1. Đẫm lệ
Không chỉ lúc hẹn hò mà lúc tranh cãi, bạn cũng giống như nhân vật chính trong các phim “sến”. Đồng ý rằng khi giận nhau thì ai cũng dạt dào cảm xúc tủi thân, giận dữ, hờn ghen,...nhưng cái gì quá đều không tốt, nhất là khi bạn không làm chủ được bản thân và khóc lóc quá nhiều.
Tin vui là bạn đang giải tỏa được cơn giận, nước mắt cũng từng được chứng minh là tốt cho sức khỏe vì có tác dụng...rửa mắt. Tin xấu là mọi thứ sẽ rối tung lên, bạn tập trung sức lực vào việc hờn khóc thay vì tìm ra biện pháp làm hòa, nửa kia thì ngao ngán, mệt mỏi, chẳng buồn nhìn khuôn mặt đẫm lệ, lem luốc mascara của bạn.
Giải pháp: Ngay trước khi “tức nước vỡ bờ”, hãy đề nghị đối phương chuyển ra phòng ngoài, đi lên gác hoặc ra sân sau để nói chuyện, tóm lại là tìm cớ để di chuyển sang một địa điểm khác. Lúc đó, cơn xúc động trong bạn sẽ nguôi đi ít nhiều, bạn cũng quên đi việc khóc lóc. Bởi bản tính bạn vốn nhạy cảm, nóng nảy, cách tốt nhất để giải quyết xung đột là dành thời gian cho mình bình tĩnh lại và tập bỏ thói quen mít ướt. Những người trưởng thành sẽ không làm khó nhau bằng nước mắt.
2. Soi từng chi tiết
Mỗi lần xảy ra xung đột, cặp đôi thích soi hai lại bắt bẻ, chỉ trích nhau về tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống từ chuyện vặt vãnh đến việc hệ trọng. Mối quan hệ của các bạn lúc nào cũng bấp bênh bởi gặp chuyện gì cũng “ông nói gà, bà nói vịt”. Rất khó cứu vãn chuyện tình kiểu này nhưng không phải là không có cách.
Giải pháp: thay vì khăng khăng giữ định kiến, bạn nên mở lòng hơn. Tập hạn chế những lời chỉ trích phủ đầu và thêm vào cuộc tranh luận những câu hỏi thiện chí để cho đối phương có cơ hội giải thích lí do tại sao họ lại suy nghĩ và hành động trái ngược với mình. Biết đâu bạn sẽ thấy có lí và thông cảm cho người ấy. Cả hai nên lắng nghe thay vì đổ lỗi nhau, nên chấp nhận những khác biệt thay vì cố chấp.
3. Nàng cằn nhằn, chàng bỏ chạy
Nhiều đấng mày râu cho rằng “Em nghĩ chúng ta cần nói chuyện” là câu nói đáng sợ nhất mọi thời đại, họ thường tìm cách chuồn nhanh mỗi khi nghe câu này văng vẳng hoặc thầm thì bên tai. Nếu bạn thường rơi vào những cuộc cãi vã mà bạn muốn làm rõ mọi chuyện còn nửa kia chỉ muốn lẫn tránh tất cả thì bạn đang gặp rắc rối lớn. Không hợp rơ nhau trong các khía cạnh khác đã khổ, thói quen trái ngược nhau cả trong lúc xung đột lại còn kinh khủng hơn. Bạn cảm thấy bất lực vì bản thân càng muốn bày tỏ những bức xúc, giận dữ thì đối phương càng tìm cách đánh lảng.
Giải pháp: Muốn nửa kia ngồi lại cùng hai mặt một lời thì bạn phải xóa bỏ nỗi sợ của anh ấy. Thực chất chàng ngại đề cập trực tiếp đến những xung đột chỉ vì sợ xung đột sẽ bùng nổ thêm. Để khiến nửa kia an tâm, bạn nên giới hạn thời gian của cuộc nói chuyện, hãy nhẹ nhàng rằng “ Em nghĩ chúng ta cần 5 phút đối thoại”. Khi được hứa sẽ không bị “tra tấn” suốt thời gian dài, chàng sẵn sàng chấp nhận một cuộc đối đầu hòa nhã.
4. Sự im lặng chết người
Đây là cuộc chiến nguy hiểm và lâu dài. Xung đột chưa thật sự nổ ra nhưng cả hai thừa hiểu những rạn vỡ đang dần gặm nhấm mối quan hệ. Không còn gì tội tệ hơn giữa hai người yêu nhau lại xảy ra việc “bằng mặt không bằng lòng”. Ở bên nhau như vậy sẽ rất khó chịu, mâu thuẫn mỗi ngày tích lại để đến ngày vỡ tung ra thì chỉ có nước “đường ai nấy đi”
Giải pháp: Cách duy nhất cố nói chuyện thành thật trở lại. Nếu cảm thấy khó khăn khi trực tiếp trò chuyện thì gửi thư tay hoặc tin nhắn điện thoại cũng là những biện pháp khả thi. Bằng mọi cách bạn phải bộc lộ những bức xúc trong lòng và biết được người ấy đã ôm những ẩn ức gì suốt thời gian qua. Tình cảm giữa hai bạn chỉ được hàn gắn khi kênh đối thoại được kết nối trở lại.