Dạy trẻ là “không được nói suông”
Sinh con ra ai cũng mong muốn con mình học giỏi, chăm ngoan, nhưng mỗi đứa trẻ là một tính nết và khả năng, điều kiện của mỗi gia đình cũng khác nhau nên việc dạy dỗ chúng đương nhiên chẳng ai giống nhau. Nhất là với những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống thì sự khác biệt trong cách giáo dục con trẻ thực sự khác biệt “trời – biển”.
Chị Trâm Anh ở Long Biên, Hà Nội có hai đứa con trai. Chồng chị là chủ một doanh nghiệp lớn đang ăn nên làm ra, còn chị là biên tập viên Đài truyền hình, lại “mát tay” nên chị cũng có một chuỗi cửa hàng quần áo thời trang khá đắt khách.
Về kinh tế, phải nói chị Trâm Anh không phải lo gì. Cả hai đứa con chị đều học ở Trường Quốc tế, mỗi tháng tốn cả trăm triệu, chưa kể các loại học thêm, học năng khiếu…Riêng tiền thuê người bằng ô tô đón đưa hai đứa trẻ của gia đình chị đã làm người khác phải mờ mắt.
Cuộc sống vương giả thế nhưng chị Trâm Anh cũng có cách dạy con mà nhiều người cho là “phát xít”. Mới lớp 6, thằng cu lớn nhà chị đã có thể nấu cơm, giặt giũ, phơi phóng quần áo, lau nhà cửa. Thằng bé dù mới lớp 2 nhưng cũng được phân việc rõ ràng và việc ai người nấy làm, không được tỵ nạnh.
Mỗi hè đến, chị Trâm Anh lại tìm một chỗ để rèn con tính tự lập và biết tự lao động trong môi trường khắc nghiệt. Khi thì chị gửi con vào một cửa hàng làm bánh để con tự biết bưng bê, rửa cốc rửa chén, lau chùi bàn ghế. Khi thì chị cho con đi theo những người bán hàng rong lang thang khắp phố phường để giúp thằng bé hiểu kiếm được đồng tiền khó khăn thế nào.
Được cái, cả hai thằng bé nhà chị đều rất ngoan, học giỏi, đặc biệt có lòng trắc ẩn do được giáo dục tốt. Nhưng nói thế không có nghĩa là việc dạy con đều suôn sẻ vì vợ chồng chị và đặc biệt là gia đình bên nội cực lực phản đối. Nhất là chồng chị, nhiều lần thấy thằng lớn về nhà trong trạng thái bơ phờ, mệt mỏi lại sửng cồ lên, thậm chí mâu thuẫn gay gắt.
Nhưng chị Trâm Anh thì luôn quan niệm: dạy trẻ là không được nói suông, đến một độ tuổi nhất định mình phải cho bọn trẻ hiểu bằng những việc làm cụ thể. Tuy nhiên, chị Trâm Anh cũng cho rằng: rèn con không có nghĩa là bắt chúng làm những việc quá khả năng mà phải lượng sức, quan trọng là cũng phải biết động viên, khích lệ để chúng hiểu làm những việc tốt thì sẽ mang lại những điều tốt đẹp.
Phải làm bạn cùng con
Không có điều kiện về kinh tế như gia đình chị Trâm Anh song tấm gương học giỏi, chăm ngoan của hai chị em bé Thảo My (ở Sóc Sơn, Hà Nội) lại khiến cả làng phải nể phục. Bố mẹ bé My đều là những người lao động chân tay, gia đình thuộc diện hộ nghèo trong xã.
Hàng ngày, ngoài giờ đi học, My giúp mẹ việc nhà, trông em mới 5 tuổi để khi bố mẹ đi làm về hầu như họ chỉ việc ngồi vào mâm cơm. Chẳng biết cách giáo dục của cha mẹ Thảo My với con em mình thế nào nhưng điều mọi người dễ nhìn thấy nhất là sự hòa thuận, gương mẫu trong cuộc sống của anh Tú – chị Hoài (bố mẹ My).
Từ chuyện lời ăn tiếng nói, ứng xử với hai bên nội ngoại, bà con làng xóm…dù anh chị là người chân lấm tay bùn nhưng tất cả đều toàn vẹn, chuẩn mực. Có lẽ chính vì lý do này khiến hai chị em Thảo My rất ngoan.
Nói về chuyện dạy con, chị Hoài thật thà cho biết, chị không dạy những thứ cao siêu vì chị cũng chỉ là người lao động bình thường nhưng chị luôn cố gắng để gần con, hiểu con, xem con cần gì, muốn gì. Khi con mắc lỗi, chị tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao mà thay vì mắng mỏ con. Một lần không được thì kiên trì tìm hiểu nhiều lần, ắt sẽ có cách để điều chỉnh.
Trẻ em được ví như cái cây non, muốn uốn phải uốn ngay từ đầu. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của việc giáo dục con cái ngay từ khi chúng còn rất nhỏ, khi mà mọi thứ mới bắt đầu. Làm cha mẹ ai cũng mong con mình lớn khôn, trưởng thành nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Vì thế mới có những đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên đã đi tù vì phạm trọng tội, cá biệt có những đứa trẻ nghịch tử còn bất hiếu với cả cha mẹ, ông bà mình. Đó là còn chưa kể đến những vi phạm hành chính khác hoặc vướng vào các tệ nạn xã hội. ..
Dạy con, đối với mỗi ông bố bà mẹ đều không có một công thức nào nhất định tuy nhiên để con khôn lớn, thành tài thì chắc chắn đó không phải là con đường “trải đầy hoa hồng”. Công sức, tiền bạc là một lẽ, sự kiên trì, hy sinh với nhiều trường hợp còn lớn hơn rất nhiều, ấy là khi những đứa trẻ sinh ra có khiếm khuyết về sinh học hay trí tuệ.
Không có lời khuyên nào được cho là chuẩn mực của các chuyên gia về việc nuôi dạy con sao cho tốt bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Quan trọng là các bậc làm cha mẹ phải thấu hiểu, chia sẻ với con mình, giáo dục đi đôi với khích lệ, động viên, khen thưởng để tạo cho trẻ niềm vui, sự tự tin trong cuộc sống.
Nói như nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu khi nói về hành trình của chị đồng hành cùng cô con gái Lã Hồ Minh Khuê ( Minh Khuê là sinh viên Việt Nam trúng tuyển ĐH Harvard với học bổng toàn phần danh giá của trường trong cả 4 năm đại học): Muốn dạy con, trước hết làm bạn cùng con. Cách tác động tốt nhất lên tinh thần con trẻ là đi vào trái tim, tình cảm của trẻ .
Bên cạnh đó, cũng đề cao tính kỷ luật bởi nếu không có nó sẽ không có ranh giới giữa việc được và không được làm. Ở một góc độ khác không thể thiếu là cha mẹ phải làm gương ở mọi nơi mọi lúc, vì con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ và những người thân trong gia đình để học theo. Do vậy, cách hành xử của bố mẹ sẽ quyết định một phần rất lớn đến việc hình thành nhân cách cho trẻ.