan hệ gắn kết con người mà những sản phẩm của họ đã mang lại cho khách hàng.