Động viên tình già… sớm nở
Các cán bộ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội 3 đều cho rằng, tình cảm, tình yêu, sự sẻ chia là quyền của mỗi con người, vì vậy Trung tâm không bao giờ có ý kiến trước chuyện các cụ gắn bó, chia sẻ với nhau, thậm chí Trung tâm còn tạo điều kiện, động viên các cụ để họ có thêm nguồn năng lượng sống những ngày của tuổi già vui vẻ hơn, đáng nhớ và có giá trị hơn.
Chị Lê Kim Thanh chia sẻ, cái gọi là “tình già” này đặc biệt lắm, chẳng như tình trẻ hay cặp bồ, mà ở đây là sự bầu bạn, là nhu cầu chuyện trò, gặp gỡ và chia sẻ những thứ rất nhỏ nhặt hàng ngày. Như việc các cụ có thể hẹn hò, ra chợ mua chút hoa quả về ăn cùng nhau, ốm đau thì chăm sóc nhau, tối đến rủ rỉ chuyện trò rồi ai về phòng người nấy ngủ.
Để có những câu chuyện tình già nở muộn này, chị Thanh và những nhân viên gắn bó trực tiếp với các cụ cũng phải rào trước, đón sau, cũng phải tỉ tê mỗi sớm để các cụ không ngại ngần trước việc “có tình yêu muộn”.
Chị Thanh chia sẻ, lúc đầu các cụ ngại lắm, nhưng các chị hiểu ý, nói với các cụ rằng, tình yêu là quyền của mỗi con người. Các cụ cứ thoải mái đến với nhau nếu thấy tốt hơn cho sức khoẻ và tuổi già. Được lời như cởi tấm lòng, các cụ không còn e ngại khi phải lo lắng, chăm sóc cho nhau nữa.
Trong những câu chuyện về tình già ở Trung tâm này, có lẽ chuyện cụ Quảng gần 10 năm chăm sóc ông bạn già của mình cho đến tận ngày ông nhắm mắt xuôi tay là câu chuyện cảm động nhất mà mỗi lần nhớ đến, những cán bộ ở Trung tâm này đều phải tấm tắc với tình cảm sắt son của hai con người bất hạnh đồng cảnh ngộ.
Cụ Quảng kể lại câu chuyện tình cảm động của mình |
Đưa chúng tôi đến phòng cụ Quảng, chị Thanh nháy mắt vui vẻ: “Cụ ơi, có người muốn nghe chuyện tình của cụ này”. Cụ Quảng quay ra cười hiền hậu, bảo: “Chuyện lâu rồi mà, bây giờ ông đã yên nghỉ dưới chín suối rồi”. Chúng tôi động viên “Không sao đâu, cụ kể cho chúng cháu nghe cũng là một cách để cụ nhớ về người bạn của mình. Chắc cụ ông cũng vui lắm”. Được động viên, cụ Quảng bộc bạch về cuộc đời mình. Ánh mắt cụ xa xăm như đang nhớ lại những hình ảnh xưa cũ.
Nửa đêm theo cụ ông vào viện…
Cụ Quảng gặp cụ ông tên Dần cách đây khoảng 8-9 năm, khi ấy cụ vừa bước vào tuổi 80. Ngày ấy sức khỏe còn tốt, cụ Quảng được giao nhiệm vụ chăm sóc đàn lợn, còn cụ Dần thi thoảng được phân công đi cắt rau về cho lợn. Ngày đầu tiên gặp nhau, cụ bà thấy cụ ông khó nhọc, hom hem. Tìm hiểu được biết cuộc đời cụ rất khổ, vợ mất, 2 đứa con trai thì một người nghiện đã mất, còn một người cũng đang vướng vào ma túy. Cụ thấy thương cụ ông, hoàn cảnh đã khổ còn đau ốm luôn vì mắc phải bệnh ho hen mãn tính. Thế là hai cụ đồng cảm, chuyện trò nhiều hơn. Ban đầu cụ giúp đỡ cụ ông vài việc vặt rồi bắt đầu chăm cụ bệnh tật sau đó ít lâu.
Khoảng 8-9 năm chăm cụ ông, lần nào đêm hôm, cụ ông phải cấp cứu trong bệnh viện cụ đều không vắng mặt. Có những lần đang trong giấc ngủ, nửa đêm, người bạn ở phòng cụ ông sang gọi cụ vì cụ ông trở bệnh, cụ lại lật đật đi theo sang phòng cụ ông rồi cùng nhân viên y tế đưa cụ ông đi viện. Suốt 9 năm, cụ đã cùng cụ ông đi hết Bệnh viện Xanh Pôn, Bạch Mai rồi sang Viện 103… kể cả Tết, cụ cũng đều ở bên cụ ông những ngày cụ ông đau yếu.
Cụ Quảng kể, có một lần cụ ông bị yếu khi nửa đêm, con trai nghe tin phi ngay đến Trung tâm nhưng bảo vệ không cho vào vì sợ con cụ nghiện, có thể gây ra chuyện nọ chuyện kia, cụ phải đứng ra bảo lãnh để con cụ ông vào với bố. Rồi cụ rơm rớm nước mắt tâm sự: “Chăm ông ốm yếu 8-9 năm nhưng tôi có được đưa ông đi đoạn đường cuối cùng đâu cô”.
Dừng lời giây lát để qua cơn xúc động, cụ bảo, cụ ông chọn đúng thời điểm cụ đi Lào Cai thăm đứa cháu để đi. Cụ vừa đi hôm trước thì hôm sau được tin cụ ông mất. Cụ không thể quay về vì theo lệ thường, cụ ông sẽ được đưa đi ngay hôm sau. “Nhưng cũng còn an ủi là ông có nhiều anh chị em nên họ vào tiễn nhiều, tôi đỡ áy náy và đỡ thương ông hơn cô ạ” - cụ tâm tình.
Đến bây giờ, người con trai còn lại của cụ ông sau khi được cụ bà khuyên nhủ đã đoạn tuyệt được với con đường lầm lỗi, giữ được người vợ và gia đình trọn vẹn cho đứa cháu nội của cụ ông. Cụ ông đã mất gần một năm nhưng người con trai này vẫn qua lại, tháng nào cũng vào thăm cụ, mang theo quà bánh, hoa quả.
Có những lúc đi làm xa, không về thăm cụ được, anh cũng gọi điện về thăm hỏi và mong cụ thông cảm. Mỗi lời anh nói “Con đang đi làm xa quá nên không về thăm bà được. Bà chịu khó giữ gìn sức khỏe nhé” đều được cụ nhắc lại với sự xúc động vô kể.
Vun vén tình cảm như chăm sóc cây xanh…
Cũng có những đôi, các cụ mến nhau vì chuyện trò tâm đầu ý hợp chứ không hẳn vì cần chăm sóc cho nhau, vì các cụ đều còn khỏe mạnh, như chuyện của bà Vũ Thị Đỉnh (67 tuổi) và ông Võ Thế Ái (87 tuổi) là một ví dụ. Bởi dù đã bước gần đến tuổi 90 nhưng ông Ái vẫn có dáng dấp và phong độ khỏe mạnh.
Ông vốn là một nhà báo, đã trực tiếp tham gia vào các cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp và chiến tranh biên giới sau đó. Đi nhiều, hiểu lắm và nắm tình hình thời cuộc rất sắc, ông cảm giác như mình rơi xuống hố khi người vợ tâm đầu ý hợp với ông mất khi hai người cùng vào trung tâm bảo trợ được khoảng 1 năm. Ông ít nói hẳn, cũng không giao tiếp với ai, lặng lẽ đi về như một cái bóng.
Bà Đỉnh nhìn thấy dáng ông lầm lũi thì nảy sinh tình cảm, thương ông sớm tối một mình. Bà liền hỏi chuyện “sao anh ít nói thế”. Ông trả lời: “Phải có bạn tâm giao mới chuyện trò được, ở đây biết nói với ai mà nói nhiều”. Bắt đầu chỉ đơn giản như thế nhưng qua thời gian, hai người lại thấy chuyện trò hợp nhau. Họ gặp gỡ nhau hàng ngày sau mỗi buổi tối tập thể dục. Khi nào thời tiết rét quá thì hai người tập ở trong phòng và nhắn tin cho nhau rồi cảm mến nhau lúc nào không hay.
Hai ông bà Đỉnh – Ái chụp ảnh trong một lần ra mắt họ hàng |
Quốc khánh năm 2015, bà đã đưa ông về ra mắt họ hàng. Cả nhà ai cũng mừng cho hai người tìm được bạn tâm tình khi về già nhưng do còn e ngại, thẹn thùng nên giờ ai vẫn ở phòng nấy. Bà dí dỏm bảo, bà cũng thấy thiệt thòi lắm nhưng vì không thắng được sự e ngại nên chưa dám về chung phòng. Hai người cũng đã cùng nhau đi chơi một chuyến và kể hết mọi chuyện, chia sẻ quan điểm với nhau để cùng cảm thông và gắn bó với nhau.
Tình cảm của hai ông bà cũng giống như chuyện của các bạn trẻ mới lớn, cũng giận hờn, xin lỗi và làm lành. Có những thời điểm 2-3 ngày mới gặp nhau một lần vì ngại ngần. Bà cũng dặn dò ông: “Anh với em quý mến nhau, cùng hẹn hò chung thủy, không được đi với người khác nhé”. Ông thương bà không có lương nên cũng giúp bà nhiều. Bà luôn ý thức việc vun vén tình cảm giữa hai người, bà bảo rằng: “Tình cảm con người giống như cái cây ấy, có chăm bón mới lớn, mới tốt và phát triển, ra hoa, ra quả và xanh tốt”…