Cả năm "vật vờ" chờ Tết đếm tiền mỏi tay

(PLO) - Có những nghề quanh năm chỉ thu lặt vặt qua ngày nhưng đến những ngày cận Tết đột nhiên hút khách, đếm tiền mỏi tay...
Xếp hàng mua bánh chưng Quốc Hương mỗi dịp Tết.
Xếp hàng mua bánh chưng Quốc Hương mỗi dịp Tết.
Cây cảnh vi vu thu cả cây vàng…

Khắp chợ hoa cây cảnh trên đường Bưởi, không ai không biết đến câu chuyện anh Trần Văn Thanh (quê Nam Định) hành nghề xe ôm, nuôi sống cả gia đình, cho con đi xuất khẩu lao động… Thậm chí, những ngày giáp Tết, người vợ lam lũ ở quê còn lên tận Hà Nội chỉ để nấu cơm cho chồng ăn, đủ sức khỏe để… kéo cày mấy ngày cận Tết. 

Chị Hiền, bán trà đá gần Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám thán phục: “Không ai giỏi như ông ấy đâu. Một mình lăn lộn xe ôm 30 năm trời, nuôi cả gia đình, đưa con cái đi Nga làm ăn. Nhưng khi chúng nó làm ăn không được, trở về, vốn bố đổ ra đi tong hết, ông ấy vẫn không than vãn một tiếng. Lại bảo các con lên làm xe ôm cùng bố cho qua những đợt khó khăn, khi nào kiếm được nghề nghiệp thì dừng cũng không muộn”. 

Thế là 3 bố con, gồm anh Thanh và 2 người con trai đi xuất khẩu lao động phải về trước thời hạn, mỗi người một xe, phục vụ hầu hết khách hàng là những chủ hàng hoa cây cảnh từ sáng sớm đến tối mịt. Mặc dù nghề chở cây cảnh không hề dễ dàng gì vì cồng kềnh và phải rất cẩn thận nhưng mỗi dịp Tết đến, gia đình anh Thanh lại thu bộn tiền. 
Anh Thanh có vẻ khá kiệm lời, để mặc chị chủ quán trà đá kể về mình với giọng ngưỡng mộ. Gặng mãi, anh mới tâm sự đôi chút. Quê anh ở vùng biển Hải Hậu, nghèo và khó khăn lắm. Vợ chồng anh trước đây làm công nhân nhưng sinh ra 4 đứa con, thu nhập tằn tiện, không đủ cho con nên anh bàn với vợ bỏ nghề lên Hà Nội kiếm sống. Không ngờ lại gắn bó được với đất Hà Nội đến vài chục năm, lại có thu nhập ổn định để nuôi con học hành. 
Anh bảo, nghề này vất vả cực độ, nhiều khi vừa và miếng cơm vào miệng đã thấy chủ hàng gọi, anh lại tất bật bỏ bát cơm vào mâm và chuẩn bị lên đường. Đường Hà Nội những ngày Tết thì đông, đi lại khó khăn nhưng kinh nghiệm hành nghề mấy chục năm luôn khiến anh có những cung đường đi nhanh nhất và đỡ ùn tắc nhất. Anh tự hào “chắc gì người Hà Nội đã thạo đường Hà Nội bằng tôi”. 

Chị Hiền lại tấm tắc khen ngợi: “Con gái ông ấy cũng nhờ thu nhập từ nghề xe ôm của bố đã được học hành đầy đủ, hiện trở thành giáo viên tiểu học ở huyện, còn 2 người con trai theo bố lên làm xe ôm. Một người con trai khác cũng làm công nhân nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, ông ấy lại huy động cả con lên Hà Nội chở cây cảnh kiếm thêm. Dù chỉ làm 10 ngày dịp Tết nhưng số tiền kiếm được cũng bằng cả tháng nai lưng làm ở huyện”. 

Chị chợt nhỏ giọng thì thầm: “Mỗi đợt Tết thế này, thu nhập của mấy bố con ông ấy cũng mua được cả cây vàng đấy, sau khi đã trừ đi tiền ăn uống, sắm Tết. Thế nên vợ ông ấy chăm sóc ông ấy ghê lắm”.  

Chợ cây cảnh dịp Tết có thể thu bộn tiền.
Chợ cây cảnh dịp Tết có thể thu bộn tiền. 
Tết tươm tất nhờ lá dong

Một làng nghề khác cũng nhờ những ngày Tết mà có tiền sắm sang, trang hoàng nhà cửa. Đó là làng trồng lá dong Tuấn Dị, ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. 

Ông Khương Văn Khoái - Trưởng thôn Tuấn Dị cho biết: “Ở làng này nhà ai cũng trồng lá rong, ít nhất cũng có vài sào. Chính vì vậy vào dịp Tết, nhà nhà đều có vài chục triệu ăn Tết và gửi tiết kiệm. Nhà cửa cao tầng mọc lên. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ và rộng rãi hơn. Chính vì vậy mà người dân chúng tôi không phải lo bán thóc để sắm Tết. Tất cả đều từ lá dong mà nên. Nhờ có lá dong, năm nào dân Tuấn Dị cũng có Tết tươm tất”.

Điển hình nhất của làng nghề này là bà Trương Thị Bắc, một hộ được coi là “đại gia lá dong quê”. Năm nào cũng vậy, ngôi nhà của bà như biến thành một cái chợ thu nhỏ. Người ra người vào khuân vác lá, toàn bộ khu vực sân lá được bày la liệt để qua khâu phân loại và tuyển chọn. 

Ông Khương Văn Vinh, chồng bà Bắc cho biết: “Nhà tôi có đến hơn 2 mẫu trồng dong, còn phải đi thuê thêm đất để trồng nữa”. Nhà bà Bắc bán lá dong quanh năm, tuy nhiên trong vòng 10 ngày bán lá Tết thu hoạch được gấp nhiều lần so với ngày thường. Thời điểm gần Tết, tại các nhà vườn, giá lá dong khoảng 150.000 - 200.000đồng/100 lá, tùy thuộc vào từng loại lá to hay nhỏ. Với mức giá đó nhiều người còn phải tranh nhau mua. Có những năm đến 27-28 Tết, nhà bà Bắc phải đi mót khắp các vườn nhà mình để bán. Không ngần ngại, ông Vinh cho biết thêm: “Bán lá dong dịp Tết có thể lãi gấp 10 lần so với cấy 10 mẫu lúa đấy”. 

Bà Trương Thị Bắc bên vườn lá dong
Bà Trương Thị Bắc bên vườn lá dong 
Bánh chưng… đi máy bay, đến sứ quán
Cùng với làng nghề lá dong, nghề gói bánh chưng cũng là một nghề kiếm bộn tiền vào mỗi dịp Tết, đặc biệt những nhà làm bánh chưng gia truyền ở Hà Nội. Do đặc điểm vùng miền, thói quen hưởng Tết ở Hà Nội khác nhiều các làng quê nên người Hà Nội ít người lui cui gói bánh rồi cặm cụi củi lửa để trông nồi bánh chưng cả chục tiếng trên bếp hồng. Hầu hết những gia đình Hà Nội đều đặt mua vài cặp bánh chưng để cúng Tết. Đó là lý do mà nghề gói bánh chưng gia truyền ở Hà Nội cực hút khách. 
Có thể kể đến là tiệm bánh chưng Quốc Hương ở số 9 Hàng Bông, Hà Nội. Bà chủ cửa hàng Nguyễn Thị Chấn (SN 1935) chia sẻ bí quyết để gia đình bà luôn giữ được khách hàng, trong đó đặc biệt lưu ý từng khâu làm hàng phải đảm bảo, ngoài ra còn phải biết trân trọng từng khách hàng một. Mặc dù luôn tay lấy hàng, gói hàng cho khách nhưng bà Chấn vẫn tươi cười cho biết, bà luôn cố gắng giữ gìn thương hiệu của cha ông để lại nên việc duy trì chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu. Gia đình bà thường có một vùng nguyên liệu cố định, đảm bảo tuyệt đối về chất lượng. Và cách lựa chọn nguyên liệu để chiếc bánh chưng được xanh, ngon, đẹp mắt… phải được chuẩn bị từ khâu đầu tiên. 
Đó là chọn lá dong tươi, chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Gạo nếp nguyên liệu chính của món bánh được chọn lựa kỹ càng từ những loại nếp ngon thượng hạng hạt to, tròn dẻo đều, vừa mới thu hoạch mới tạo mùi vị thơm ngon cho bánh. Đậu xanh được lựa chọn công phu phải là loại hạt tròn, lòng vàng nguyên hạt thì bánh mới ngon và đẹp mắt trước khi gói gạo và đậu xanh phải được ngâm bằng nước lạnh từ 8-10 tiếng. 
Ngày thường, cửa hàng nhà bà bán khoảng vài trăm chiếc bánh chưng và 100kg giò các loại. Số lượng ấy sẽ tăng lên gấp rưỡi vào hai ngày rằm và mùng một hàng tháng. Tuy nhiên, vào dịp Tết, bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp trở đi, số lượng giò chả bán ra có thể gấp từ vài chục đến cả trăm lần ngày thường. Đặc biệt, có những ngày khách hàng phải ra về tay trắng dù đã phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ vì lượng hàng bán hết veo khi chưa hết ngày.
Bà cho biết với giọng đầy tự hào, năm nào Bộ Ngoại giao cũng đặt bánh chưng nhà bà để biếu các đại sứ quán. Hoặc chuyện bánh chưng nhà bà chuyển từ nhà bếp ra thẳng sân bay đi nước ngoài là việc thường xuyên, liên tục.

Đọc thêm