Vụ án chấn động
Ngày 27/3/1983, cả thành phố Little Rock, bang Arkansas (Mỹ) chấn động trước thông tin về một vụ bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại cô Marjorie “Greta” Mason - một nữ y tá da trắng phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ. Cảnh sát cho biết, thi thể của nạn nhân được tìm thấy ở một trang trại bỏ hoang ở ngoại ô Little Rock. Nạn nhân được cho là đã bị hãm hiếp và bị sát hại bởi 1 hoặc 2 người đàn ông.
Vẫn theo các thông tin mà cảnh sát thu thập được, buổi tối hôm trước khi phát hiện thi thể nạn nhân, một cảnh sát đã đuổi theo chiếc xe của Marjorie nhưng sau đó mất dấu. Vụ việc đã dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng, Tommy Robinson (cảnh sát trưởng địa phương) đã lên truyền hình và tuyên bố sẽ nhanh chóng thực thi công lý.
6 ngày sau khi thi thể nạn nhân được phát hiện, khi truyền thông đã công bố nhiều thông tin liên quan đến vụ án, cảnh sát cho biết họ nhận được một tin nhắn nặc danh tố giác tội phạm. Theo nguồn tin này, nghi phạm mà cảnh sát đang tìm kiếm là 2 anh em Robert và Barry Lee Fairchild. Ngay lập tức, 50 cảnh sát được điều động tới bắt giữ Barry Fairchild. Nhìn thấy cảnh sát, Barry sợ quá nằm ngay xuống đất nhưng các cảnh sát lại thả chó nghiệp vụ ra, khiến anh ta bị cắn rất nhiều vào cổ, người và đầu. Tại bệnh viện sau đó, Barry đã phải khâu đến 7 mũi trên đầu. Vừa từ bệnh viện ra, anh ta tiếp tục bị đưa tới đồn cảnh sát để thẩm vấn.
Tại đây, Barry - một thanh niên mù chữ và bị bệnh tâm thần đã thú nhận trước camera rằng anh ta có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, anh khẳng định không trực tiếp giết chết nạn nhân mà chỉ ngồi trên chiếc xe của Marjorie khi vụ phạm tội diễn ra. Thế nhưng, sau 1 đêm thẩm vấn, Barry lại thay đổi lời khai, thú nhận rằng anh ta là thủ phạm và đưa ra các thông tin hoàn toàn trùng khớp với những tình tiết xảy ra trong vụ việc. Còn Robert nhất quyết không nhận tội.
Phiên tòa kịch tính
Phiên tòa xét xử Barry diễn ra vào ngày 26/7/1983 tại Tòa án hạt Lonoke và do Thẩm phán Cecil A.Tedder chủ trì. Công tố viên phụ trách vụ việc là Chris Raf, còn luật sư trẻ Joe O’Bryan là người bảo vệ cho quyền lợi của bị cáo. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, Barry liên tục bác bỏ những lời thú tội được anh ta đưa ra trước đó và cáo buộc các cảnh sát Tommy Robinson, Larry Dill đã đánh đập, đe dọa sẽ giết nếu anh không nhận tội. Barry cũng tuyên bố tên của người đồng phạm mà anh ta khai là do chính các điều tra viên đưa ra.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho Barry cũng đã tìm cách chứng minh văn phòng cảnh sát địa phương đã hành hung nghi phạm bằng việc mời một số người Mỹ gốc Phi từng bị thẩm vấn trong những ngày trước khi Barry bị bắt. Những người này đều khai báo đã bị cảnh sát trưởng Tommy và những phụ tá của ông ta đánh đập, thậm chí kề súng vào đầu họ để ép họ phải thừa nhận đã phạm tội.
Vẫn theo những người này, các cảnh sát nói trên trong quá trình thẩm vấn đã tìm cách để buộc họ phải ký vào những bản thú nhận phạm tội do chính cảnh sát viết sẵn trước đó. Những nhân chứng này cũng xác nhận họ đã chứng kiến cảnh những nghi phạm khác bị cảnh sát trưởng và các cảnh sát khác đánh đập, nhục mạ.
Trong khi đó, các bằng chứng chống lại Barry tại tòa lại rất “mỏng”. Các công tố viên đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy Barry có liên quan đến vụ cưỡng hiếp và giết hại nạn nhân Marjorie: tất cả những dấu vân tay được tìm thấy trên chiếc ô tô hay những vật dụng của nạn nhân đều không trùng khớp với dấu vân tay của bị cáo; những sợi tóc trong chiếc mũ được tìm thấy ở gần hiện trường vụ phạm tội và được xác định là mũ của Barry lại không phải là tóc của anh ta và đặc biệt là mẫu tinh dịch được tìm thấy trên cơ thể nạn nhân được xác định là của người nhóm máu O, trong khi Barry thuộc nhóm máu A.
Vậy nhưng với bằng chứng duy nhất là lời thú tội của nghi phạm thu được trong quá trình thẩm vấn, ngày 2/8/1983, bồi thẩm đoàn vẫn nhất trí buộc tội hãm hiếp và giết người với Bar¬ry và Thẩm phán Cecil A.Tedder sau đó đã ra phán quyết tuyên án tử hình bằng thuốc độc đối với anh này.
Liên tục kháng án
Sau khi bản án được tuyên ra, Barry và các luật sư của anh đã liên tục nộp đơn kháng án, bắt đầu với đơn kháng án trực tiếp lên Tòa án Tối cao Arkansas. Song, năm 1984, Tòa vẫn đã ra phán quyết giữ nguyên bản án của tòa cấp dưới. Không chấp nhận kết luận trên, Barry tiếp tục đệ đơn lên tòa án liên bang. Nhưng Thẩm phán Eisele đã bác bỏ những tuyên bố này vào năm 1987.
Đơn kháng án lần 2 của Barry cho rằng anh này đã tự nguyện từ bỏ các quyền hiến định của mình trước khi tự thú nhưng trên thực tế với việc bị bệnh tâm thần, rõ ràng anh ta không thể đủ năng lực hành vi để làm điều này, do đó việc từ bỏ quyền lợi là không hợp pháp. Kháng nghị này tiếp tục bị thẩm phán bác bỏ vào năm 1989. Cùng năm đó, nhóm luật sư của tử tù này đệ đơn kháng án lần thứ 3, trong đó cung cấp thêm những bằng chứng việc thú tội của Barry là do cưỡng ép nên không đáng tin.
Một lần nữa thẩm phán Eisele bác bỏ tuyên bố này vào năm 1990. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm sau đó đã đề nghị tòa cấp dưới mở phiên điều trần để xem xét các bằng chứng do nhóm luật sư đưa ra nhằm xác định tính hợp lệ của tuyên bố này.
Trong suốt phiên điều trần kéo dài 17 ngày đó, nhiều nhân chứng đã đứng ra làm chứng việc họ bị cảnh sát trưởng Tommy đánh đập. Một người cấp phó của ông Tommy cũng đứng ra tố cáo việc cảnh sát trưởng hành hung nghi can và cho biết vị cảnh sát trưởng này đã ra lệnh cho cấp dưới đánh đập nghi can để ông ta có được lời tự thú. Thế nhưng, vào năm 1991, tòa án một lần nữa bác bỏ các cáo buộc của luật sư và cho rằng chỉ có một số nhân chứng có thể đã bị đánh đập, đe dọa hoặc có hành vi cưỡng ép.
Năm 1993, trong lần kháng án thứ 4 và cũng là lần cuối cùng, thẩm phán Eisele dựa trên các bằng chứng được trình bày thừa nhận Barry không phải là người đã bắn và giết chết nạn nhân Marjorie mà chỉ có thể là đồng phạm và đảo ngược bản án tử hình, thay vào đó là án tù chung thân không ân xá. Song, Tòa phúc thẩm 1 năm sau đó lại bác bỏ phán quyết của thẩm phán Eisele và một lần nữa tuyên bố áp bản án tử hình đối với anh ta.
Ngày 11/8/1995, ban xét ân xá bang Arkansas đã bỏ phiếu về đề nghị khoan hồng đối với Barry. Song, anh này thiếu 1 phiếu để được xét khoan hồng. Với kết quả như vậy, 3 tuần sau đó, Barry Lee Fairchild đã phải trả án.
Năm 2002, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho rằng việc thi hành bản án tử hình đối với người bị tâm thần là vi hiến vì trong Tu chính án thứ 8 của nước này nêu rõ việc cấm áp dụng hình phạt tàn bạo ít nhất trong trường hợp các bị cáo có vấn đề về sức khỏe tâm thần và có dấu hiệu cho thấy họ có nguy cơ bị tử hình oan vì đã vô tình thú nhận tội ác mà không phạm phải. Có điều, lúc này, mộ của Barry đã xanh cỏ và phán quyết của Tòa tối cao Mỹ cũng chỉ có thể ngăn ngừa được các trường hợp tương tự về sau...