Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố trước thềm hội nghị về ung thư sắp được tổ chức tại Chicago (Mỹ) vào tháng tới.
Nhóm nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu với 826 bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư ruột kết giai đoạn III, thường phải trải qua ca phẫu thuật và hóa trị.
Nhóm bệnh nhân này có 70% cơ hội sống thêm 3 năm sau điều trị do bệnh đang trong giai đoạn chưa di căn trong cơ thể. Khoảng 19% số bệnh nhân này được bổ sung thêm ít nhất 56g các loại hạt vỏ cứng trong 1 tuần.
Kết quả cho thấy, ở nhóm này, nguy cơ các tế bào ung thư tái phát giảm 42%, trong khi nguy cơ tử vong cũng giảm 57% so với những bệnh nhân không ăn các loại hạt sau khi kết thúc quy trình điều trị ung thư.
Riêng đối với những bệnh nhân chỉ ăn các loại hạt từ trên cây, (không tính các loại hạt dưới mặt đất) ở mức ít nhất 56g/tuần, kết quả cho thấy nguy cơ tế bào ung thư tái phát giảm 46% còn nguy cơ tử vong giảm 53% so với người không ăn.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích của việc bổ sung các loại hạt vào thực đơn hàng ngày đối với việc điều trị các bệnh lý về tim mạch và tiểu đường, song đây là lần đầu tiên các nhà khoa học kiểm chứng tác dụng của các loại hạt đối với các bệnh ung thư ruột kết và trực tràng.
Vì vậy nghiên cứu này được đánh giá là đóng góp quan trọng cho việc thiết kế thực đơn và lịch trình tập luyện để bệnh nhân ung thư giảm được nguy cơ tái phát và tử vong sau điều trị.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý việc bổ sung các loại hạt này vào thực đơn hàng ngày không thể thay thế được các biện pháp điều trị chính như hóa trị đối với ung thư ruột kết.
Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp các yếu tố như giữ tinh thần lạc quan, ăn uống lành mạnh.
Ngoài ra, một báo cáo khác cũng công bố cùng thời điểm cho thấy việc theo chế độ ăn Đại Trung Hải và duy trì luyện tập cũng có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tái phát và tử vong ở bệnh nhân ung thư ruột kết./.