Các công ty cổ phần "đứng đầu bảng" tai nạn lao động

(PLO) - Sở dĩ nói tai nạn lao động trong năm 2015 thực sự là điều ám ảnh bởi so với năm 2014, các chỉ tiêu thống kê như số vụ, số nạn nhân, số vụ có người chết, số người chết đều tăng.
Vụ sập giàn giáo tại Formusa Hà Tĩnh là một trong những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2015

629 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 666 người

Đó là con số về tai nạn lao động (TNLĐ) được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra trong thông báo về tình hình TNLĐ năm 2015.

Theo đó, trong năm 2015, cả nước đã xảy ra 7.620 vụ TNLĐ làm 7.785 người bị nạn (trong đó, 79 vụ có 2 người bị nạn trở lên), 666 người chết, 1.704 người bị thương, nạn nhân là lao động nữ là 2.432 người.  

Những vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2015 như vụ tai nạn sập giàn giáo tại khu vực thi công đúc giếng chìm của Công ty Samsung tại dự án Forrmusa khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh ngày 25/3/2015; vụ tai nạn do bục nước tại lò khai thác than xóm Xiềng, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình ngày 18/11/2015; vụ tai nạn sập lò vôi tư nhân thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày 20/11/2015…

 Nhiều người đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn sập giàn giáo tại Hà Tĩnh hẳn không thể quên buổi tối 25/3/2015. Sau tiếng động lớn, giàn giáo trong khu vực đổ cấu kiện bê tông làm đê chắn sóng khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bất ngờ sụp xuống kéo theo gần 50 công nhân đang làm việc ở độ cao 20-30m.

Sau hàng chục tiếng đồng hồ cứu hộ liên tục, 13 thi thể được tìm thấy dưới đống sắt thép khổng lồ tại công trường xây dựng đê chắn sóng, 29 người bị thương với những thương tật vĩnh viễn… 

Cục An toàn lao động cho biết, so với năm 2014 các chỉ tiêu thống kê về tình hình TNLĐ đều tăng cao. Cụ thể, số vụ TNLĐ tăng 911 vụ (13,6%), số nạn nhân tăng 844 người (12,2%); số vụ có người chết tăng 37 vụ (6,2 %); số người chết tăng 36 người (5,7%), số người bị thương nặng tăng 160 người (10,4%); số nạn nhân là lao động nữ  tăng 296 người (13,9%).

TP HCM là địa phương dẫn đầu về số người tử vong vì tai nạn lao động với con số 108 người (tăng 354 vụ TNLĐ so với năm 2014), Thanh Hóa tuy đứng cuối bảng nhưng cũng có 17 người chết vì TNLĐ.

Xây dựng vẫn là lĩnh vực đứng đầu xảy ra tai nạn lao động

Phân tích các vụ TNLĐ từ các biên bản điều tra TNLĐ cho thấy, loại hình công ty cổ phần đứng đầu, chiếm 40,2% số vụ tai nạn chết người và 40,1% số người chết. Thấp nhất là loại hình công ty liên doanh có vốn đầu tư của nước ngoài, chiếm 1,3% số tai nạn chết người và 1,2% số người chết.

Lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất là lĩnh vực xây dựng, chiếm 35,2% tổng số vụ TNLĐ chết người và 37,9% tổng số người chết. Ngã từ trên cao là yếu tố gây chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất, chiếm 28,1% tổng số vụ chết người và 26,4% tổng số người chết…

Tổng hợp nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người cho thấy, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 52,8%. Có rất nhiều hành vi vô trách nhiệm của người sử dụng lao động đã khiến cho TNLĐ xảy ra như: không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm 25,2% tổng số vụ); thiết bị không đảm bảo an toàn lao động (chiếm 14,3% tổng số vụ); không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động (chiếm 9,7% tổng số vụ)…

Về phía người lao động, tuy chỉ chiếm 18,9% nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ  nhưng người lao động cũng có những lỗi nghiêm trọng như vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động (chiếm 17,2% tổng số vụ), không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm 1,7% tổng số vụ)… 

Gần 200 tỷ đồng hao tổn vì tai nạn lao động

Rõ ràng, TNLĐ không chỉ gây thiệt hại về vật chất cho doanh nghiệp, người lao động mà còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương về thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2015 cho thấy một con số khổng lồ về tiền bạc và ngày công lao động.

Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương là 153,97 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 21,96 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 99.679 ngày.

Đọc thêm