Cái kết khiên cưỡng của kỳ án

(PLVN) - Cho đến nay, vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olaf Palme ở Thủ đô Stockholm đêm khuya 28/2/1986 vẫn được liệt vào diện những kỳ án thế giới của thế kỷ 20 và là một trong những cơn ác mộng của đất nước Thuỵ Điển. 
Cố Thủ tướng Thụy Điển Olaf Palme
Cố Thủ tướng Thụy Điển Olaf Palme

Ông Palme là một trong những chính khách nổi tiếng nhất của Thụy Điển và trên thế giới trong thế kỷ đã qua. Kẻ bắn chết ông Palme hôm ấy là ai và ám sát chính trị gia này nhằm mục đích gì là những câu hỏi khiến đất nước Thuỵ Điển bị dằn vặt không nguôi.

Ngày 10/6 vừa qua, phía cảnh sát điều tra và công tố nhà nước đã công bố kết quả điều tra và danh tính thủ phạm, đúng hơn là danh tính của người mà họ tin rằng là thủ phạm. Với những công bố này, phía cơ quan công quyền của Thụy Điển chính thức chấm dứt công việc điều tra về vụ án, có nghĩa là chính thức khép lại vụ án.

Như thế cũng còn có nghĩa là vụ án này đã có hồi kết. Chỉ có điều là cái kết ấy không thật sự thuyết phục bởi rất khiên cưỡng. Nó không thuyết phục mà khiên cưỡng bởi kẻ bị coi là thủ phạm đã chết từ cách đây đúng 20 năm rồi. Đêm 28/2/1986, ông Palme và vợ đi xem phim và đi bộ về.

Tuy là Thủ tướng nhưng ông Palme không sử dụng bất cứ biện pháp an ninh nào cho riêng mình. Những ai không biết mặt ông thì chỉ coi vợ chồng người đứng đầu Chính phủ Thụy Điển như bất kỳ cặp vợ chồng người dân bình thường nào khác trên đường phố.

Vụ ám sát cố Thủ tướng Thụy Điển Olaf Palme 35 năm qua chưa tìm ra thủ phạm
Vụ ám sát cố Thủ tướng Thụy Điển Olaf Palme 35 năm qua chưa tìm ra thủ phạm 

Ông Palme bị bắn chết từ phía sau lưng. Những người dân có mặt vào thời điểm xảy ra vụ sát hại, tức là nhân chứng, không nhìn rõ mặt thủ phạm mà chỉ có thể tả lại hình dáng thủ phạm. Kẻ này biến mất luôn sau khi nổ súng vào ông Palme và không bắn người vợ. Điều này cho thấy thủ phạm biết rất rõ người bị bắn là ai và chủ ý của hắn ta là bắn ông Palme.

Trong thời gian 34 năm qua, cảnh sát Thụy Điển đã thẩm vấn hơn 10.000 người về vụ án này, đã có 134 người tự nhận là thủ phạm, trong đó có rất nhiều người công khai tự nhận là thủ phạm. Hàng năm, Quốc hội nước này vẫn dành một khoản tiền ngân sách không nhỏ để chi cho công chuyện điều tra. Công cuộc điều tra càng bế tắc thì thuyết âm mưu càng nhiều.

Ông Palme là thủ lĩnh phe xã hội dân chủ ở Thụy Điển và châu Âu, tức là cánh tả và vì thế bị coi là đối thủ chính trị đáng gờm của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Các cơ quan tình báo và mật vụ CIA của Mỹ hay Mossad của Israel đều là đối tượng của thuyết âm mưu, có lợi ích với việc ám sát ông Palme. Lực lượng vũ trang của đảng PKK cũng bị liệt vào diện nghi vấn và tiến hành điều tra.

Nhưng rồi việc điều tra vẫn bế tắc, vũ khí gây án vẫn không tìm thấy. Bây giờ, thủ phạm được nêu danh là Stig Engstroem. Người này làm việc cho hãng bảo hiểm Skandia ở ngay cạnh nơi ông Palme bị sát hại. Kết quả điều tra cho thấy chỉ không đầy 3 phút sau khi rời nơi làm việc đêm hôm ấy, hắn ta đã nổ súng vào ông Palme. Ai tin hay không tin là chuyện riêng của họ. Người này tự coi là nhân chứng, xuất hiện trên truyền hình, kể rằng đã tham gia cấp cứu ông Palme.

Người này đã chết từ năm 2000 nên giờ không còn có thể đối chứng với những cáo buộc vừa rồi. Không có bằng chứng nào có thể buộc tội được anh ta mà chỉ có một kết luận anh ta là thủ phạm. Với cái kết như thế, vụ kỳ án này làm sao có thể thật sự kết thúc được. Nó mãi mãi vẫn là câu đố không có lời giải. 

Đọc thêm