Cái Tết cuối cùng “sống tạm” bờ thành Huế

(PLVN) - Những người dân sinh sống khu vực I Di tích Kinh thành Huế sắp có sự đổi thay, bước sang trang mới. Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hàng nghìn người sẽ được tới nơi ở mới. Họ đang chuẩn bị đón cái Tết cuối cùng ở nơi cũ với nhiều cảm xúc.
Bà con Thượng Thành vui mừng khi cùng ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi xem nơi ở mới sạch đẹp, khang trang
Bà con Thượng Thành vui mừng khi cùng ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi xem nơi ở mới sạch đẹp, khang trang

Giấc mơ không còn xa

Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, đây là nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực Thượng Thành, Eo Bầu và các khu di tích nằm trong Kinh thành Huế sinh sống, xây dựng nhà cửa.

Nhiều năm qua, người dân khu vực này đều mong muốn được di dời tới nơi ở mới vì nơi đây nhếch nhác, ô nhiễm. Đến ngày 10/12/2018, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực được Thủ tướng phê duyệt tại Công văn 1771/TTg-CN.

Ngoài việc hỗ trợ 100% giá trị về đất bằng giá trị đền bù với những trường hợp lấn chiếm đất di tích làm nơi ở, dự án còn kèm theo nhiều ưu đãi khác có lợi cho dân như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư, hỗ trợ đối tượng chính sách và hộ nghèo – cận nghèo, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, hỗ trợ khi Nhà nước giao đất…

Theo đề án, sẽ di dời 4.200 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ. Chính quyền thu hồi gần 78ha đất ở phường Hương Sơ để bố trí 3.526 lô đất tái định cư (gồm cả dự phòng), diện tích mỗi lô từ 60 - 200m2. Hiện địa điểm chuẩn bị đón người dân di dời đã được xây đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, ngầm hóa hệ thống điện và trồng cây xanh.

Theo dự kiến, dự án di dời dân cư tại khu vực di tích kinh thành Huế gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019-2021) hoàn thành khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm Thượng Thành, 24 Eo Bầu, hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ). Sau Tết Canh Tý có 523 hộ dân ở Thượng Thành được giải tỏa, nhận đất về nơi ở mới; sau đó đến khu vực  Eo Bầu; đến 2021 di dời dân khu vực Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ.

Từ 2022-2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).

Mai này rời chốn cũ

Các hộ dân sắp được di dời chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Do vậy, khi có cơ hội tới nơi ở mới ổn định cuộc sống lâu dài, an cư lạc nghiệp, ai cũng đồng thuận. 

Hàng chục năm nay cả ngàn người dân nghèo ở Thượng Thành phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác
 Hàng chục năm nay cả ngàn người dân nghèo ở Thượng Thành phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác

Ông Trần Lượng (77 tuổi, khu vực Thượng Thành), kể, ông quê ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, lên TP bán bánh mì. Năm 1967 ông lấy vợ rồi sinh sống tại đây. 

“Cách đây chừng 10 năm, chính quyền đã nói sẽ di dời chúng tôi qua khu tái định cư nhưng ngóng mãi chưa thấy. Phải đến bây giờ, qua bao nhiêu đời Chủ tịch tỉnh, khi đã được tận mắt thấy nơi mình sắp được chuyển đến, giấc mơ của chúng tôi đã thành hiện thực.

Bà con ai cũng vui vì ở đây quá khó khăn, nhếch nhác nhưng lâu nay không đi đâu sống được vì tiền không có, đất cũng không. Mỗi lần đến lượt các con dựng vợ, gả chồng là thấy tội cho chúng vì nhà không ra nhà, mưa xuống lấm lem bùn đất; nên đi sớm chừng nào, hay chừng đó”, ông Lượng nói.

Bà Hà Thị Nở (61 tuổi, ngụ tổ 1, khu vực 1, phường Thuận Thành) sống trong ngôi nhà chật hẹp từ 40 năm trước với 6 nhân khẩu. “Đây sẽ là cái Tết cuối cùng của tôi trong nhà cũ. Tết này sẽ rất ý nghĩa vì sắp phải rời chốn cũ. Cả nhà sẽ tụ họp, chụp ảnh kỷ niệm để nhắc nhở con cháu sau này về một thời gia đình từng sống khó khăn ở đây. Cán bộ đã đến đo đạc, thống kê định giá nhà tôi 120 triệu đồng, cộng thêm tiền hỗ trợ… Chúng tôi sẽ có căn nhà mới, khỏi lo mỗi khi mưa bão về”.

Ông Đào Văn Tuệ (58 tuổi, ngụ 15/112 đường Xuân 68) thì cho hay, ông nôn nao, mừng vui lẫn lộn. Mừng vì không lâu nữa, gia đình sẽ được chuyển về nơi ở mới, chấm dứt cảnh bám nhờ di tích. Nhưng cũng vì thế mà ông lo, vì cuộc sống khó khăn, ông bị tai biến chưa trở lại với nghề đạp xích lô, còn vợ buôn bán nhỏ ở chợ cạnh nhà. Không biết nơi ở mới cách nhà chừng 3km sẽ làm ăn như thế nào.

Ông Tuệ: “Mừng vì sắp tới nơi ở mới nên năm nay sẽ đón Tết to hơn mọi năm để chia tay chốn cũ”
 Ông Tuệ: “Mừng vì sắp tới nơi ở mới nên năm nay sẽ đón Tết to hơn mọi năm để chia tay chốn cũ”

“Lúc vừa có vợ, tôi mua căn nhà này với giá 1 chỉ vàng, đến nay đã hơn 30 năm. Hiện bà con ở đây phấn khởi vô cùng, đa phần đón Tết to hơn những năm trước vì sắp có nhà mới. Riêng tôi, dù khó khăn cũng sẽ cúng một mâm thật lớn nhằm báo cáo ông bà, tổ tiên cũng như thổ thần đất đai nơi đây”, ông chia sẻ.

Hợp ý Đảng, lòng dân

Theo ghi nhận, cả hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên - Huế đều thống nhất, đồng lòng quyết liệt thực hiện đúng kế hoạch đề ra, trong tâm thế “đếm ngược” chờ cuộc di dân lịch sử.

Ông Trần Văn Cẩm (tổ trưởng tổ 14, phường Thuận Lộc) cho biết, trong đợt di cư đầu tiên toàn tổ có 100 hộ, trong đó 16 hộ nghèo. Tất cả đều chấp hành và đồng thuận cao chủ trương của Nhà nước. “Ra Tết Nguyên đán di dời là đẹp nhất, vì trước Tết mà di dời bà con cũng chưa thể làm nhà được, chưa kể nếu giao tiền hỗ trợ sớm dễ tạo nhiều hệ lụy tiêu cực”, ông nói.

Bà Phan Thị Cúc (Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc) bày tỏ: “Chúng tôi đã sẵn sàng mọi việc. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt cho cuộc di chuyển, người dân và chính quyền phường mong muốn lãnh đạo tỉnh và TP tính toán, xem xét giải pháp phân kỳ số lượng cho phù hợp”.

Theo ông Hoàng Hải Minh (Chủ tịch UBND TP Huế): Công tác kiểm kê rất được chú trọng, đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch. Qua khảo sát 100% hộ dân mong muốn được cấp đất ở thay vì ở chung cư. TP cũng đã công bố 8 mẫu nhà được xây dựng ở khu quy hoạch phường Hương Sơ để người dân tham khảo, lựa chọn. Riêng với nhà dành cho hộ nghèo được thiết kế một tầng; móng, cột, dầm, sàn bằng bê tông cốt thép; mái lợp tôn, nền lát gạch. “TP Huế dành toàn tâm, toàn lực vào cuộc di dân này”, ông Minh cho biết. 

Khu dân cư phía Bắc Hương Sơ, nơi tái định cư của các hộ dân
Khu dân cư phía Bắc Hương Sơ, nơi tái định cư của các hộ dân

Người “chỉ huy trưởng”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã nhiều lần thăm bà con, hỏi han, giải đáp những thắc mắc để người dân vững tin, đồng lòng trước ngày rời đi. Ông Thọ luôn nhấn mạnh việc di dời này là nguyện vọng chính đáng của người dân và là trách nhiệm của chính quyền.

Ông Thọ khẳng định, quá trình triển khai Đề án đã được Chính phủ cho phép với khung chính sách thông thoáng nhằm hỗ trợ tối đa nhân dân. Việc di dời cư dân đợt đầu tiên sẽ diễn ra vào đầu năm 2020, dù chậm hơn so với kế hoạch nhưng phải đảm bảo giải quyết xong các vướng mắc kiến nghị của người dân trước khi thực hiện.

“Việc đầu tư xây dựng khu ở mới của dân phải đảm bảo chất lượng, phải là kiểu mẫu để người dân nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng an cư lạc nghiệp. Chúng ta phải cố gắng làm những điều trọn vẹn nhất, trách nhiệm nhất với bà con. Về phần mình, đề nghị bà con tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lắng nghe, cầu thị để cùng thực hiện di dời một cách tốt nhất, không để những vướng mắc nhỏ trở thành lực cản lớn. Chính quyền sẽ cố gắng hết sức để bà con được đến một nơi ở mới hiện đại, tiện nghi, đảm bảo: Xanh - sạch – sáng”, ông Thọ nói. 

Kinh thành Huế là một di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự, rộng hơn 500ha. Trong thành có 4 phường Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp gồm Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận. 

Đọc thêm