Sau khi biết thông tin về vụ bé trai bị bảo mẫu trói tay, bịt miệng tại cơ sở mầm non Sơn Ca tại TP Đồng Hới, Quảng Bình, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học – ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, cũng như tất cả mọi người, chị vô cùng đau đớn và giận dữ khi biết cháu bé bị người giữ trẻ bạo hành.
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục, TS Vũ Thu Hương đã chia sẻ kinh nghiệm chọn trường cho con và làm thế nào để phát hiện và phòng tránh bạo lực cho trẻ. Theo chị, đây chắc chắn là việc làm vô cùng cần thiết, bởi khi con đã đủ lớn, việc đưa con đi trẻ là vô cùng đáng ngại.
Hàng trăm câu hỏi vẩn vơ trong đầu ta mỗi đêm: Trường này có hợp với con không? Cô giáo có đánh con không? Cô giáo có biết cho con ăn không? Khi con chưa biết tự đi vệ sinh, cô giáo có giúp con không? Trời lạnh như thế này, cô giáo có mặc cho con đủ ấm không? Khi con toát mồ hôi, cô giáo có giúp con lau mồ hôi không? Khi đưa con đi học, con khóc thì phải làm sao đây?...
Tuy nhiên, đưa con đi học là việc không thể nào không làm và dưới đây là kinh nghiệm chị Vũ Thu Hương muốn chia sẻ:
Chọn trường mầm non cho con:
Trường của con sẽ là ngôi trường đầu tiên trong đời con. Vì thế, các cha mẹ đừng quên tìm hiểu cho cẩn thận. Những thứ sau cha mẹ cần tận mắt nhìn thấy trước khi đưa con vào đó chính thức.
1. Giấy phép hoạt động của trường. (Nếu là trường công lập thì khỏi phải lo lắng; còn trường tư, nếu ở biển hiệu có ghi thêm chữ Phòng Giáo dục Quận, hay gì gì đó thì bố mẹ cũng không phải quá lo lắng).
Tuyệt đối không đưa con vào các cơ sở trông giữ trẻ không có biển hiệu hay giấy phép gì.
Biển hiệu trường phải to đẹp, hoành tráng. (Những cơ sở tư nhân chui lủi thường không dám làm cái biển hiệu hoành tráng vì cơ quan chức năng sẽ đến xử ngay lập tức).
2. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì con sẽ ăn ở đó nên mình khéo léo yêu cầu giấy phép này là đương nhiên phải làm. Các cơ sở chui thường không bao giờ có loại giấy này.
3. Bằng cấp của cô giáo. Các cha mẹ có thể thỏ thẻ:
"Em ơi, giờ ở khắp nơi có quá nhiều các cô giáo không có bằng cấp đi dạy con, làm con sợ. Chị biết trường mình không thế nhưng ông bà nội cháu không tin, cho chị mượn bằng của em, photo công chứng cũng được, chị chụp cái ảnh đem về cho ông bà xem được không?". Mình chỉ chụp tại trận rồi mang về nhà.
4. Khuôn viên trường. Cái mà đập vào mắt mình sẽ là mấy thứ có thể lợi hoặc hại cho con.
- Có sạch không? (Không sạch thì con mình ốm đau liên miên là bình thường).
- Có phù hợp với trẻ không? Nếu phù hợp thì cầu thang phải thấp. (Các bậc cầu thang thấp độ chừng 10cm thôi thì con mới bước mà không ngã). Sân phải rộng, sạch, và tốt nhất là trồng cỏ, con có ngã cũng không đau. Nhiều đồ chơi cũng tốt mà không nhiều cũng tốt nhưng nếu có thì phải đảm bảo an toàn. Không thể có vụ cầu trượt hỏng, lắt lẻo để giữa sân mà ko ai xử lý.
- Trường nào có sân chơi cát thì gửi ngay, không suy nghĩ. Vì chơi cát là việc cực kì cần thiết và quan trọng với sự phát triển trí não của trẻ. Trường có sân chơi cát là đã chứng tỏ người đứng đầu trường có hiểu biết sư phạm mầm non rất rất tốt.
5. Khuôn viên lớp học. Rộng, bố trí phù hợp, và không quá ngăn nắp. Nghe cái câu không quá ngăn nắp thể nào các cha mẹ cũng tròn mắt ra. Nhưng nếu lớp học có nhiều đồ chơi mà ngăn nắp quá, chứng tỏ đồ chơi chỉ để đó để phụ huynh nhìn thấy, chứ các con chẳng bao giờ được chơi đâu.
Nhiều dụng cụ học tập và đang được sử dụng như: Hộp bút sáp, bút mầu đủ mầu nhưng cái ngắn cái dài, cái to cái bé, chứng tỏ các bé sử dụng nhiều nên nó xấu xí đi. Nếu trường nào dán nhiều tranh các bé vẽ mà không ngay ngắn lắm thì càng tốt, chứng tỏ các cô rất chú trọng việc dạy con và đưa sản phẩm của con lên tường.
Làm liên tục nên không thể nào ngay ngắn quá được. Vậy nên bố mẹ chú ý nhé. Các sản phẩm của trẻ và đồ dùng học tập quá ngăn nắp thì không nên gửi con, vì có nghĩa là cơ sở đó không hoạt động sư phạm thực chất.
Sau khi xem mà mấy thứ trên ổn thì có thể yên tâm gửi con được.
Tuy nhiên, có một nhà thông thái mà các cha mẹ có thể tham khảo ý kiến rất tốt đó là CÁC EM BÉ.
Trẻ con rất giỏi trong việc nhận ra ai là người tốt với chúng. Nếu tập cho con quen trường lớp rồi, con vui vẻ đi học, không khóc, nhưng cứ nhìn thấy cái cô giáo đó là khóc toáng lên thì... chuyển lớp ngay; chuyên gia đã cảnh báo cho chúng ta về một giáo viên không phù hợp.
Phương pháp phát hiện con bị bạo lực
Đưa con đi học rồi, cha mẹ cũng rất lo lắng con bị bạo hành đúng không? Đúng rồi, bạo lực chỉ là cách cư xử của các con vật với nhau hoặc bạo lực chỉ dùng để huấn luyện thú vật. Con người không phải là đối tượng để dạy dỗ bằng cách đó.
Vậy nên nếu con đột ngột khóc, hờn, nôn ói.... mà con không hề ốm đau hay ươn người thì phải ngay lập tức đề phòng. Nếu 2, 3 ngày con đi học đến nhìn thấy ai đó mà khóc thét lên thì phải ngưng ngay.
Nhiều khi, người giữ trẻ đánh không để lại dấu vết trên cơ thể. Bố mẹ phải thật tinh ý. Khi con về nhà, liên tục hỏi han con về trường lớp. Không đặt câu hỏi kiểu: Hôm nay con học gì? Mà hỏi kiểu này: Ngày xưa bố/mẹ đi học vui lắm, cô giáo thường cho ăn bánh này, cho ăn kẹo này, cho hát này....
Lập tức trẻ sẽ “buôn dưa” về lớp học nếu con đủ khả năng ngôn ngữ để trả lời.
Quan tâm hỏi han con thật nhiều khi đón con nhé. Hỏi cô xem con ăn gì, chơi gì, vui không?. Càng tỏ ra quan tâm con bao nhiêu, người giữ trẻ càng phải để ý và cẩn trọng bấy nhiêu. Khi con có vết bầm hay gì đó ở người, bố mẹ đừng làm toáng lên. Hãy im lặng điều tra. Nếu có dấu hiệu rõ hơn thì hãy xử lý.