Thách thức lớn nhất của người già
Khi tuổi già ập đến, bạn bè và nhiều người thân lần lượt ra đi, những người già dễ lâm vào cảnh muốn thu mình lại, ít tiếp xúc với thế giới xung quanh. Việc thính lực và sự vận động trở nên khó khăn hơn càng khiến họ khó giao tiếp với xã hội hơn. Những người già cũng có xu hướng không muốn kết bạn mới. Chính điều này khiến cho tỉ lệ người cao tuổi cô đơn có xu hướng cao hơn những lứa tuổi khác.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Người cao tuổi Anh, ở nước này đang có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi phải sống trong cảnh cô đơn “kinh niên”. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của người già.
“Sự cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự hạnh phúc của người già. Điều này có thể nhìn thấy rõ về mặt tinh thần khi tình trạng trầm cảm ở người già thường trở nên nghiêm trọng hơn vì cô đơn”, bà Caroline Abrahams – Giám đốc tổ chức Người cao tuổi Anh – cho biết.
Không chỉ dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe tinh thần, tình trạng cô đơn còn liên quan chặt chẽ đến bệnh tật, thậm chí là tử vong ở người cao tuổi. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy những người già sống tách biệt với xã hội thường có sức khỏe kém hơn và tử vong sớm hơn so với những người duy trì được sự gắn kết chặt chẽ với xã hội dù mối quan hệ nhân quả giữa việc cô đơn và bệnh tật đến nay vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Theo các nhà nghiên cứu của trường Đại học Lancaster, sự cô đơn có thể tăng nguy cơ tử vong thêm 26%.
Cũng theo nghiên cứu của trường Đại học Lancaster, có một điều trớ trêu là khi liên lạc trở nên dễ dàng hơn thì sự cô lập và cô đơn cũng gia tăng nhanh chóng hơn, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Ước tính, có đến 3,9 triệu người già ở Anh xem TV là “người bầu bạn” tuyệt vời nhất. Thách thức trong việc giải quyết tình trạng cô đơn ở người lớn tuổi ở Anh đang trở nên khó khăn hơn khi tuổi thọ của người dân ở nước này được cải thiện. Ước tính, trong vòng 20 năm tới, tổng số dân từ 85 tuổi trở lên ở Anh sẽ tăng lên từ khoảng gần 1,3 triệu người hiện nay lên thành 2,8 triệu người.
Số liệu thống kê của Cơ quan y tế quốc gia của Anh cho thấy tình trạng trầm cảm ảnh hưởng tới khoảng 22% đàn ông và 28% phụ nữ trên 65 tuổi ở Anh. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học ở Viện tâm lý hoàng gia Anh, 85% những người già bị trầm cảm không nhận được sự giúp đỡ từ cơ quan y tế.
|
Cụ ông Roy, 85 tuổi. |
Vấn đề càng trở nên khó xử trí hơn khi một nghiên cứu của một nhóm bao gồm 9 tổ chức hoạt động vì người già ở Anh chỉ ra rằng có đến hơn 1 nửa trong số những người từ 50 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội Gransnet cho biết họ chưa bao giờ kể với người khác về tình trạng đơn độc mà họ gặp phải.
“Gặp con gái qua điện thoại đã thay đổi cuộc đời tôi”
Trong bối cảnh như vậy, những sáng kiến cộng đồng dành cho người già đang được xem là những điểm sáng. “Sẽ không có cách thức hay giải pháp mang tính chính sách nào có thể giúp xóa bỏ tình trạng cô đơn ở người già một cách nhanh chóng nhưng chúng ta có thể thay đổi mọi thứ theo hướng tốt hơn một cách từ từ”, bà Abrahams nói.
Theo báo cáo Chiến dịch chấm dứt tình trạng cô đơn ở người già do tổ chức Người cao tuổi Anh thực hiện, việc tạo ra những cách thức để giúp đỡ người già trong việc di chuyển hay áp dụng các biện pháp công nghệ có thể là giải pháp tốt, là chất keo để gắn kết người già với xã hội.
Ví dụ, dự án Dịch vụ kết thân Dorset – dự án kết nối để những người tình nguyện thường xuyên đến thăm người già tại nhà riêng của họ hay dịch vụ Đường dây bạc cung cấp thông tin và chuyện trò miễn phí cho người già… đều đã chứng minh có tác dụng tốt. Hay như việc tổ chức Hội chữ thập đỏ Anh đang cử những người tình nguyện giúp xác định để từ đó có các hoạt động phù hợp dành cho những người già cô đơn đã chứng minh được hiệu quả tích cực.
Năm 2015, bà Phyllis, vợ của ông Roy, qua đời. Trong vài tuần đầu tiên sau khi vợ mất, cụ ông 85 tuổi này vẫn được an ủi phần nào khi người thân, bạn bè thi thoảng lại ghé thăm, động viên. Ấy thế nhưng, ít tuần sau, khi những cuộc điện thoại hay những chuyến ghé thăm ít dần đi, ông càng thấm hơn nỗi cô đơn.
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhiều người bạn của ông cũng đã qua đời. Hai ông bà không có con, còn người thân lại sống ở xa nên không có điều kiện tới chơi thường xuyên. Càng ngày, ông cụ càng sống khép kín hơn.
“Càng lâu không nói chuyện với người khác thì việc bắt đầu câu chuyện lại càng trở nên khó hơn”, cụ ông kể về lý do ít chuyện trò với hàng xóm. Dần dần, nỗi trống vắng trong ông Roy lớn đến mức khiến ông cảm thấy rằng cô đơn mới là thử thách lớn nhất mà ông phải đối mặt trong suốt cuộc đời mình.
Mãi sau, ông Roy tình cờ đọc được trên một tạp chí địa phương nói về một tổ chức từ thiện dành cho người già với các dịch vụ như cử người chuyện trò qua điện thoại hoặc trực tiếp tới thăm. Cụ ông quyết định nhấc máy gọi tới nơi cung cấp dịch vụ và được giới thiệu cho một người tình nguyện.
“Cuộc điện thoại đó đã mở ra một cánh cửa mới cho tôi. Cảm giác có người lắng nghe và chuyện trò, thông cảm cho mình thật sự rất hữu ích”, cụ ông kể về lần đầu nói chuyện với người tình nguyện chia sẻ qua điện thoại với ông.
Kể từ sau lần đó, đều đặn mỗi tuần, ông Roy lại gọi điện để chuyện trò với hỗ trợ. Mối quan hệ giữa họ tốt đến mức ông ngỡ cô gái đó là “cô con gái mà tôi chưa từng có”. Ngoài ra, tổ chức từ thiện cũng cử một người tình nguyện khác lui tới thăm nom ông.
Ông Roy nói rằng, những sự giúp đỡ đó thực sự vô cùng hữu ích đối với ông, “giống như đang ở sa mạc thì gặp được ốc đảo”. Có được người chuyện trò, chia sẻ dần giúp ông vượt qua được cảm giác cô đơn, trống trải và lấy lại được sự yêu đời.
Một thời gian sau, ông gia nhập dàn hợp xướng của địa phương. Cùng với đó, ông cũng được chỉ dẫn cách dùng máy tính bảng và dần lần ra được cách truy cập kho dữ liệu khổng lồ này. Càng mở rộng giao tiếp, ông càng lấy lại được sự tự tin và cảm thấy dễ chịu hơn trước thực tại. Cuộc sống tuổi già đơn chiếc của ông kể từ đó cũng đã trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Hiện nay, nhiều tổ chức ở Anh cũng đang tiến hành các chiến dịch nhằm giúp giảm thiểu tình trạng đơn độc ở người già. Ví dụ, Chiến dịch có tên Chấm dứt nỗi cô đơn đang thúc đẩy một sáng kiến quốc gia nhằm giải quyết tình trạng cô đơn ở người cao tuổi thông qua các hoạt động phối hợp cộng đồng. Sáng kiến này thúc giục sự tham gia của giới chức y tế trong việc nghiên cứu và thực thi các kế hoạch để giảm tình trạng cô đơn và cô lập về xã hội của người dân sống trên địa bàn.
Còn Tiến sỹ Amanda Thompsell – người đứng đầu khoa tâm lý người già ở Trường tâm lý hoàng gia Anh – thì cho rằng các tổ chức đang xây dựng các dự án hỗ trợ người già chống lại tình trạng cô đơn cần có sự tham gia của người già, những người chăm sóc, các nhà tâm lý và cả các nhân viên bảo trợ xã hội. “Sự tiếp xúc giữa các thế hệ cũng đã cho thấy hiệu quả đặc biệt trong vấn đề này”, Tiến sỹ Thompsell nói thêm.