“Cài bẫy” nhận tội bằng lá đơn bảo lãnh?

(PLO) - Vụ 7 người dân “dính” vòng lao lý vì mấy cây tràm mà PLVN từng phản ánh đã được Công an TP.Biên Hòa gia hạn điều tra, nhưng các bị can đều không nhận tội. Phải chăng vì thế mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang cố tìm mọi cách để buộc tội, kể cả dùng… “bẫy”?
Phi tang chứng cứ
Như đã thông tin, sau khi Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa (TTLNBH) Trần Đình Xướng tố cáo 7  hộ dân cưa 24 cây tràm (giá trị 21.027.220 đồng), Công an TP.Biên Hòa lập tức vào cuộc rồi ra quyết định khởi tố, bắt giam một loạt người, dù chính quyền sở tại là UBND  phường Long Bình (TP.Biên Hòa) xác nhận đó vốn chỉ là một “khu đất trống”, với toàn cây cỏ, lá khô chứ không phải là rừng. Được biết, sau 2 tháng tạm giam, các bị can không nhận tội nên ngày 5/9/2014, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã gia hạn tạm giam thêm 20 ngày nữa. 
Suốt thời gian đó, công luận liên tiếp khẳng định vụ bắt người về tội “Hủy hoại tài sản” như đã nói ở trên là một vụ oan sai. Không có căn cứ các hộ dân chặt 24 cây tràm vì tại hiện trường chỉ có 13 gốc, kể cả một gốc đã bị mục. Tuy nhiên, đó là cây trên đất họ mua từ năm 2005, không có căn cứ nào nói đó là cây của TTLNBH. 
Mặt khác, CQĐT không kiểm tra hiện trường, không thu giữ tang vật mà để TTLNBH quản lí là không khách quan. Vì thế, nội dung Kết luận điều tra (KLĐT) ngày 30/8/2014 đã phải hạ số cây bị chặt là 12 cây và giá trị thiệt hại chỉ còn 10.694.167 đồng. KLĐT cũng cho biết ngày 7/5/2014, TTLNBH đã thanh lý số cây bị chặt hạ và đã bán cho ông Nguyễn Phú Đức ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa. Đây là một điều chưa từng có, số cây này là tang vật quan trọng nhất, tại sao vụ án chưa kết thúc điều tra mà tang vật lại bị bán đi? Nếu nay mai vụ án được đưa ra xét xử, tang vật của vụ án không có thì CQĐT giải thích như thế nào? Căn cứ nào để truy tố, xét xử?
Vật chứng, nhân chứng và hiện trường là ba yếu tố không thể thiếu trong một vụ án hình sự, nhưng trong vụ án này, ba yếu tố nói trên đều rất vu vơ, mơ hồ? Thế nhưng, Công an TP.Biên Hòa vẫn kí quyết định khởi tố, bắt giam một loạt người, và đáng nói là sau đó Phó Viện trưởng VKSND TP.Biên Hòa Hoàng Thị Thùy Giang vẫn vô tư phê duyệt lệnh bắt người. Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Điều tra viên Lưu Thế Mạnh cố tình tin lời ông Giám đốc TTLNBH để hãm hại một loạt người vô tội? Căn cứ nào để VKSND TP.Biên Hòa phê duyệt quyết định khởi tố và lệnh bắt giam một cách dễ dàng như vậy?    
“Cài bẫy” nhận tội?
Theo KLĐT thì TTLNBH đã bán 12 cây tràm, thu được 10.694.167 đồng, mà số cây này đã đến kì thu hoạch, như vậy là tài sản này không mất, không có sự thiệt hại. Công an TP.Biên Hòa khởi tố 8 người, bắt giam 5 người với tội danh “Hủy hoại tài sản” là không chính xác. Tổng giá trị thiệt hại chỉ 10.694.167 đồng, nếu đem chia cho 8 người thì mỗi người phải chịu 1.336.770 đồng. 
Không những thế, suốt thời gian xảy ra vụ việc cho đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Công an chưa bao giờ nói đến chuyện “chống người thi hành công vụ”. Bỗng nhiên, KLĐT ngày 30/8/2014 lại nêu các bị can này “chống người thi hành công vụ”? Nhưng nếu nói “chống người thi hành công vụ” thì họ đã chống như thế nào? 
Cụ thể, KLĐT viết: “Khi cơ quan chức năng… lập biên bản thì Thúc (tức ông Đinh Trọng Thúc) và đồng phạm có hành vi cản trở, lăng mạ tổ công tác, rồi bỏ đi không kí biên bản”. Sự thật, thời điểm đó ông Thúc không có mặt tại tỉnh Đồng Nai. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hải - người kí tên trong “Biên bản vi phạm” ngày 14/10/2013 cho biết, sáng 14/10/2013, anh đến hiện trường thì thấy cây đã bị cưa đổ từ bao giờ, tại hiện trường không một bóng người. Như vậy, không thể nói là có chuyện chống người thi hành công vụ? 
Xung quanh chi tiết này, các bị can bức xúc cho rằng, CQĐT đã vu cáo để hãm hại họ. Cũng trong những ngày này, có một chuyện lạ xảy ra là anh Vũ Văn Chỉnh, có vợ là Vũ Thị Mộng Huyền đang bị bắt tạm giam, được một người gợi ý rằng, anh ta có quen ai đó bên VKSND TP.Biên Hòa, nếu anh Chỉnh làm “Đơn xin bảo lãnh” (xin tại ngoại chờ điều tra xét xử) thì vợ anh sẽ được tại ngoại. “Được lời như cởi tấm lòng”, anh Chỉnh ngỏ lời nhờ người này giúp. 
Liền sau đó anh Chỉnh nhận được một tờ “Đơn xin bảo lãnh” đã in sẵn, trong đó có một số nội dung đáng ngờ như sau: “Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra hiện trạng thì vợ chồng tôi mới vỡ lẽ đã mua nhầm đất công của TTLNBH”, và rằng: “Vợ tôi cùng người thân đã bàn bạc cưa các cây trên để bán đỡ được đồng nào hay đồng đó”, “việc làm trên đã vi phạm pháp luật… Tôi làm đơn này xin lỗi đến các cơ quan chức năng…”. Cuối đơn có mục “ký tên” và xin “xác nhận của chính quyền địa phương”. Dư luận cho rằng đây là cái bẫy được cài sẵn để nếu người thân của bị can ký vào đơn là vô tình họ đã thừa nhận những người bị bắt giam là có tội? 
Để tránh gây ra án oan, cần lắm sự vào cuộc của các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai và Trung ương để tính nghiêm minh của pháp luật được đảm bảo.

Đọc thêm