Tự tử gia tăng
Tháng 4 vừa qua, Báo cáo cảm xúc toàn cầu của Gallup cho thấy mọi người trên toàn thế giới ngày càng buồn rầu, lo lắng, sợ hãi và giận dữ hơn bao giờ hết. Điều này có thể không quá bất ngờ với nhiều người khi mỗi ngày thức dậy, chúng ta bị “bao trùm” bởi đủ mọi cảnh báo chết chóc từ thảm hoạ môi trường, bạo lực hàng loạt và những bi kịch đau đớn cá nhân. Theo đó, những người không thể chịu nổi áp lực tâm lý đã tìm đến cái chết để tự giải thoát bản thân.
Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ tự tử đã tăng 30% từ năm 2000 đến năm 2016. Tự tử là quốc nạn ở Nhật Bản - nơi hàng năm có trên dưới 30.000 người tự tử. Thật khó có thể xác định một lời giải thích duy nhất cho những con số này.
Tuy vậy, không thể phủ định, kết quả này xuất phát từ một số căng thẳng nhất định trong xã hội. Đơn cử, một nghiên cứu năm 2010 đã chỉ ra mối liên hệ giữa các khoản nợ và hành động tự tử; đặc biệt trong những thời điểm nền kinh tế suy thoái và khó khăn, tỷ lệ tự tử có xu hướng gia tăng.
Ngoài căng thẳng về mặt kinh tế, một nghiên cứu gần đây của trường đại học Stanford (Mỹ) đã phát hiện mối liên hệ giữa nhiệt độ tăng và tỷ lệ tự tử cao hơn, tức là yếu tố môi trường cũng tạo ra sự gia tăng các vụ tự tử.
Không chỉ thế, những biến động xã hội gây nên tổn thương tâm lý nhất định cũng gia tăng nguy cơ tự tử. Đơn cử, tháng 3 năm nay, ba người khác nhau bị ảnh hưởng trực tiếp bởi một vụ nổ súng ở trường tiểu học Sandy Hook (Mỹ) đã chết vì tự tử; trong đó có hai người là học sinh trung học và người còn lại là cha đứa trẻ bị giết.
Đây không phải lần đầu tiên, kéo theo sau một vụ nổ súng là các vụ tự tử của những người đã chứng kiến hoặc trải qua, bị ảnh hưởng bởi sự kiện đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ giữa những chấn thương tâm lý từ những sự kiện chấn động trên, đã dẫn đến trạng thái rối loạn căng thẳng và trầm cảm, khiến họ phải kết thúc cuộc sống của mình bằng hành động tự tử.
Nhà tâm lý học người Mỹ Madelyn Gould phân tích: “Cá nhân tự tử thường đã bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như rối loạn tâm trạng, lạm dụng chất gây nghiện, trạng thái lo âu kéo dài, xu hướng bạo lực, thay đổi nội tiết tố hoặc tổn thương tâm lý từ những biến cố thời thơ ấu.
Sau khi trải qua một sự kiện được coi là “kích hoạt lại” tâm lý tiêu cực, căng thẳng khiến cho những cá nhân này rơi vào trạng thái thay đổi tâm trạng một cách bất thường; có người cảm thấy lo lắng, người cảm thấy sợ hãi, vô vọng hoặc tức giận cực độ.
Nếu trạng thái này bị gián đoạn hoặc bị ức chế bởi những hỗ trợ xã hội sẵn có, sự hiện diện của người khác, đôi khi còn là niềm tin tôn giáo thì người đó có khả năng sống sót cao hơn. Ngược lại, nếu có những điều kiện thuận lợi để tự tử như chỉ ở một mình, có sẵn vũ khí… thì nguy cơ người đó tìm đến cái chết sẽ cao hơn”.
Giải pháp lâu dài cho một vấn đề tạm thời
Có ý kiến cho rằng, bất cứ ai trong chúng ta cũng đã có ý nghĩ tự tử tại một số thời điểm trong cuộc sống. Cảm giác tuyệt vọng và ý muốn tự tử không phải là khiếm khuyết của con người, cũng không có nghĩa người đó bị điên khùng hay yếu đuối. Trạng thái này đơn giản là một tín hiệu mà cơ thể đang gửi đến thân chủ của nó rằng: “Bạn đang có nhiều nỗi đau hơn bạn có thể chịu đựng và xử lý ngay lúc này”.
Nhiều người luôn nghĩ đến việc lấy đi mạng sống của chính mình khi cảm thấy bị choáng ngợp bởi sự chán nản, u uất và vô vọng. Nếu ta không thể nghĩ ra giải pháp nào khác ngoài tự tử, thì đó không phải là những giải pháp khác không tồn tại, mà là do nỗi đau cảm xúc mãnh liệt đang chi phối, làm méo mó suy nghĩ của ta mà thôi.
Cho dù cảm xúc đau đớn và tuyệt vọng dường như quá sức và kéo dài vô tận vào thời điểm đó; trên thực tế các cuộc khủng hoảng tâm trạng thường chỉ là tạm thời. Tự tử chỉ là một giải pháp lâu dài cho một vấn đề tạm thời.
|
Hàng triệu người mỗi năm tự tử vì trầm cảm. (Ảnh minh họa) |
Người muốn tự tử thường có các biểu hiện tâm lý bất thường như lo lắng kéo dài, mất ngủ, trầm cảm, tự ti, ngại giao tiếp, cảm xúc tiêu cực... Khi nói đến việc cứu một cuộc sống khỏi tự tử, mọi người, nhất là người thân, bạn bè, hàng xóm khi thấy người khác có những biểu hiện này cần kịp thời nắm bắt, tìm hiểu để san sẻ nỗi niềm, chia sẻ khó khăn và trợ giúp. Nhiều khi chỉ cần một lời động viên đúng lúc sẽ giúp xua tan ý nghĩ tiêu cực.
Tổ chức Phòng chống tự tử Quốc gia ở Mỹ khuyến cáo người dân tham gia một chiến dịch tên #Bethe1to - nơi dạy cho mọi người năm bước đơn giản mà họ có thể thực hiện để giúp ai đó đang có ý định tự tử.
Đó là Ask (Hỏi); Keep them safe (Giữ họ ở nơi an toàn); Be there (hãy ở bên cạnh họ); Help them connect (Giúp họ tìm sự hỗ trợ xã hội); Follow up (Hãy giữ liên lạc). Bên cạnh đó, tìm đến bác sĩ tâm lý cũng là một biện pháp quan trọng đối với bất cứ ai đang đấu tranh với ý nghĩ tự tử.
Đã có vô số câu chuyện đầy hy vọng về những người đã tự tử đã kiên trì học những kỹ năng đối phó và vượt qua sự tiêu cực, vượt qua bệnh trầm cảm; họ không ngừng tìm kiếm những nguồn sức mạnh để tiếp tục sống và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống của mình.
Kết luận
Trên thực tế, việc phòng ngừa tự tử hiện nay còn nhiều khó khăn. Nhiều người có ý định tự tử không muốn giãi bày nguyên nhân tìm đến cái chết cho người khác vì nghĩ rằng có chia sẻ thì người khác cũng không giúp được gì.
Ở nhiều nước phát triển có các tổ chức, nhóm từ thiện, đội ngũ bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý chuyên nắm bắt thông tin và giúp đỡ người muốn tự tử. Ngoài ra, các cơ quan liên quan còn thiết lập đường dây nóng, lắp camera ở các khu vực có nhiều người muốn tự tử, thành lập đội phản ứng nhanh... nhằm hỗ trợ cho người có ý muốn tự sát.
Đầu tháng 10/2018, Thủ tướng Anh thậm chí đã bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế Jackie Doyle-Price kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Phòng chống tự sát. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Anh trong vấn đề phòng ngừa nạn tự tử.
Theo WHO, nguyên nhân nhiều nhất dẫn tới người trẻ tử vong xuất phát từ những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Cuối năm 2018, dư luận cả nước đau xót trước nhiều câu chuyện tự tử thương tâm; trong đó đau lòng nhất có lẽ chính là chuyện 4 người nhà anh N.T.T (xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh); gia đình này gồm hai vợ chồng anh T. và 2 đứa con nhỏ.
Trong thư tuyệt mệnh, anh T. cho biết vài năm gần đây cuộc sống bế tắc, vô nghĩa, nếu hai vợ chồng cùng chết, hai đứa con thơ cũng không có ai nuôi dưỡng nên cả nhà đều chết trong tư thế treo cổ.
Hiện trạng nhức nhối này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan chức năng nước ta cần sớm có biện pháp cụ thể nhằm cứu giúp những người có ý định tự tử và có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Muốn ngăn ngừa hiệu quả nạn tự tử, cần có kế hoạch tổng thể ở cấp quốc gia để các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành kế hoạch hành động.
Song, một hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần hoàn thiện như ở các nước phát triển không chỉ cần sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, trường học, bệnh viện… Quan trọng hơn hết, vấn đề sức khoẻ tâm thần của người hiện đại cần được phổ biến, tuyên truyền để toàn thể xã hội có nhận thức đúng đắn, cẩn trọng hơn với sức khoẻ bản thân và sức khoẻ cộng đồng.