Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó...

(PLO) - “Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó!”. Mỗi lần xem đoạn quảng cáo cảm động trên, bà Hiền đều rưng rưng nước mắt vì thấy vợ chồng ông bà lão trong clip quảng cáo sao giống gia cảnh của mình đến thế. 
Ảnh minh họa. Ảnh internet.
Ảnh minh họa. Ảnh internet.

“Trước kia, khi chúng nó còn bé thì Tết đông đủ. Từ ngày con cái trưởng thành, dựng vợ, gả chồng, Tết nhà tôi quạnh vắng lắm…”- bà Hiền chậm rãi trải lòng.

Mỗi dịp Tết đến, thấy hàng xóm con cháu tựu tề đông đủ, vợ chồng bà Hiền lại nhìn nhau mà chẳng nói câu gì. Ông bà sinh được 4 người con trai và giờ tất cả đều lập nghiệp, sinh sống ở 4 phương trời khác nhau. 

Anh con cả đi tu nghiệp bên Nhật thì định cư và làm việc luôn ở xứ sở Anh Đào. Anh Hai làm cho một công ty dược ở Vĩnh Phúc rồi cưới vợ, xây nhà trên đó. Anh Ba làm cho công ty khoáng sản ở Tây Nguyên còn cậu út làm bất động sản khu vực các tỉnh phía Bắc. Nhà đa đinh là vậy nhưng anh nào cũng bận làm ăn rồi còn lo lắng cho vợ con và gia đình nhỏ nên hiếm khi nào hội tụ đông đủ với bố mẹ trong dịp Tết. Có năm, anh này về với bố mẹ trước Tết, anh khác lại về sau Tết hoặc đáo qua bố mẹ được thoáng chốc rồi đi. Anh cả thì vài năm mới về nước một lần và cũng chỉ về được đúng một lần vào dịp tết Nguyên đán. 

Vì công việc và khoảng cách xa xôi, ông bà Hiền không bao giờ dám đưa ra quyết sách gì cho các con vào dịp tết mà luôn miệng động viên các con làm ăn tấn tới, giữ gìn sức khỏe như thế là ông bà đã mừng lắm rồi. Nói là vậy nhưng mỗi lần năm hết tết đến, nhìn các gia đình hàng xóm cháu con đông đúc, ông bà đành nén tiếng thở dài rồi an ủi nhau: “Thì biết làm sao được, cuộc đời của chúng nó giờ khác phách, khác nhịp nhau. Không thể sum vầy đông đủ như ngày thơ bé được”. 

Rồi  ông bà lại quay sang nhau ao ước: “Ước gì sang năm chúng nó bố trí về ăn tết cùng đợt thì cả nhà phải 3-4 mâm nhỉ? Chắc là vui lắm!”. Nghĩ tuổi cả hai năm nay đã ngoài 70, nếu ông giời thương thì cho sống mươi năm nữa. Chừng đó thời gian chỉ mong cả nhà tề tựu lấy vài lần thì cả ông lẫn bà đều mãn nguyện.

Năm rồi, chẳng mấy khi được về nhà ngoại ăn Tết sớm, chị Ngọc Mai phấn khởi đi chúc tết nhà dì Tư từ sáng mùng Hai. Đầu ngõ tấp nập người đi lại, tiếng trẻ con nghịch, hét ầm ĩ mà bước chân vào sân nhà dì Tư thì yên lặng quá. Tưởng nhà không có ai, chị Mai toan ra về thì thấy tiếng lạch cạch ở khu bếp. Chị bước nhanh qua đó để gọi xem ai ở nhà, đập vào mắt chị là dì Tư đang ngồi thu lu bên bếp lửa, khuôn mặt buồn so. Thấy cháu gái, dì giãn nét mặt ra tí chút rồi giải thích: “Vợ chồng thằng Phong về nhà ngoại từ 30, mùng Ba lên. Vợ chồng con Hà lại chỉ lên có một ngày mùng Một. Ông ấy vừa đi chúc tết họ hàng, thành thử chỉ có mình dì thôi!”.
Chị Ngọc Mai nhớ ngày Phong với Hà còn nhỏ, Tết nào nhà dì cũng đông chật bạn bè của hai đứa đến chơi nên chú dì cũng vui vẻ, xởi lởi lắm. Chẳng thế mà, mấy chị em chị Mai lúc nào cũng xin bố mẹ sang nhà dì Tư tụ tập. Giờ thì mọi chuyện đã đổi thay nhiều quá. Tết nhất vắng vẻ thế này, chị Mai nhìn dì thấy già và kém vui hơn hẳn. "Hai em trưởng thành, ba chốn, bốn nơi. Con gái phải lo Tết bên chồng, con trai thì lo Tết bên vợ. Chú dì không thể trách giận các em được nhưng thỉnh thoảng lại mong giá chúng nó cứ bé bỏng mãi trong vòng tay của mình để những dịp nghỉ lễ có chúng nó quây quần ở bên…”, dì Tư bộc bạch.

Tết nhà bà Liên có 3 cô con gái mới thật buồn và lặng lẽ. Đêm 30, bà Liên vừa rửa lá dong vừa lau nước mắt vì nhớ con. Năm đó, cô con út của bà vừa lên xe hoa vào dịp cuối tháng 12 khiến nhà quạnh quẽ hẳn. Ba đứa con gái của bà lại lấy ba anh đều là con cả nên Tết phải lo nhiều công việc bên gia đình chồng. 

Tết nhà bà ăn uống nhẹ nhàng nhưng vắng con, vắng cháu bà thấy thiếu hụt lắm. Chẳng những thế, bà còn nhẩm nghĩ không biết các con có vất vả quá không?. Có biết lối mua bán, sắm tết cho gia đình chồng không? Rồi lại lo cho cô út, vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng, nào đã biết làm việc gì đâu. Chẳng rành rõ ông bà thông gia có thông cảm, đại xá cho con dâu mới chút nào? Nhớ con lại lo cho con nên mấy ngày Tết với bà Liên thật nặng nề. Được cái các cô con gái của bà hay tâm sự với mẹ. Vậy là ngày nào tối muộn bà cũng ngồi cầm điện thoại để chờ các con gọi điện chuyện trò. Nghe con khoe mình mua cái này, sắm cái nọ, bà mừng vì thấy các con đã lớn thật rồi, không còn bé bỏng như ngày xưa trong vòng tay mẹ nữa….

Tết sum vầy luôn là niềm mong mỏi của cha mẹ nhưng khi con cái đã trưởng thành việc này là điều không dễ. Người trẻ chạy theo cuộc sống riêng. Rồi nếu Tết nhà nội có đủ mặt con cháu thì nhà ngoại lại quạnh quẽ. Thật khó để vẹn tròn cả hai bên. Dường như sự no đủ lại lại tỷ lệ nghịch với sự đầm ấm.

Đọc thêm